Đưa ca trù vào đám cưới, thì sao?

07/03/2013 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chiều 5/3 vừa qua, lần đầu tiên các nghệ sĩ của giáo phường ca trù Thăng Long đã có buổi biểu diễn tại một đám cưới ở số nhà 125B phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Trong một không gian ồn ào tưởng chừng chỉ có những lời chúc mừng hạnh phúc, thì tiếng ca, nhịp phách của các nghệ sĩ ca trù vẫn vang lên như một “món ăn lạ” cho khách tham dự.

Ông Lê Sỹ Tuyên, chủ hôn lễ, chính là người nảy ra ý tưởng mời các nghệ sĩ ở giáo phường ca trù Thăng Long tới biểu diễn tại đám cưới con gái mình. Ông vốn là người sưu tập, nghiên cứu đồ cổ và chế tác đồ giả cổ.

Thổi  tình yêu ca trù vào khách dự tiệc

Ông không ngần ngại chia sẻ: “Rất nhiều lần gia đình có việc lớn, tôi đã định đưa các nghệ sĩ hát ca trù đến biểu diễn góp vui, nhưng chưa thực hiện được vì nhiều lý do. Tới hôm nay, trong ngày vui của con gái, tôi đã quyết tâm thực hiện”.

Sở dĩ ông không chọn các loại hình âm nhạc hiện đại để biểu diễn trong đám cưới là bởi: “Trong đám cưới, chúng ta đừng nghĩ đến cỗ bàn, phòng ốc xa hoa, hay những nghi lễ quá hiện đại, lai căng. Tôi cũng muốn tránh xa tiếng nhạc đám cười xập xình. Vì thế tôi đã chọn ca trù. Đám cưới mà có ca trù hoặc loại hình âm nhạc dân gian nào khác như chèo, xẩm… theo tôi nghĩ đó mới là văn hóa đám cưới”.

Ca nương Phạm Thị Huệ và các nghệ sĩ giáo phường Thăng Long biểu diễn trong tiệc cưới

Rất nhiều vị khách tới dự tiệc cưới nhà ông Tuyên cảm thấy thích thú. Anh Lê Sỹ Đôn hiện là giám đốc một công ty phát triển nhà Hà Nội, bày tỏ: “Trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng không có nhiều thời gian nên chỉ có thể biết đến ca trù ở ti vi hay trên báo chí. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe hát ca trù trực tiếp. Càng hay và ý nghĩa hơn khi tiếng hát, nhịp phách ca trù lại vang lên ở trong không gian là buổi tiệc cưới. Tôi nghĩ chúng ta nên nhân rộng cách làm này để bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc ca trù”.

Với ông Đinh Trọng Cân - GĐ công ty cổ phần vận tải Hạ Long, Hà Nội - thì: “Rất hay, tôi thấy mê ca trù nhiều hơn rồi. Trước đây tôi chỉ được nghe trên sóng phát thanh, giờ “mắt thấy tai nghe” thì lại càng “thấm thía” nhiều hơn.

Hai sân khấu hoàn toàn khác nhau

Ca nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm giáo phường ca trù Thăng Long cho biết lý do nhận lời mời hát ở đám cưới rất đơn giản: “Chúng tôi tự hào vì mình là người Việt, hát những câu hát của dân tộc mình, tự hào vì người dân cũng yêu thích, trân trọng những giá trị âm nhạc truyền thống và họ biết thưởng thức những món ăn tinh thần sang trọng. Tất cả những điều này sẽ tạo nên một nét đẹp của văn hóa người Hà Nội, đó là điều chúng tôi mong đợi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được lời mời hát đám cưới, thật bất ngờ”.

Ca nương Phạm Thị Huệ và các nghệ sĩ tham gia biểu diễn ca trù ở đám cưới nhà ông Tuyên đều có cùng cảm nhận, hát ở đám cưới rất khác với hát trên sân khấu. Ở trên sân khấu, người ca nương hát với chính lòng mình, qua cảm xúc đó truyền tới khán giả. Hơn nữa, giữa khán giả và người biểu diễn có một khoảng cách do cách sắp đặt của sân khấu, khách ngồi nghe chăm chú, yên lặng.

Còn hát ở đám cưới là hát theo yêu cầu. Vì thế mà đòi hỏi người ca nương phải có nhiều vốn nghề, phải có trải nghiệm để đáp ứng được những lời đề nghị đó. Có người sành về ca trù nên họ cũng biết về cách ngắt hơi, nhả chữ để từ đó đánh giá được đẳng cấp ca nương. Trong không khí vui vẻ tấp nập của một đám cưới, người đi ra, kẻ đi vào, người ca nương vẫn phải tập trung vận khí để giọng hát vang mà không cần tăng âm.

Ca nương Huệ mong muốn ca trù sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các cuộc vui như thế này. Bởi lẽ hiện nay các nghệ nhân, nghệ sĩ trong làng ca trù chưa nhận được nhiều sự đãi ngộ so với công sức cống hiến của họ và đây cũng chính là điểm yếu khiến cho những người đang hoạt đông trong lĩnh vực này rất vất vả với việc mưu sinh. Những canh hát do người dân yêu chuộng đặt hàng là một kênh giúp các nghệ nhân tiếp tục bảo tồn, gìn giữ di sản ca trù.

Ca trù xưa đã đi hát đám cưới, khao vọng

Theo ca nương Phạm Thị Huệ, ngày xưa trong những dịp khao thưởng, mừng đám của những nhà quyền quý bao giờ cũng phải có hát cô đầu, thậm chí còn hát tới 2 đến 3 ngày. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đệ (90 tuổi) cũng đã từng đi đàn hát đám cưới, khao vọng thời đó, cũng ngót 70 năm rồi.

Hoa Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm