22/03/2011 14:17 GMT+7
(TT&VH) - Người phương Tây thường đặt tên cho các chiến dịch quân sự của mình trước khi tiến hành như một cách để thể hiện triết lý của cuộc chiến cũng như mang lại cảm hứng cho đoàn quân.
Và trong thập niên thứ 2, của thế kỷ 21 này, những người yêu văn học sử lại giật mình với những ký ức về Homer, về Iliad và Odyssey khi cái tên mỹ miều “Bình minh Odyssey” được đặt cho cuộc không kích của Liên quân vào Libya. Bầu trời Địa Trung Hải bốc cháy trong đêm thứ Bảy, 19/3 cho tới rạng sáng bằng ánh lửa Tomahawk từ các chiến hạm của phương Tây. Bình minh nào sẽ đến với mảnh đất cổ tích ven bờ Địa Trung Hải này? Câu trả lời còn ở phía trước.
Libya sáng rực ánh lửa đạn súng phòng không. (Nguồn: Internet)
Người ta biết Odyssey, vị anh hùng Hy Lạp đã trở về từ thành Troia sau cuộc chinh phạt đẫm máu. Odyssey và cả Iliad đã truyền cảm hứng anh hùng ca cho nền văn học trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ, Homer vĩ đại không phải bởi mô tả cảnh chiến trận oai hùng, mà ở những khúc bi ca và hoan ca về tâm hồn con người. Khi đoàn quân Hy Lạp giáp trụ toàn thân, rầm rộ xuất trận trước thành Troia, Homer mô tả đại ý rằng: Không ai ngờ rằng đấy là những đoàn người có tiếng nói trong lồng ngực.
Trong trường ca Odyssey, đoạn khiến tôi rơi nước mắt chính là khi Odyssey trên đường lưu lạc trở về, trải qua bao tai họa, nơi xứ lạ vô danh, chàng bỗng được nghe người ta cất lên khúc hát ca ngợi chiến công của chính chàng. Odyssey đã rơi nước mắt khi những chiến công trở thành huyền thoại còn con người thật của chàng thì phải trải hết tai họa này đến tai họa khác mãi chưa được về quê hương.
Từ những suy nghĩ về trường ca Odyssey, tôi hơi ngạc nhiên không hiểu tại sao liên quân lại chọn cái tên “Bình minh Odyssey” trong trận chiến bên bờ Địa Trung Hải ở thế kỷ 21. Khúc ca Odyssey không phải là khúc khải hoàn chiến thắng mà là khúc ca về người anh hùng bỏ lại những chiến công trên miền Tiểu Á để trở về quê hương với cuộc sống bình thường. Lịch sử văn học ghi: “Odyssey phản ánh thời kì người Hy Lạp bước vào cuộc sống lao động hoà bình, cũng là thời kì hình thành gia đình một vợ một chồng với chế độ phụ quyền và quyền tư hữu tài sản”.
Xem ra khát vọng hòa bình trong Odyssey đã được mang một ý nghĩa khác và do đó cái tên “Bình minh Odyssey” gợi lên những cảm xúc trái ngược. Cảnh bình minh Libya được soi rọi bằng ánh lửa Tomahawk đang dự báo nhiều đau thương mà chắc không có Homer nào để ca ngợi. Và nếu có Homer chăng nữa thì chàng Odyssey tham chiến ngày nay cũng không còn dùng chiến thuyền cong, mặc giáp trụ tay cầm những mũi lao đồng nữa. Và cái thuở bình minh của nhân loại nữa, khi các cuộc chiến tranh như là động lực phát triển thế giới đã qua rồi. Mong sao chàng Odyssey ngày nay, dù lái F15, F16, CF-18 hoặc siêu phi cơ B-2 Spirit, nhưng bên trong những lớp vỏ thép ấy vẫn là “những con người có tiếng nói trong lồng ngực”. Và cuối cùng dù chỉ mất nửa tiếng bay từ căn cứ vào bầu trời Libya, chàng vẫn mong hải trình trên Địa Trung Hải nhanh hơn nữa và chấm dứt để chàng kịp trở về với nàng Pelenope thân yêu.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất