Những thể nghiệm nhằm lột xác điêu khắc Việt Nam

12/11/2013 13:13 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Tham gia vào dự án, điểm qua là những cái tên mà tác phẩm của họ đã tạo nhiều dấu ấn trong làng điêu khắc Việt: Trần Trọng Tri, Khổng Đỗ Tuyền, Phạm Thái Bình, Lê Lăng Lương, Thái Nhật Minh, Phạm Bảo Sơn, Nguyễn Huy Tình... Liệu New Form 1 sẽ mang tới sự lột xác cho điêu khắc Việt Nam còn chìm trong sự trầm lắng?

Sau hơn mười tháng làm việc, cùng với quyết tâm thay đổi diện mạo mới, ý tưởng mới cho điêu khắc Việt Nam từ những thể nghiệm sáng tạo hết sức cá nhân, dự án đã cho ra đời những tác phẩm, mà triển lãm New Form 1 khai mạc vào 18h ngày 8/11 tại Vietnam Sculpture Gallery, 12 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội là cột mốc quan trọng đầu tiên.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn, người tổ chức và điều hành dự án này.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn

Thể nghiệm các quan niệm mới của điêu khắc đương đại

* Dự án New Form được hình thành và phát triển như thế nào, thưa anh?

- New Form ban đầu được hình thành bởi một nhóm nghệ sỹ điêu khắc khoảng 10 người với nhu cầu có một hoạt động chuyên môn đều đặn, sinh hoạt nghề nghiệp và giao lưu với đồng nghiệp trong giới, từ đó quảng bá điêu khắc rộng rãi tới cộng đồng xã hội. Họ cùng tụ họp lại trong một triển lãm cùng tên được bày vào khoảng cuối năm 2012.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hoạt động của nhóm rất đơn giản là chỉ tổ chức triển lãm, trong đó nghệ sỹ tự sáng tác theo những quan điểm và phong cách cá nhân của mình, sau đó đem tác phẩm đến trưng bày cùng nhau tại phòng Gallery. Tác phẩm như thế nào, theo tiêu chí gì, đặt cạnh nhau ra sao... đều chỉ là những ước hẹn với nhau, và thực tế chỉ trước ngày triển lãm, nghệ sỹ mới biết công việc của bạn mình như thế nào. Lúc đó, tôi chưa tham dự vào chương trình này, chỉ quan sát và trao đổi với nghệ sỹ sau khi họ thực hiện triển lãm đầu tiên.

Chúng tôi đi đến nhất trí rằng kiểu hoạt động như vậy đã trở nên cũ kỹ, thiếu chuyên nghiệp và đem lại hiệu quả rất thấp cả với công chúng và bản thân nghệ sỹ, cần phải có một sự thay đổi trong việc sáng tác của nghệ sỹ và công tác tổ chức điều hành mang tính dự án. Tôi và các nghệ sỹ trong nhóm bắt đầu làm việc với nhau từ đó. Cả nhóm cùng nhau đặt lại vấn đề của dự án, từ mục đích, tiêu chí, cách thức làm việc, thời gian, tiến trình và từ đó xây dựng lên một kế hoạch của dự án New Form.

Sáng tác của Khổng Đỗ Tuyền
Hoạt động của New Form do tôi điều hành bắt đầu từ đầu năm 2013. Từ những định hướng và tiêu chí của dự án, các nghệ sỹ trong nhóm bắt đầu lại từ đầu quá trình hình thành phát triển ý tưởng của mình. Chúng tôi liên tục có những buổi làm việc chung từ các buổi trao đổi về ý tưởng, phát triển ý tưởng, đến thực hiện ý tưởng thành tác phẩm, các phương án về kỹ thuật và vật liệu, cho đến việc đưa tác phẩm giới thiệu với công chúng ở hình thức nào, hoàn cảnh nào. Nghệ sỹ tự ý thức và điều chỉnh mình qua công việc, những trao đổi và góp ý, và cứ như vậy mọi việc dần dần đi vào quỹ đạo vốn có một dự án nghệ thuật. Và thời điểm này, chúng tôi cho ra mắt triển lãm New Form 1. Đây là kết quả của công việc trong khoảng thời gian 10 tháng vừa qua và triển lãm là một hoạt động mang tính báo cáo công việc của giai đoạn đầu dự án.
Sáng tác của Phạm Thái Bình

*  Vậy dự án đã hướng tới những nội dung cụ thể nào?

Dự án New Form của chúng tôi tập trung vào việc thể nghiệm các quan niệm mới trong điêu khắc đương đại. Tiêu chí của dự án đưa ra bao gồm:

Tìm và phát triển ngôn ngữ nội tại của khối điêu khắc truyền thống, tiến tới thay đổi hình thái tác phẩm và tư duy hình khối điêu khắc.

Thể nghiệm mối quan hệ giữa tác phẩm điêu khắc với không gian bày đặt. Coi không gian đặt-để tác phẩm như một thành tố của tác phẩm, hướng đến mỗi tác phẩm là một sự tổ chức không gian.

Thể nghiệm các vật liệu mới trong sáng tạo điêu khắc, hướng tới sự đa dạng hóa và phá bỏ sự lệ thuộc về vật liệu.

Thể nghiệm sự tương tác của ánh sáng với tác phẩm, coi ánh sáng là một bộ phận cấu thành khối điêu khắc, trực tiếp đóng góp vào tính thẩm mỹ và cấu trúc của tác phẩm.

Từ những tiêu chí trên, nghệ sỹ đưa ra ý tưởng và thể nghiệm chúng bằng các sáng tác. Thời gian của dự án kéo dài trong khoảng 30 - 36 tháng, chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kết thúc bằng hoạt động triển lãm cáo cáo kết quả. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện việc trình bày kết quả của giai đoạn 1. Ở các giai đoạn tiếp theo, nghệ sỹ sẽ tiếp tục theo đuổi và phát triển những công việc của mình đã bắt đầu từ giai đoạn một, theo những phương thức độc lập hơn và yêu cầu chuyên môn cao hơn.

Sáng tác của Thái Nhật Minh

Nghệ sĩ trong nước còn yếu kém kỹ năng

*  Anh đã đảm đương vai trò trong dự án này như thế nào?

- Trong dự án New Form, tôi đứng ở vai trò Nhà điều phối và Curator. Nhiệm vụ chính của tôi là xây dựng dự án dựa trên các tiêu chí đã đặt ra, đưa ra lịch trình các hoạt động và cùng nghệ sỹ thực hiện đúng hẹn, tư vấn cho nghệ sỹ trong việc đưa ra và phát triển ý tưởng. Tựu trung là giúp nghệ sỹ tập trung được cao nhất vào công việc sáng tạo của họ, không xa rời ý tưởng ban đầu và định hướng của dự án. Việc tuyển chọn tác phẩm cho triển lãm cuối giai đoạn, cũng như việc giới thiệu tác phẩm với công chúng, giúp nghệ sỹ đối thoại với công chúng cũng nằm trong trách nhiệm của tôi.

Tuy nhiên, một định hướng quan trọng nhất của dự án là thông qua hoạt động điều hành, nghệ sỹ dần dần tự mình hình thành khả năng làm việc một cách chuyên nghiệp từ phát triển ý tưởng, thể hiện ý tưởng tới hoạt động trình bày và giới thiệu tác phẩm tới công chúng. Khi gặp gỡ và trao đổi với các nghệ sỹ nước ngoài, cụ thể là ngay nghệ sỹ từ các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, họ đều có khả năng làm việc một cách xuyên suốt như vậy, mà nghệ sỹ trong nước nhìn chung vẫn còn yếu kém trong các kỹ năng mang tính toàn diện.

Sáng tác của Nguyễn Huy Tính

* Vậy những thể nghiệm mới về điêu khắc đã được thể hiện cụ thể qua các tác phẩm ra sao?

- Những thể nghiệm trong triển lãm lần này được thể hiện tương đối đa dạng theo những tiêu chí của dự án, trong đó mỗi nghệ sỹ lựa chọn một hoặc hai tiêu chí để theo đuổi và đưa ra phương án cho sáng tác của mình. Ví dụ nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền theo đuổi phương án điêu khắc kết nối với không gian, có yếu tố địa hình và thể nghiệm vật liệu mới (dây thừng-đay) là chất liệu tạo hình chính.

Phạm Bảo Sơn lại là một cuộc chơi với các loại vật liệu kính, thủy tinh, composite, đèn led, gỗ và sắt hàn trong một tư duy thay đổi và tìm kiếm các hình thức biểu đạt khối điêu khắc mới. Ngay cả trong cùng một tiêu chí mỗi nhà điêu khắc lại có có các cách giải quyết khác nhau. Ví như sáng tác của Trần Trọng Tri là một điêu khắc mang tính địa hình (site-specific) tức là nó đáp ứng và giải quyết vấn đề thẩm mỹ mà không gian kiến trúc đặt ra cho nó. Cách giải quyết không gian của Thái Nhật Minh lại theo một chiều hướng khác, anh vẫn duy trì việc sáng tạo các hình tượng điêu khắc đơn lẻ (những con mèo) nhưng lại bày đặt chúng cheo leo trên vách tường, tổ chức không gian và phát triển hướng bày đặt theo tuyến thẳng đứng-dọc.

Cách vận dụng ánh sáng như một yếu tố tạo nên khối điêu khắc cũng đa dạng. Như Lê Lạng Lương vận dụng ánh sáng bên ngoài để tăng cường cảm giác về khối và tạo khối thị giác ảo - bóng của khối điêu khắc trên tường. Nguyễn Huy Tính và Phạm Bảo Sơn lại muốn điêu khắc có ánh sáng tự thân, không cần nguồn sáng hỗ trợ từ bên ngoài mà tác phẩm được nhận diện tự bằng chính ánh sáng bên trong nó phát ra.

Sáng tác của Trần Trọng Tri

* Hiệu quả đạt được theo đánh giá của anh?

- Ở thời điểm hiện tại, khó có thể đưa ra được đánh giá chính xác về một công việc mới thực hiện. Tuy nhiên, ở vai trò người điều hành, tôi nghĩ rằng các sáng tác-thể nghiệm của nghệ sỹ trong triển lãm lần này đã phần nào đạt được các tiêu chí mà New Form đặt ra. Cũng phải nói thêm rằng những tiêu chí của dự án này nhằm giúp cho nghệ sỹ có những nhận thức mới về nghề nghiệp, về điêu khắc, buộc họ phải thay đổi thói quen sáng tác, bắt đầu từ tư duy lại về vai trò và vị trí của điêu khắc trong môi cảnh văn hóa và thẩm mỹ hiện đại, sau đó mới tới việc sáng tác cái gì, như thế nào. Đây là một việc khó, đòi hỏi thời gian và tiến trình nhiều công đoạn.

Tương tác Typography của designer Phạm Đam Ca

Ở một góc độ khác, có thể nói rằng những thể nghiệm mới trong giai đoạn đầu của dự án vẫn còn chưa hoàn toàn mang tính thuyết phục, dù nghệ sỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sáng tạo của mình. Tuy nhiên, thói quen sáng tạo không phải là việc có thể thay đổi một sớm một chiều. Ở đây nó tồn tại cái thói quen nằm trong hành vi sinh hoạt thường ngày, thói quen được hình thành và dung dưỡng trong đời sống và thói quen tiềm ẩn trong văn hóa di truyền.

Thay đổi điểm cuối cùng là khó nhất, bởi yếu tố đó chi phối chúng ta từ hành vi sinh hoạt tới cách suy nghĩ, khả năng tư biện và phản tư biện một cách vô hình, ngay từ khi sinh thành cho tới trưởng thành. Từ đó dẫn đến việc nghệ sỹ vẫn còn dùng dằng giữa thói quen sáng tác cũ và yêu cầu mới, những sáng tác chưa có sự thay đổi một cách quyết liệt, hoặc nếu thay đổi quá lại thành thiếu thuyết phục về ngôn ngữ nội tại của tác phẩm.

Đối với giai đoạn đầu tiên này, mục tiêu của tôi là để nghệ sỹ làm quen với việc hoạt động dự án, và khả năng tập trung vào nghiên cứu và thể hiện một ý tưởng trong thời gian dài. Việc trải nghiệm qua giai đoạn đầu này, cùng với những điểm được và chưa được của mỗi sáng tác - thể nghiệm vẫn là điều có ích đối với nghệ sỹ để tiếp tục các giai đoạn sau này.

* Xin cảm ơn anh!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn hiện đang làm việc tại Ban Mỹ thuật Cổ, Viện Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Anh đồng thời làm công tác Điều hành hoạt động của Mường Studio - thuộc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường và Vietnam Sculpture Gallery 12 Quán Sứ, Hà Nội.

Anh có nhiều bài viết về Nghệ thuật đương đại Việt Nam, làm Curator một số sự kiện nghệ thuật đương đại gần đây.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm