16/09/2020 14:30 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Lượng khách du lịch giảm do đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 460 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Đây là kết luận trong báo cáo mới của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) đưa ra ngày 15/9.
Theo tổ chức này, doanh thu của ngành lữ hành thế giới trong thời gian trên giảm tới 5 lần so với năm ngoái do đại dịch gây ra cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo nêu rõ lượng khách du lịch giảm 440 triệu lượt người trong 6 tháng đầu năm, tương đương 65%, với châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất tới 72% lượng khách so với năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ lệ khách giảm tại châu Âu là 66%, châu Phi và Trung Đông là 57% và châu Mỹ là 55%. Đây được xem là mức giảm chưa từng có trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp siết chặt nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
UNWTO cho biết tới đầu tháng 9, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch mới chỉ được thực hiện tại khoảng 50% số điểm du lịch và phải mất từ 2 đến 4 năm nữa ngành du lịch thế giới mới có thể trở lại như mức của năm 2019. Tổ chức này dự đoán nhu cầu du lịch giảm, niềm tin tiêu dùng chưa được củng cố sẽ vẫn ảnh hưởng đến ngành "công nghiệp không khói" đến hết năm 2020 và lượng khách du lịch trên thế giới sẽ giảm khoảng 70% trong cả năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng hiện tại nhiều nơi trên thế giới đã có thể nối lại các hoạt động du lịch quốc tế có trách nhiệm và an toàn. Ông kêu gọi chính phủ các nước phối hợp các công ty tư nhân để nhanh chóng thúc đẩy hoạt động du lịch trên phạm vi toàn cầu.
Năm ngoái đã ghi nhận có 1,5 tỷ lượt người đi du lịch trên thế giới, tăng 4%, với nước Pháp là điểm du lịch hấp dẫn nhất, tiếp đến là Tây Ban Nha và Mỹ.
Trong khi đó, liên minh các hãng hàng không châu Âu (A4E) - gồm 5 hãng hàng không hàng đầu châu lục - đã hối thúc chính phủ các nước cùng đưa ra các biện pháp nhằm khống chế dịch COVID-19. A4E nhấn mạnh các gói biện pháp siết chặt hiện nay đang cản trở sự khôi phục của hoạt động đi lại trong Liên minh châu Âu (EU).
Giám đốc liên minh A4E Thomas Reynaert chỉ rõ các biện pháp kiểm soát biên giới cùng các quy định cách ly, những yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, sự khác nhau trong bản kê khai hành trình là những rào cản khiến ngành hàng không gặp khó khăn. Để vượt qua những thách thức này, A4E cho rằng các nước cần có sự tiếp cận chung, thống nhất thang cảnh báo nguy cơ dịch bệnh theo màu áp dụng chung cho các nước thành viên nói chung cũng như cho từng khu vực của mỗi nước nói riêng, qua đó có các biện pháp siết chặt chung theo khu vực, thay vì áp dụng các hạn chế trên phạm vi cả nước như hiện nay.
Theo ông, các chính phủ cần đẩy mạnh quy trình xét nghiệm COVID-19 nhanh và đáng tin cậy và nên coi yêu cầu cách ly là "lựa chọn cuối cùng". Cần miễn áp dụng các quy định phòng dịch đối với các đối tượng thuộc diện nguy cơ thấp như phi hành đoàn.
Theo thống kê của A4E, lượng khách đi lại tại châu Âu trong tháng 8 vừa qua chỉ bằng 30% mức hồi cùng kỳ năm ngoái.
Thanh Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất