20/02/2020 11:00 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến
(lienminhbng.org) - 5 đề cử của hạng mục Nhà sản xuất của năm, tuy đều gắn với thị trường âm nhạc, nhưng có thể phân chúng thành 3 nhóm: Nhà sản xuất của chuỗi chương trình, của các liveshow ca sĩ và của MV + album. Đó là: các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Quốc Trung, Huy Tuấn, Trần Mạnh Hùng và nhóm DTAP.
Nhìn chung những đề cử của hạng mục này đều gắn liền với những sản phẩm nổi bật của thị trường âm nhạc.
Những nhà sản xuất của lễ hội âm nhạc
Nhạc sĩ Quốc Trung ngoài việc làm giám đốc âm nhạc cho Vietnam Airlines Clasics - Hanoi Concert 2019, một chương trình quan trọng khác gắn liền với tên tuổi của anh là Monsoon Music Festival 2019. Sau 1 năm gián đoạn, Monsoon trở lại với 3 đêm diễn (từ 1 đến 3/11/2019) tại Hoàng thành Thăng Long, trước đó 5 ngày Monsoon Street Show 2019 diễn ra tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, Hà Nội.
Những đêm diễn có chất lượng nghệ thuật, đặc biệt là giới thiệu những nghệ sĩ trẻ trong nước và thế giới. Monsoon được xem là hình mẫu trong việc tổ chức một festival âm nhạc, là những đêm nhạc với không gian thưởng thức âm nhạc văn minh, cùng những giao lưu văn hóa và sự lan tỏa niềm vui, thái độ sống tích cực đến với mọi người.
Năm 2019, tại TP.HCM cũng có một chuỗi chương trình tương tự như Monsoon ở Hà Nội, đó là Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 (diễn ra từ 13 đến 15/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ). Lễ hội có sự tham gia của một số nghệ sĩ tầm cỡ thế giới như Nguyên Lê, Cường Vũ… Rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài, nhiều thể loại, tiết mục âm nhạc mới lạ được trình diễn tại lễ hội.
Lễ hội được xem như một làn gió mới của thịtrường âm nhạc TP.HCM với những chương trình có chất lượng chuyên môn cao. Đây cũng là festival âm nhạc đại chúng đầu tiên của TP.HCM và nhạc sĩ Huy Tuấn được xem là linh hồn của lễ hội này khi là tổng đạo diễn của lễ hội.
Ngoài ra, anh còn làm giám đốc âm nhạc cho chuỗi chương trình Music Home trên truyền hình FPT - một chuỗi chương trình với những show diễn mang nhiều cá tính và có chất lượng âm nhạc (về ban nhạc, phối khí, hát live của ca sĩ).
Nhà sản xuất của những liveshow
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng năm nay dấn thân vào showbiz với khá nhiều liveshow. Điều đáng nói đối với Trần Mạnh Hùng là việc nâng cao chất lượng âm nhạc trong các liveshow của ca sĩ, những liveshow có sự hiện diện của dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dây, nhóm nhạc dân tộc…
Liveshow Trăng hát của Phạm Thùy Dung được xem là liveshow của ca sĩ thính phòng hiếm hoi trên thị trường âm nhạc và cũng là liveshow có chất lượng âm nhạc cao khi sử dụng khá thành công dàn nhạc giao hưởng trong các bản phối khí của Trần Mạnh Hùng.
Anh cũng giúp cho liveshow Trở về của Tân Nhàn - một live show với những bài hát dân ca hoặc mang âm hưởng dân gian - có tầm vóc hơn, dân gian nhưng hiện đại, “đẳng cấp” khi kết hợp dàn dây, nhóm nhạc dân tộc và ban nhạc điện tử trong các bản phối làm nền cho Tân Nhàn bay bổng.
Ngoài ra anh còn làm giám đốc âm nhạc cho liveshow Ngôi sao Hà Nội (nhạc sĩ Vĩnh Cát) và chương trình Bài ca không quên.
Hồ Hoài Anh thì làm giám đốc âm nhạc cho các liveshow của Hương Tràm, Thu Minh, Tuấn Hưng, Khắc Việt.
Trong các liveshow này, phần âm nhạc và những cách trình diễn mới được chú trọng, phần dàn dựng rất công phu, tạo hiệu ứng tốt đối với công chúng.
Mỗi nghệ sĩ tìm đến Hồ Hoài Anh là đang đi tìm sự khác biệt, nghệ sĩ gạo cội cũng như nghệ sĩ trẻ, những liveshow của họ vừa mang tính nghiêm túc vừa mang tính cập nhật thời thượng -thể hiện qua việc dàn dựng các tiết mục biểu diễn, giữa ban nhạc live với điện tử.
Với sự chỉ đạo âm nhạc của Hồ Hoài Anh, các liveshow đã mang lại hiệu quả thực tế: Thu Minh để lại cho mọi người rất nhiều cảm xúc, hiệu ứng mạnh mẽ từ nội lực của Thu Minh và phần phối mới lạ các ca khúc cũ.Tuấn Hưng có đêm nhạc vừa khóc vừa cười trước mấy chục ngàn khán giả.Hương Tràm gây ấn tượng với thiết kế sân khấu đặc biệt chưa từng có trong showbiz tạo nên không gian kỳ ảo…
Ê-kíp thực hiện MV nổi bật
Nhóm DTAP, cái tên khá xa lạ với mọi người, tuy rằng họ là những người đứng sau các sản phẩm thành công vang dội của Hoàng Thùy Linh trong năm 2019, đặc biệt là MV Để Mị nói cho mà nghe.
Nhóm DTAP gồm 3 thành viên còn rất trẻ, họ làm việc theo tinh thần team group gồm: Thịnh Kainz chuyên viết giai điệu, Kata Trần thì viết lời cho ca khúc còn Tùng Cedrus làm công việc phối khí.
Những bài hát của nhóm vừa mang tính dân gian, vừa mang tính thời đại. Những giai điệu mang tính dân gian không phải kế thừa, khai thác từ những làn điệu dân ca mà được Thịnh Kainz nghiên cứu và khai thác những quãng âm đặc trưng của điệu thức và mang lại hiệu quả cao. Điển hình là âm hưởng dân ca vùng Tây Bắc trong ca khúc Để Mị nói cho mà nghe.
Các bài hát với tiết tấu hiện đại, áp dụng “câu key” để tạo trend cho bài hát, nội dung khai thác từ tác phẩm văn học hoặc các thành ngữ dân gian. Giai điệu mới mẻ, nhưng dễ nghe, nhiều cảm xúc và gần gũi với mọi người.
Với phương thức sản xuất như đã nói, năm qua nhóm DTAP sáng tác chủ yếu cho Hoàng Thùy Linh với những bài hát trong album Hoàng, trong đó có bài hát Để Mị nói cho mà nghe được thực hiện MV và để lại ấn tượng sâu đậm đối với đời sống âm nhạc.
Đề cử Nhà sản xuất của năm 1. Hồ Hoài Anh 2. Nhóm DTAP (Tùng Cedrus - Kata Trần - Thịnh Kainz) 3. Trần Mạnh Hùng 4. Quốc Trung 5. Huy Tuấn |
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất