Các nhà sưu tầm tranh 'trứ danh'

29/07/2016 21:46 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không phải kiệt tác nghệ thuật nào cũng được trưng bày trong các bảo tàng lớn trên thế giới. Hiện có nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thuộc quyền sở hữu của các nhà sưu tầm nghệ thuật tư nhân. Đây được xem là một trong những sở thích tốn kém nhất và độc đáo nhất của các nhà tỷ phú.

Dưới đây là một số nhà sưu tầm tư nhân đã dành nhiều tâm huyết và tiền bạc để tạo dựng những bộ sưu tập nghệ thuật được đánh giá là có giá trị nhất.

Sưu tập Wildenstein: Gia đình Wildenstein là những nhà buôn và sưu tầm nghệ thuật trong nhiều thập kỷ và hiện họ đang sở hữu sưu tập nghệ thuật gây tranh cãi nhất, với trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Trong bộ sưu tập này có nhiều kiệt tác của các nghệ sĩ quan trọng nhất từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20, như Van Gogh, Renoir, Gauguin, Cezanne, Monet, Rembrandt, Ruben, Caravaggio, El Greco, Fragonard và mới đây người ta đã tái phát hiện kiệt tác Madonna and Child with Saints and The Seven Virtues của Giotto di Bondone trong bộ sưu tập này. Thậm chí, nhiều nhà phê bình còn không biết trong bộ sưu tập còn có một họa phẩm của Vermeer.

Steve Cohen: Cohen là một trong những nhà sưu tầm nổi tiếng nhất trong giới nghệ thuật, người đã chi hàng trăm triệu USD để tạo dựng nên một trong những bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân có giá trị nhất thế giới.


Bức tranh "Young Peasant Woman" (1890) của danh họa Hà Lan Van Gogh, nằm trong bộ sưu tập của Steve Cohen

Hiện ông đang sở hữu nhiều kiệt tác thuộc trường phái hậu ấn tượng (như Bathers của Gauguin hay Young Peasant Woman của Van Gogh) và hiện đại (như Madonna của Munch).

Tuy nhiên, nổi bật nhất trong bộ sưu tập của ông là nghệ thuật đương đại, trong đó có 2 tác phẩm của Willem de Kooning (gồm Police Gazette và  Woman III được mua với giá 64,5 triệu USD và 137,5 triệu USD), một tác phẩm “vẩy” màu quan trọng của Jackson Pollock cùng tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ Anh Damien Hirst là The Physical Impossibility Of Death In the Mind Of Someone Living.

Gia đình Niarchos: Những người thừa kế của ông trùm tàu biển Stavros Niarchos đang sở hữu một bộ sưu tập quan trọng nghệ thuật ấn tượng và hiện đại, đặc biệt là con trai ông, Phillipe Niarchos.

Trong bộ sưu tập này, người ta có thể tìm thấy 3 kiệt tác của danh họa Hà Lan Vincent van Gogh (Self-Portrait With a Bandaged Ear; Portrait of Pere TanguyThe house of Pere Pilon), tác phẩm gây tranh cãi nhất của Paul Gauguin là Riders On the Beach và bức chân dung tự họa Yo, Picasso, được mua hồi năm 1989 với giá 48 triệu USD và tác phẩm Pieta của El Greco.

Vài năm trở lại đây, Phillipe Niarchos đã hoàn thiện thêm bộ sưu tập của mình với những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại như Shot Red Marilyn của Andy Warhol hay bức chân dung tự họa của Jean Michel Basquiat.

Bức tranh "Riders on the Beach" của Gauguin trong bộ sưu tập của gia đình Niarchos

Casa de Alba: Bộ sưu tập đầy ấn tượng của Casa de Alba (Alba House) trong Cung điện Lira, Madrid (Tây Ban Nha) gồm các tác phẩm của Fra Angelico (Virgin of the grenade), Titian (The last supper), Velazquez (The infant Margarita), El Greco, Veronese, Correggio, Ruben, tranh phong cảnh của Rembrandt và nhiều tranh của Goya, nổi bật nhất là bức chân dung của nữ công tước Alba được vẽ hồi năm 1795. Nhiều năm sau này, nữ công tước còn mua tác phẩm của các bậc thầy hiện đại như Pablo Picasso hay Chagall.

Eli Broad: Được đánh giá là bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân có giá trị nhất thế giới, Tổ chức Nghệ thuật Eli Board đang sở hữu bộ sưu tập có thể so sánh với những bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng nhất, với gần 2.000 tác phẩm của các nghệ sĩ như Jasper Johns, Robert Rauschenberg, Andy Warhol, Roy Lichstentein và  Edward Ruscha, bên cạnh bộ sưu tập ảnh quan trọng.

Steve Wynn: Wynn là một trong những tên tuổi lớn trong thị trường nghệ thuật từ hơn 10 năm qua, với cách mua thu hút sự chú ý của mọi người cho phòng trưng bày tư nhân “ngoạn mục” của mình tại Bellagio Casino & Hotel ở Las Vegas. Nổi bật trong bộ sưu tập của ông là tác phẩm của các bậc thầy, gồm bức chân dung tự họa của Rembrandt hay bức tranh nổi tiếng La Donna Della Salute and San Giorgio của Joseph Mallord William Turner cùng các kiệt tác của nghệ sĩ ấn tượng và hiện đại như Van Gogh, Monet và Picasso.  

Francois Pinault: Nhà tỷ phú Pháp này đã sưu tầm nghệ thuật từ hơn 30 năm qua, nhờ vậy ông đã tạo dựng được bộ sưu tập độc đáo với gần 2.500 tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại. Từ năm 2006, 200 tác phẩm của các nghệ sĩ hiện đại như Mark Rothko, Lucio Fontana, Jeff Koons và Damien Hirst được chọn từ bộ sưu tập của ông đã được trưng bày tại Palazzo Grassi ở Venice (Italy).

Charles Saatchi: Trong 2 thập kỷ qua, nhà buôn, nhà sưu tầm đồng thời là “ông trùm” của nghệ thuật đương đại đã làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng nhất hiện nay, như Damien Hirst, trong quá trình tạo dựng bộ sưu tập đầy kinh ngạc nghệ thuật đương đại.

Dù bộ sưu tập của Saatchi không phong phú các tác phẩm của các bậc thầy như bộ sưu tập của Eli Broad hay David Geffen, song đây chắc chắn là các kiệt tác nghệ thuật đương đại trong tương lai.

Vương Trung Quân: Vương Trung Quân, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Hoa Nghị Huynh đệ, là tỷ phú Trung Quốc. Ông bắt đầu tạo dựng bộ sưu tập nghệ thuật của mình với những bức tranh sơn dầu Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 và sau đó là các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ hàng đầu đất nước tỷ dân. Vài năm trở lại đây, ông đã mua các tác phẩm nghệ thuật phương Tây để làm phong phú bộ sưu tập của mình.

Hồi năm 2014, Vương Trung Quân đã gây kinh ngạc khi mua bức tranh tĩnh vật Vase with Daisies and Poppies của danh họa Van Gogh tại cuộc đấu giá của hãng Sotheby’s ở New York với giá 61,8 triệu USD.

Tháng 5/2015, ông đã chi 29,9 triệu USD để mua bức chân dung Woman with a Hairbun on a Sofa của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso. Hồi tháng trước, Vương Trung Quân đã mua bức thư được quan nhà Tống Tăng Củng viết theo lối thư họa với giá 207 triệu NDT (31,7 triệu USD).

Vương Trung Quân nói rằng ông cảm thấy rất buồn nếu như phòng trưng bày nghệ thuật không có tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc có chất lượng hàng đầu. Lý do ông mua bức thư này rất đơn giản, ông muốn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc hàng đầu tại bảo tàng nghệ thuật của mình.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm