04/06/2021 10:47 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - SEA Games 31 đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ, hoặc chuyển sang năm 2022 do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng mới đây có 1 ý tưởng khá thú vị xuất phát từ Singapore đề xuất các quốc gia ASEAN đồng tổ chức và nếu được thông qua, đó sẽ là 1 kỳ SEA Games lịch sử.
Nguy cơ hoãn hoặc hủy bỏ tăng cao
Vấn đề có nên tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam như kế hoạch dự kiến vào cuối năm 2021 hay không đang được các nhà chuyên môn từ phía ngành thể thao xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, trước khi đề xuất lên Ban Chỉ đạo quốc gia về tổ chức SEA Games và xin ý kiến quyết định cuối cùng của Chính phủ.
Kể từ đầu năm 2019, các nhà chuyên môn đã gặp rất nhiều khó khăn để triển khai kế hoạch liên quan tới việc tổ chức SEA Games, từ việc chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất (sửa chữa, cải tạo nâng cấp công trình phục vụ thi đấu…), đến việc đào tạo, huấn luyện lực lượng VĐV và thực hiện nhiều mảng công việc khác cho công tác tổ chức đại hội do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đến thời điểm hiện tại, sự đe dọa bởi dịch Covid-19 ngày một gia tăng, khi toàn bộ 12/12 địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31 đều xuất hiện nhiều ca nhiễm, đặc biệt ở một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…. Đáng lo ngại nhất, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp với mức độ lây lan cao, xuất hiện nhiều chủng virus mới, chưa biết đến khi nào mới có thể kiểm soát hoàn toàn và dập dịch.
Trong khi đó, công tác chuẩn bị lực lượng VĐV cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hệ thống các giải thi đấu quốc nội nhiều lần bị gián đoạn hoặc hủy bỏ, làm ảnh hưởng lớn tới trình độ của các tuyển thủ. Việc bị hạn chế gần như tối đa thi đấu quốc tế cũng khiến các VĐV không duy trì được phong độ. Bốn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ thường xuyên phải cấm trại và các ĐTQG phải tập huấn tại chỗ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thi đấu của VĐV và khó có thể đáp ứng được yêu cầu cao nhất về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Dịch Covid-19 cũng tác động rất lớn tới việc tiến độ hoàn thành các hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các công trình phục vụ thi đấu ở nhiều địa phương. Thời gian từ nay đến SEA Games 31 không còn nhiều, trong khi ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương và cả nước hiện nay là tập trung chống dịch và đảm bảo sự an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân. Vì thế, việc tổ chức SEA Games 31 có thể sẽ tạo nên áp lực và gánh nặng rất lớn.
Dịch bệnh đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, trong khi khối lượng công việc còn nhiều và nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn rất lớn khi đón tiếp khoảng 10 nghìn VĐV, HLV, trọng tài, giám sát và thành viên các đoàn thể thao Đông Nam Á tới thi đấu. Đặc biệt, tổ chức thi đấu trong bối cảnh dịch bệnh cũng sẽ dẫn tới việc hạn chế khán giả, người hâm mộ. Điều đó hoàn toàn không mang lại lợi ích và mất ý nghĩa của một sự kiện thể thao nhằm giao lưu, chia sẻ, tăng cường hợp tác và cao hơn nữa là để quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.
thời gian qua, các chuyên gia cũng lên tiếng về việc, ngành thể thao cần xem xét, đánh giá và tính toán kỹ lưỡng mọi vấn đề, trước khi đưa ra đề xuất nên hoãn hoặc hủy bỏ việc tổ chức SEA Games 31 hay không? Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, Philippines cũng đã quyết định hủy bỏ không tổ chức ASEAN Para Games 10 sau khi đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á này đã bị hoãn lại vào thời điểm đầu năm 2020.
Ý tưởng đồng tổ chức
Theo tờ The Straitstimes mới đăng tải, trong một hội thảo vừa được tổ chức tại Singapore nhân Tuần lễ về Sức khỏe, Fitness và Wellness thế giới diễn ra vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Lim Teck Yin - Giams đốc điều hành của Hiệp hội thể thao Singapore đã đưa ra ý tưởng - SEA Games 31 cần được tổ chức ở các quốc gia khác nhau tại Đông Nam Á, thay vì chỉ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2021. Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm và có nhiều đóng góp cho thể thao Singapore cũng nhấn mạnh, Singapore sẵn sàng hỗ trợ một phần trong việc tổ chức kỳ đại hội thể thao diễn ra 2 năm 1 lần của khu vực nếu được yêu cầu, trên tinh thần thể thao và đoàn kết của ASEAN.
Trước câu hỏi của giới truyền thông về thách thức các nhà tổ chức sự kiện thể thao có quy mô lớn như Olympic hay SEA Games gặp phải, trong bối cảnh đối mặt với sự đe dọa của dịch bệnh, ông Lim cũng lưu ý về “tinh thần Olympic bất diệt”. “Tôi hi vọng rằng ASEAN sẽ có giải pháp để tổ chức SEA Games vào cuối năm nay.
Để quyết định tổ chức ở một nước hay nhiều nước thì chúng ta hãy cùng chờ xem và vẫn còn vài tháng nữa để chúng ta cùng chung tay lại. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức một vài sự kiện vào cuối năm nếu cần thiết”, ông Lim chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ý tưởng của ông Lim Teck Yin chưa được chính thức đề xuất lên Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á - tổ chức sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các ý kiến liên quan tới công tác tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực.
Trong lịch sử các lần tổ chức, chỉ duy nhất một lần SEA Games bị gián đoạn vào năm 1963 (khi đó tên gọi là Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á - SEAP Games) khi Campuchia không đủ điều kiện tổ chức và kỳ đại hội tiếp theo diễn ra tại Malaysia vào năm 1965. Kể từ đó đến nay, kỳ đại hội thể thao khu vực vẫn diễn ra đều đặn với chu kỳ 2 năm/1 lần và được tổ chức ở một quốc gia.
Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia tổ chức nhiều nhất với 6 lần. Singapore, Indonesia và Philippines xếp thứ 2 với 4 lần. Myanmar xếp thứ ba với 3 lần. Việt Nam, Brunei và Lào mới tổ chức 1 lần. Vì thế, nếu như lần đầu tiên SEA Games được tổ chức ở 2 hoặc nhiều quốc gia Đông Nam Á được coi như một kỳ đại hội lịch sử.
Việc tổ chức một kỳ đại hội thể thao có quy mô lớn diễn ra như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa đang là sự quan tâm của rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Lúc này, mọi ánh mắt đang đổ dồn về Tokyo khi Olympic chuẩn bị diễn ra dù Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng báo động vì dịch Covid-19.
Hiện nay, Tokyo đang trong quá trình chuẩn bị cuối cùng cho sự kiện thể thao lớn này và nỗ lực để đảm bảo rằng các sự kiện này diễn ra an toàn và an ninh. Liên quan tới việc có cho phép khán giả trong nước dự khán các trận thi đấu hay không, quan điểm cơ bản của các nhà tổ chức Olympic là tuân thủ các biện pháp hạn chế của Chính phủ Nhật Bản về số lượng người tối đa được phép dự khán.
Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 sẽ thảo luận vấn đề tổ chức SEA Games Hội nghị trưởng đoàn các nước tham dự SEA Games 31 sẽ được Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến dự kiến vào ngày 15/6 nhằm tổng hợp ý kiến của các đoàn thể thao tham dự về công tác tổ chức đại hội. Trên cơ sở này và đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước, các nhà tổ chức sẽ đưa ra đề xuất về việc tổ chức đại hội với Ban chỉ đạo quốc gia về tổ chức SEA Games 31, sau đó chờ đợi ý kiến quyết định từ Chính phủ. Trong một số cuộc họp trực tuyến trước đây, chưa có đoàn thể thao nào xin rút lui, song tất cả đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian diễn ra đại hội. Các đoàn đều bày tỏ lo lắng về tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng ngày càng phức tạp ở quốc gia mình và dù các VĐV của một số nước đã được tiêm vắc xin Covid-19 nhưng đó không phải là điều kiện an toàn y tế cao nhất. Ngoài ra, mối quan tâm hàng đầu của các đoàn là quy định cụ thể về phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian diễn ra đại hội, quy định về cách ly y tế khi nhập cảnh, tuy nhiên, hiện ban tổ chức SEA Games 31 vẫn chưa có phương án về vấn đề này do chưa làm việc với Bộ Y tế. |
Vũ Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất