Tận thế - Nỗi ám ảnh văn hóa

13/12/2012 08:36 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Dù còn nhỏ, trưởng thành hay đã về già, con người không bao giờ thoát khỏi câu chuyện tưởng tượng kinh điển: sự diệt vong của thế giới. Chính sự diệt vong, chứ không phải vinh quang của sứ mệnh giải cứu, có sức khơi gợi sự tò mò và cảm giác phiêu lưu khó tả đối với con người. Nghệ thuật là một phương tiện để làm thỏa mãn cảm giác đó.

Trước tuổi đến trường, rất nhiều đứa trẻ trên thế giới đã nghe đến khái niệm về tận thế mà tiêu biểu là đại hồng thủy. Chuyện cổ, tiểu thuyết hiện đại, phim, bài hát, các trò chơi điện tử… con người không ngừng nghĩ đến khoảnh khắc kinh hoàng khi thế giới bị hủy hoại và khoảnh khắc huy hoàng khi họ (hoặc một nhân vật mà họ như thấy mình trong đó) ra tay cứu vớt loài người.



Vùng Patagonia thuộc hai nước Argentina và Chile, nằm ở điểm thấp nhất về phía Nam của Châu Mỹ Latin, được coi là nơi “tận cùng thế giới” về mặt không gian, đặt trong tương quan với tận thế - tận cùng thế giới về mặt thời gian.

Người sống luôn nghĩ về cái chết

Đừng bị sự huy hoàng đánh lừa mà nghĩ rằng đó mới là đích đến của tưởng tượng. Hãy nhìn vào các bộ phim Hollywood hay… truyện tranh Doraemon, việc con người hình dung cách một thế lực nào đó tàn phá Trái đất, hình dung cách-loài-người-mất-đi, dường như cũng là một khoái cảm khó cưỡng, chứ không chỉ là một cái cớ để ngợi ca sự sống và tinh thần nhân văn.

Cảm giác này, nỗi sợ này, tất cả là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim Hollywood khai thác. Nền văn hóa đại chúng đã sản sinh ra hàng tỷ mô hình của ngày tận thế: thiên thạch va vào Trái đất, những con virus hủy diệt, cuộc lật đổ của các xác chết (zombie), chiến tranh hạt nhân, cuộc đổ bộ của người ngoài hành tinh (rất hung ác trong tưởng tượng của chúng ta), cuộc nổi dậy của người máy, biến động môi trường (riêng cái này thì rất thực tế).

Kẻ hủy diệt, Ma trận, Dr. Strangelove, 12 Con Khỉ, Bình minh chết (Dawn Of The Dead)… Chắc không nước nào trên thế giới “mê mẩn” tận thế bằng Mỹ, đất nước sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Trang The Onion đùa rằng nút kích hoạt tất cả số này nổ tung đang nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Obama.

Thiên thạch: nỗi sợ xa xôi và lành mạnh

Đáng sợ và thực ra là buồn thảm, nhưng vào một năm đặc biệt như năm nay - 2012, ngày tận thế lại trở thành một trò đùa phổ biến. Trên thực tế, kịch bản phổ biến nhất về sự diệt vong của Trái đất xem ra cũng là một trong những kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Năm 2000, tạp chí Discover từng công bố danh sách 20 cách thế giới diệt vong theo dự báo của khoa học, đứng đầu là, không lạ lẫm lắm: sự va chạm của Trái đất với một tiểu hành tinh khác. Hồi tháng 6, các nhà khoa học phát hiện tiểu hành tinh khổng lồ 2012 LZ1 có bề ngang gần 1km đang đến gần Trái đất, mặc dù, chưa đến đủ gần để tạo nên một mối đe dọa thực sự. Lúc đó, những người đang sống đã thở phào khi biết rằng 2012 LZ1 sẽ không hủy diệt Trái đất ít nhất là trong 750 năm nữa. 1km có gì lớn?

Các bản dịch gần đây của những văn bản khắc tiếng Sumer cổ đại  cho thấy các thành phố kinh thánh của Sodom và Gomorrah thực chất bị hủy diệt bởi một tiểu hành tinh rộng khoảng 800m. Chứng tỏ, nỗi sợ này thấm nhuần vào tâm thức nhân loại hơn chúng ta vẫn nghĩ, qua trải nghiệm thực tế hẳn hoi.

Được chứng minh bằng vật lý, thiên văn học, tôn giáo và cả… Hollywood, nỗi sợ các thiên thể ít ra còn lành mạnh hơn so với nỗi ám ảnh của con người về zombie (mặc dù nếu kết quả của nó là những tác phẩm âm nhạc như Thriller của Michael Jackson thì cũng đáng để ám ảnh).

Băn khoăn suốt mấy nghìn năm

Trong khi một số bộ phim đơn giản là tận dụng sự sợ hãi và thiếu hiểu biết của khán giả về mặt khoa học của ngày tận thế, trở thành những tác phẩm hành động viễn tưởng nông cạn, một vài phim khác cố lái sang những khía cạnh nhân văn hoặc triết học.

Phim Seeking A Friend For The End Of The World (Tìm bạn cho ngày tận thế) có Keira Knightley đóng vai chính, ra mắt hồi tháng 6, có một ý tưởng hay: chàng trai gặp cô gái khi sự sống chỉ còn đếm bằng tuần. Sau một vụ va chạm thiên thạch, trái đất còn 3 tuần tồn tại lay lắt trước khi hoàn toàn diệt vong.

Trong những ngày cuối đó, nhân vật nam chính Steve (Dodge Petersen) tuyệt vọng tìm kiếm một tình yêu, một người bạn hoặc bất cứ thứ gì ý nghĩa cho cuộc đời mình. Anh gặp Penny (Keira Knightley) khi cả hai vẫn đang quay cuồng trong những mối quan hệ phức tạp. Ngày tận thế, điều duy nhất họ băn khoăn là tại sao đã không gặp nhau sớm hơn.

Nhìn từ góc độ triết học thì có phim Melancholia của đạo diễn Lars von Trier, diễn viên Kirsten Dunst đóng vai chính (cô nhận giải Nữ chính của Cannes 2011 cho vai này). Không nhẹ nhàng như Seeking A Friend For The End Of The World, Melancholia khai thác chủ đề tận thế một cách nghiêm trọng hơn. Tiểu hành tinh được thay thế bằng hành tinh. Vụ va chạm hủy diệt được sử dụng để làm một ẩn dụ đẹp cho chứng trầm cảm, làm biểu tượng cho sự đau khổ tuyệt vọng và ham muốn xác thịt của con người.

Cả hai bộ phim, một hài, một triết luận, đều đặt câu hỏi về mục đích của sự sống trong thời khắc cuối cùng của nó. Con người không thể sống thiếu câu hỏi đó. Hàng thiên niên kỷ rồi.

Đó là định mệnh? Hay rác rưởi? Hay đơn giản, trò giải trí? Hình như là cả ba.

Huyền Mi (Theo Huffington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm