15/04/2011 11:20 GMT+7 | Y tế
(TT&VH) - Khung giá viện phí hiện tại đang thể hiện sự bất cập toàn diện trong tất cả các khâu của quá trình khám chữa bệnh, đó là lý do mà PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra để ủng hộ cho việc điều chỉnh tăng khung giá viện phí mới do Bộ Y tế đề xuất.
Kiến nghị của ông Thăng cũng là kiến nghị chung của nhiều lãnh đạo các bệnh viện gửi Bộ Y tế mới đây, bởi họ cho rằng không thể cứ bắt các cơ sở y tế phải oằn mình chấp nhận khung giá viện phí cũ, trong khi mọi giá cả của tất cả các yếu tố liên quan đến khám chữa bệnh đều gia tăng và chất lượng khám chữa bệnh cũng đã nâng lên nhiều so với trước kia.
Lý do tăng giá
Dẫn chứng từ thực tế của quá trình khám chữa bệnh tại BVTƯ Huế, ông Nguyễn Duy Thăng cho hay, hiện nay khung giá thu một phần viện phí do Bộ Y tế ban hành từ năm 1995 đã quá lỗi thời so với hiện tại, bởi đơn cử như giá giường bệnh là 9.000 - 10.000đ/ngày thì ngay cả phục vụ bình thường cũng không đảm bảo, chứ nói gì đến phục vụ y tế.
Theo BS Nguyễn Duy Thăng, có một thực trạng nữa là bệnh viện càng mổ nhiều lại càng... lỗ nhiều. Dẫn chứng chuyện mổ sinh, nếu theo khung giá viện phí hiện nay thì trung bình một ca mổ sinh, BVTƯ Huế chịu lỗ khoảng 500.000 đồng do các chi phí liên quan đến tiền chỉ, oxy, máu, dịch truyền, rồi thuốc men... đều tăng lên. Các xét nghiệm y tế trước đây chỉ làm bằng tay đơn thuần thì hiện nay đã làm bằng các trang thiết bị hiện đại nên mức giá 10.000 - 15.000đ/lần xét nghiệm đã không còn phù hợp...
Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Lách luật… để tăng thu
Thực tế, không chờ mức viện phí được điều chỉnh, nhiều bệnh viện đã xuất hiện tình trạng “xé rào” viện phí. GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã cho rằng, ở các bệnh viện này, tuy bệnh nhân chỉ phải nộp một phần viện phí, nhưng họ vẫn phải chi khoản đáng kể để mua thuốc đặc trị và vật tư tiêu hao không có trong danh mục. Việc khung viện phí thấp làm chất lượng phục vụ không cao và ngành y tế không có vốn để phát triển. Trong lúc tự xoay xở giải quyết vấn đề thiếu tiền, có những giải pháp làm suy thoái đạo đức của cán bộ y tế.
Cũng từ thực tế, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc BV Việt Đức cho rằng, chính giá viện phí thấp là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực trong ngành y tế như vấn đề đạo đức của y bác sĩ, thái độ với người bệnh, hay một số bệnh viện “lách luật” bằng cách đưa ra nhiều việc làm khác để tăng mức thu viện phí.
PGS-TS Nguyễn Duy Thăng cho rằng trong khi chờ đợi khung giá viện phí được điều chỉnh, để khắc phục những bất cập từ khung giá viện phí hiện nay và để tăng nguồn thu, đảm bảo thực hiện mọi hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả, một số BV đã triển khai dịch vụ điều trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, dịch vụ khám chữa bệnh này hiện cũng mới chỉ phát triển ở các thành phố lớn, địa phương có điều kiện, mức sống cao.
Viện phí sẽ tăng trong năm nay
Từ giữa năm 2010, sau khi Bộ Y tế trình dự thảo giá viện phí mới thay cho khung giá viện phí đã được áp dụng từ năm 1995 đến nay, trong đó đề xuất tăng giá khoảng 350 trên tổng số hơn 3.000 dịch vụ mà các BV đang áp dụng đã khiến dư luận hết sức quan tâm.
Sau nhiều lần lấy ý kiến từ các bệnh viện, từ dư luận, công chúng và các cơ quan liên quan, nhiều khả năng giá viện phí mới sẽ được áp dụng trong năm nay. Khi đó, giá khám bệnh ban đầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2 sẽ tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/lượt hiện nay lên khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt; giá tiền giường bệnh tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt giá với các bệnh phải mổ từ 8.000 - 10.000 đồng/ngày tăng lên 70.000 - 100.000 đồng/ngày; các thủ thuật nội soi thanh quản, lấy dị vật từ 20.000 - 60.000 đồng tăng lên 300.000 - 350.000 đồng...
Sẽ lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh tại các bệnh viện
Dù Bộ Y tế cho rằng việc tăng viện phí không ảnh hưởng tới nhiều người vì chỉ có 2% dịch vụ tăng giá nhưng phần lớn những dịch vụ này rất thiết yếu khi bệnh nhân vào viện, như: tiền khám bệnh, tiền xét nghiệm máu, tiền giường bệnh... Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều đối tượng phải đồng chi trả BHYT, ngay cả người nghèo vẫn phải trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho các loại thuốc không được BHYT thanh toán cũng như các chi phí gián tiếp khác.
Để giải quyết khó khăn này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang sửa đổi Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo hướng huy động các nguồn quỹ khác nhằm hỗ trợ người bệnh khó khăn để cùng chi trả. Dự kiến, sẽ đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Nguồn quỹ này sẽ dành để hỗ trợ các bệnh nhân BHYT khó khăn trong việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh cũng như các đối tượng là bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
500 nhà thuốc tham gia bình ổn giá Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố đã có 506 nhà thuốc (chiếm 3/4 thị phần trên toàn thành phố) tham gia chương trình bình ổn giá theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó có 206 nhà thuốc tư nhân, 203 doanh nghiệp và 97 nhà thuốc bệnh viện. Các nhà thuốc đăng ký bán hàng bình ổn phải thực hiện giá bán lẻ được ấn định và kéo dài đến hết năm. Nếu trong trường hợp giá nguyên liệu có biến động, việc điều chỉnh giá sẽ được xem xét và đảm bảo thấp hơn 10% so với thị trường. Chương trình bình ổn giá thuốc năm 2011 có 40 loại thuốc thuộc 10 nhóm phổ biến, gồm: Giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, nhỏ mắt, chống dị ứng, tim mạch, tiểu đường… Điền Minh
Thanh Xuân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất