Một ngàn năm văn hoá trong lòng đất

08/11/2013 07:08 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Người ta có thể coi đây là một di chứng mang tính tích cực của Chiến tranh Lạnh, hoặc một vấn đề của nhà giàu, hay đơn giản chỉ là sự nhìn xa trông rộng của một dân tộc từng viết và bị cầm tay viết những trang sử đen tối…

Một hầm mỏ bỏ hoang ở Freiburg (miền Nam Đức) từ bốn thập kỷ nay được dùng làm văn khố lưu trữ và bảo vệ các giá trị văn hóa Đức, đề phòng cả trường hợp chiến tranh hạt nhân và tất cả xung quanh biến thành tro bụi như đã từng xảy ra.


Kho Barbara

Hy vọng chỉ là lý thuyết

Một ngày nào đó, sẽ có người lần giở những tài liệu này với niềm hứng thú như chúng ta hôm nay ngắm nhìn các tranh tả cảnh săn bắn của người tiền sử nguệch ngoạc trên vách đá? Chẳng cần nhiều khả năng tưởng tượng, vì thế giới đã vài lần đứng sát bờ vực tuyệt chủng, và bài học từ hai cuộc thế chiến với sự mất mát của hàng triệu sinh linh chắc chưa thể phai nhòa trong ký ức tập thể của nhân loại.

Là nước bại trận và phải xây dựng lại đất nước từ đống gạch vụn, người Đức có ý thức rõ ràng về hậu quả chiến tranh. Khi trên đường vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, họ lập tức nghĩ sớm về bảo tồn giá trị văn hóa. Không phải ngày một ngày hai mà có những triết gia như Kant và Hegel, nhạc sĩ như Bach và Beethoven, văn hào như Goethe và Schiller...   

Ở vùng Schwarzwald người ta chọn đỉnh núi đẹp nhất, Schauinsland, hay đúng hơn là một hầm mỏ đã hết khai thác, để làm một kho chứa khổng lồ, khả dĩ đương đầu với mọi thảm họa do thiên nhiên hay bàn tay con người gây ra. “Khả năng tồi tệ nhất là cả nước Đức bị hủy diệt bởi bom nguyên tử, nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì kho lưu trữ này vẫn tồn tại”, Martin Luchterhandt, một trong những người phụ trách nói. Giọng ông pha chút đùa cợt, và thế là tốt, vì không ai dự tính thực sự đến khả năng thiên về lý thuyết đó.

Hầm mỏ mang tên Barbara được chuyển thành kho trung tâm từ 1975, cho đến nay chứa khoảng 1.500 thùng thép không gỉ, đều đặn mỗi năm hai lần bổ sung thêm từ 10 đến 40 thùng đựng phim sao chụp các tài liệu và văn bản quý như thủ bút của Schiller và Goethe, các bản nhạc của Bach, tài liệu từ văn phòng các triều vua, sổ sách địa chính, tài liệu tòa án…


Phim micro bảo đảm giữ được tối thiểu 500 năm và không phụ thuộc vào phần cứng để đọc
Các nỗ lực dựa trên lý trí

Ai nghĩ ra chuyện lưu trữ các giá trị văn hóa ấy, khi Chiến tranh lạnh đã chấm dứt  và nguy cơ chiến tranh hạt nhân về nguyên tắc là nằm trong tầm kiểm soát? Và tại sao lại chọn hầm mỏ dưới núi Schauinsland?

Có lẽ chỉ có các chính trị gia Đức biết câu trả lời. Trên thực tế, công việc này vẫn được đều đặn thực hiện từ năm 1975. Núi Schauinsland rỗng ruột như một miếng bọt biển, ở đây người ta đã khai thác bạc, chì và thiếc hơn 800 năm cho đến khi cạn kiệt. Một hệ thống hầm lò dài hơn 100 cây số và chia làm 22 tầng quả là lý tưởng cho mục đích làm kho.

Hầm Barbara là hầm thăm dò khoáng sản, nó được khoan vuông góc và sâu 680 mét vào sườn núi dựng đứng phía Đông. Một số hầm mỏ từ khi hết khai thác được dùng làm nơi tham quan cho du khách, trừ hầm Barbara. Công tác canh gác do một công ty vệ sĩ tư nhân đảm nhiệm, thực ra mỗi ngày có một người đảo qua một lần, và cũng chỉ mở cửa sắt bên ngoài để ngó qua. Một chi tiết thú vị trên cổng sắt là có một tấm sắt in ba họa tiết xanh - trắng: đây là dấu hiệu được quy định bởi Hiệp định Den Haag 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp có xung đột vũ trang.

Cho đến nay trên 100 quốc gia ký tình nguyện thực thị Hiệp định Den Haag, và mọi thành viên được phép chiểu theo các tiêu chí trong đó để xếp hạng các di tích văn hóa và đánh dấu chúng bằng các dấu hiệu xanh - trắng. Kho lưu trữ Barbara của Đức được gắn những ba dấu hiệu và qua đó được bảo vệ ở mức cao nhất: binh lính và khí tài quân sự phải giữ khoảng cách tối thiểu ba cây số, và máy bay không được đi vào không phận trên địa điểm này. Mức bảo vệ này có ba nơi ở châu Âu được hưởng - ngoài văn khố Barbara chỉ còn Vatican và Bảo tàng Quốc gia Rijksmuseum ở Amsterdam (Hà Lan). 

Dĩ nhiên, mọi quy định dù có nghiêm ngặt và thiêng liêng đến mấy cũng không ngăn nổi những kẻ man rợ - như trường hợp các tượng Phật khổng lồ ở Bamian bị Taliban đặt mìn hủy hoại ở Afghanistan hồi năm 2001, hay Thư viện Quốc gia Sarajevo năm 1992 không tránh khỏi bị thủ lĩnh Serbia Radovan Karadzic ra lệnh bắn phá. Nước Đức lại càng không thoát tội này, trong hai thế chiến họ đã tàn phá nửa châu Âu và không từ các giá trị văn hóa. Thư viện Đại học Leuven (Bỉ) là một ví dụ đau thương, dù ở thời điểm đó (1914) đã có những ký kết được coi là tiền thân của Hiệp định Den Haag.

Không dễ lý giải vì sao con người đầu tư nhiều chất xám để tiêu diệt nhau và hủy hoại giá trị văn hóa của nhau?

Kho báu không dùng kỹ nghệ cao

Vào kho lưu trữ Barbara, người ta đi theo một đường hầm rộng rãi trong ánh sáng đèn tuýp. Chỉ vài bước chân là đã tiến vào một vùng quanh năm có nhiệt độ ổn định là 10 độ C. Sau 250 mét và một cửa thép sơn đỏ là hai nhà kho lớn.

Trên nền đất và một tầng giá đỡ là 1.466 thùng thép không gỉ hình trụ, mỗi thùng nặng 122 cân và chứa 16 hộp phim micro. Mỗi phim dài 1.520 mét, có nghĩa mỗi hộp phim bao gồm khoảng 50 ngàn hình ảnh đơn lẻ hay mỗi thùng chứa 800 ngàn hình ảnh. Lục lọi trong danh mục các công trình được lưu trữ cũng là một điều thú vị, từ sắc lệnh phong Hitler làm quốc trưởng của vua Hindenburg (1933), Hiệp ước hòa bình Westphalia (1648) chấm dứt chiến tranh ba mươi năm giữa các giáo phái, cho đến văn bản cổ nhất là chiếu chỉ của Charlemagne (Karl đại đế) từ 22/2/794 dành một số đặc quyền cho tu viện Thánh Emmeram.
“Hai nhà kho này nằm song song với đường hầm chính, do đó sóng nổ phát sinh ngay cửa hầm cũng mất tác dụng”, lời giới thiệu có phần vui vẻ và vô cảm của người hướng dẫn khiến khách đến thăm lạnh lưng, khi cố lý giải vì sao con người đầu tư nhiều chất xám như vậy để tiêu diệt nhau và hủy hoại giá trị văn hóa của nhau?

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm