02/06/2018 10:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thanh niên châu Âu nổi loạn, thử dùng ma túy, cổ súy tình dục phóng túng và tấn công các trường đại học - năm 1968 đi vào lịch sử như một năm bản lề. Ở một thành phố Đức, đất nước vốn tự hào là quê hương kỹ thuật, có một cuộc cách mạng âm thầm không được mấy ai để ý, dù sẽ tác động cực lớn đến cuộc sống thường nhật của mọi người.
Ngòi nổ của cuộc cách mạng tháng 5/1968 là một cái hòm sắt thô kệch sơn xám, do bốn công nhân hì hục lắp trên tường mặt tiền Quỹ tiết kiệm Tuebingen, một thành phố nhỏ miền Nam Đức. Hàng chữ trắng “Máy xuất tiền” không đủ làm người qua đường tò mò đứng lại xem. Nhưng ông giám đốc ngân hàng và hai kỹ sư vẫn cẩn trọng giám sát từng động tác của nhóm thợ.
“Thiết bị này”, như tờ nhật báo địa phương Schwaebisches Tagblatt đưa trong hai cột tin khô khan ngắn ngủi, “là phiên bản đầu tiên ở Cộng hòa Liên bang Đức” khả dĩ cung cấp cho khách hàng của nhà băng một “dịch vụ tiện lợi lý tưởng”.
Xét về tầm nhìn công nghệ, nó hoàn toàn mang tính đột phá ở một thời kỳ mà giới trẻ ngày nay không hình dung ra nổi, một khi đã quen ngồi ở nhà gọi pizza trên mạng đưa về tận cửa hay trả tiền điện nước bằng mấy thao tác trên điện thoại thông minh. Kể cả thẻ ngân hàng có công năng ghi nhớ dữ liệu trên một dải từ cũng chưa được chào đời.
Chấm dứt phong bì phát lương
Trước khi được trải nghiệm cái “dịch vụ tiện lợi lý tưởng” ấy, khách hàng của Quỹ tiết kiệm Tuebingen cần ba phương tiện không lý tưởng lắm - bên cạnh tính nhẫn nại vô song và tối thiểu 10 hoa tay: Một chìa khóa, một thẻ căn cước đục lỗ và một tờ séc đục lỗ.
Chiếc chìa khóa với hai hàng răng cưa dùng để mở tấm che bằng sắt bên ngoài. Khi toàn bộ giao diện hiện ra, khách hàng ấn thẻ căn cước nhựa đục lỗ với kích thước 10,4 x 5,7cm, to hơn thẻ tín dụng ngày nay một chút, vào khe. Cạnh đó là khe thứ hai, chờ tấm séc bằng bìa mỏng đục lỗ, in sẵn số tài khoản và số tiền 100 D-Mark. Về nguyên tắc thì kỹ thuật này không hẳn mới: thẻ bìa đục lỗ đã được phát minh từ năm 1888 bởi một kỹ sư Mỹ gốc Đức tài ba, Herman Hollerith. Nó chính là cơ sở để nhớ dữ liệu trong máy tính thế hệ đầu.
Máy rút tiền kiểm tra bằng điện tử, xác minh thẻ căn cước và séc có phải cùng một chủ sở hữu hay không. Tờ séc được cuộn vào trong, đẩy qua một cửa kiểm tra tiếp theo để phát lệnh. Một tờ 100 D-Mark từ thùng sắt bên trong được đẩy ra ô rút tiền. Như có bàn tay phù thủy! Khách hàng được rút tiền mỗi ngày tối đa 4 lần.
Như đã nói, hôm nay trẻ con sẽ cười nhạo, song ngày ấy cái máy rút tiền tự động đã chấm dứt kỷ nguyên đồ đá của giao dịch tài chính. Thập kỷ 1960 công nhân và nhân viên văn phòng đến kỳ vẫn xếp hàng ở phòng kế toán để ký nhận và đem về một phong bì đựng tiền giấy lẫn xu lẻ. Dần dần, để tránh lẫn lộn và thất lạc, các doanh nghiệp phát séc cho người làm. Song để có tiền tươi thóc thật, người ta phải đem séc ra nhà băng. Vấn đề là không phải người lao động nào cũng ra được ngân hàng trong giờ mở cửa, cuối tuần lại càng khổ hơn.
Một người Scotland tiên phong
Ngân hàng biết vậy, nhưng không thể vì thế mà mở cửa suốt tuần. Một người ưa mày mò ở Tuebingen quyết tâm tìm giải pháp để khách hàng có thể lấy tiền mặt 24/24. Ông nộp bản nháp thiết kế cho công ty sản xuất két sắt Ostertag. Và tháng 2/1968 Ostertag cùng tập đoàn điện tử AEG-Telefunken cho ra đời chiếc ATM đầu tiên.
Quỹ tiết kiệm Tuebingen bỏ ra 40.000 D-Mark để tậu về nhân viên phục vụ kiệm lời này. Ở giai đoạn thử nghiệm, họ lựa ra 1.000 khách hàng “thân tín” - và thất vọng cay đắng! Trong năm đầu, chỉ vẻn vẹn 150 người trong số đó sử dụng dịch vụ ATM, mà cũng chỉ dè dặt - trung bình mỗi ngày tổng cộng chỉ khoảng 2.000 D-Mark được rút ra.
Báo cáo hoạt động của Quỹ tiết kiệm cho biết khách hàng rất biết ơn vì có ATM, nhất là những người đi làm bận rộn, và hầu như máy không hề bị trục trặc kỹ thuật. Lý do chỉ có thể là cách sử dụng rất phiền phức!? Nhà sản xuất ngồi trên đống máy ế.
Cũng phải công bằng mà nói là người Đức, tuy có làm ra sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao này, không phải là người đi đầu làm ATM. 11 tháng trước “cách mạng” Tuebingen, chính xác là 27/6/1967, ngân hàng Barclays Bank ở Enfield phía Bắc London đã lắp máy rút tiền đầu tiên, tác phẩm của một người Scotland tên John Shepherd-Barron. Ông là giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên làm máy đếm tiền. Đầu năm 1965 có lần ông ra nhà băng lấy tiền mặt thì bị đóng cửa ngay trước mũi. Bực mình vì đã đến cuối tuần, ông nghĩ: “Nếu đã có máy tự động bán tất nylon, bánh kẹo và xúp cà chua, tại sao không có máy tự động cấp tiền?”.
“Đủ nhậu nhẹt hoành tráng cuối tuần”
Thiết kế của Shepherd-Barron hoạt động khác với ATM kiểu Đức. Séc để rút tiền không đục lỗ, mà được “bắn” đồng vị phóng xạ Carbon-14 làm bộ nhớ, dĩ nhiên với lượng cực nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Khách hàng phải ấn một số PIN. Máy rút tiền kiểm tra, so sánh và giữ lại tờ séc, nhả ra cho khách tối đa 10 bảng Anh - ngày đó “đủ nhậu nhẹt hoành tráng cuối tuần”, như Shepherd-Barron tự hào kể lại trên báo.
ATM thế hệ này tuy nhiên còn nhiều bệnh: Các bước thao tác quá phiền phức, chỉ được dùng cho một ngân hàng, và dù vậy vẫn có nhiều kẽ hở an ninh. Đặc biệt là máy không được nối trực tiếp với trung tâm, nếu khách hàng rút nhiều hơn số tiền sở hữu trong tài khoản thì cũng không bị chặn ngay được, ngân hàng phải đợi sáng thứ Hai để ngậm ngùi hiểu ra thế nào là “thả gà ra đuổi”.
Phải 10 năm sau ở Đức mới có ATM đầu tiên nối mạng ở Quỹ tiết kiệm Cologne, song vì sợ bị phá hoại nên họ lắp bên trong, tức là chỉ phục vụ trong giờ hành chính. “Dễ hiểu là khách hàng rất lưỡng lự khi dùng dịch vụ này”, công ty sản xuất ATM Wincor Nixdorf thú nhận năm 2003 nhân sinh nhật thứ 25 của đứa con đẻ khó.
Đột phá với thẻ ngân hàng
Ì ạch đến tận năm 1982 cả nước Đức mới có 134 ATM - trong khi người Mỹ và Nhật đã có 12.000. Chỉ khi thẻ ngân hàng, thoạt tiên là thẻ căn cước để xuất quyển séc, có thêm dải từ để lưu dữ liệu thì ATM mới đạt được cú đột phá định mệnh. Đông Đức còn chậm chân hơn một chút so với hàng xóm bên Tây. Máy rút tiền đầu tiên xuất hiện 1987 ở Dresden, cho đến ngày tái thống nhất cả nước chỉ có 274 ATM (so với 20.000 máy bên Tây Đức lúc đó và 60.000 máy ở thời điểm 2015).
Mới đạt đỉnh cao đấy thôi, nhưng nghe chừng tương lai của ATM sắp trở nên xám xịt như mấy bốt điện thoại bỏ xu ngày nào. Từ sau năm 2015 số lượng ATM toàn thế giới bắt đầu lao dốc. Chúng quá đắt đỏ, phải bảo dưỡng phiền phức, lại còn bị các phần tử bất hảo dùng thẻ chế để trộm tiền hay thậm chí bị đập phá. Thương mại điện tử ngày càng phát triển nên có mấy ai dùng tiền mặt nữa. Ngay ở siêu thị cũng có thể trả tiền bằng điện thoại thông minh, chưa kể một số chuỗi cửa hàng đã cho phép trả tiền thẳng bằng thẻ ngân hàng và séc du lịch.
Năm 2018 hãy còn quá sớm để đọc điếu văn cho ATM, nhưng vẫn phải thừa nhận nó là một tiến bộ kỹ thuật có ảnh hưởng sâu rộng. Ở thời điểm đáy của khủng hoảng tài chính toàn cầu, sếp đương nhiệm của Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) Paul Volcker tung ra một lời khen ngợi cay nghiệt: “ATM là sản phẩm cách tân lợi hại duy nhất của lĩnh vực tài chính trong mấy thập kỷ qua”.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất