28/03/2017 12:26 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày mồng 3/3 Âm lịch là Tết Hàn thực được tổ chức rộng rãi trong các gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của ngày Tết này: nó còn có một cái tên thân thuộc “thuần Việt” là Tết Bánh Trôi – Bánh Chay, và dường như không liên quan gì đến điển tích Giới Tử Thôi ở Trung Quốc.
Ai cũng biết, Hàn thực, nguyên nghĩa là đồ ăn lạnh, hay đồ nguội, được cho là liên quan đến điển tích Giới Tử Thôi thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Trung Quốc, người đã cắt thịt đùi dâng vua trong lúc hoạn nạn. Kiêng lửa trong ngày này giống như một cái “hèm”.
Sách Việt Nam phong tục (1915) của cụ Phan Kế Bính
Sách Việt Nam phong tục của cụ Phan Kế Bính xuất bản từ hồi đầu thế kỷ trước (1915) đã diễn nôm câu chuyện này để lý giải về Tết Hàn thực:
“Về đời Xuân Thu, vua Văn Công nhà Tấn, còn khi long đong trốn nạn, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.
Có một hôm, vua đi đường thiếu lương đói quá, bọn đầy tớ không thể kiếm lương vào đâu được. Giới Tử Thôi phải cắt thịt đùi mình ra, nấu nướng ngon lành, dưng lên vua xơi, vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám cảnh vô cùng.
Theo trong mười chín năm giời, trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Đến lúc Văn Công lại được giở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công trong khi tòng vong, nhỡ quên mất công của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đem mẹ vào ở ẩn núi Điền Sơn. Sau vua nhớ ra, sai người vàọ núi tìm không được, Vua sai đốt rừng ấy cho ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu ra, đành hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khu rừng đó làm tự điền.
Hôm ông ấy chết là ngày mồng 5 tháng ba. Người xứ đó thương ông ấy, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì cấm đốt lửa ba ngày mà bắt đầu từ hôm mồng ba, chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn mà thôi”.
Tranh vẽ điển tích Tấn Văn Công đốt rừng ép Giới Tử Thôi phải ra
Có liên quan đến điển tích ấy, nhưng ai cũng biết, trừ đồ bánh trôi – bánh chay, tạm gọi là đồ ăn lạnh, thì ngày Tết mồng 3/3, người dân Việt Nam vẫn… nổi lửa nấu nướng như thường, không hề kiêng kị gì. Điều đó phần nào nói lên rằng, điển tích trên dường như chỉ là cái cớ, là chuyện trên… giấy của giới học giả, trí thức, chứ đa số người dân không mấy tắt lửa để xót xa cho câu chuyện từ mấy ngàn năm trước ở tận bên Trung Quốc.
Cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB VHTT, 2006) do Nguyễn Bích Hằng biên soạn, được sự thẩm định, chỉnh lý của Thượng tọa Thích Thanh Huệ, cũng xác nhận thực tế này:
“Ngày nay, người Việt Nam vào tiết Hàn thực vẫn nổi lửa nấu nướng như thường, mà tượng trưng cho tết Hàn thực bằng làm bánh trôi – bánh chay. Vì vậy, tết này còn được gọi là Tết Bánh Trôi – Bánh Chay”.
Điều bất ngờ là ngay từ đầu thế kỷ XX, nhà nho Phan Kế Bính khi viết sách Việt Nam phong tục cũng nhận xét rất sát thực:
“Ta nhiễm theo tục ấy (tức Tết Hàn thực bên Trung Quốc), thành ra ăn Tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi, mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì”.
Người Việt vẫn nấu nướng trong ngày Tết Hàn thực, chỉ làm bánh trôi, bánh chay là đồ nguội
Rõ ràng, tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang đậm phong tục, triết lý và tín ngưỡng bản địa.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Ngay cách làm bánh trôi của Việt Nam cũng rất khác bánh trôi Tàu, thứ bánh mà hiện giờ cũng được bày bán ở nhiều nơi.
"Bánh trôi Tàu gần tương tự bánh chay, nhưng nhân có gia thêm chút dừa nạo hoặc dừa xắt miếng vuông nhỏ, nước đường thì chỉ dùng gừng và đường không cho bột sắn dây hay bột đao. Loại bánh này thường ăn nóng".
Qua hàng ngàn năm lịch sử, Tết Bánh Trôi – Bánh Chay đã kết tinh tinh hoa vă hóa Việt, thấm đẫm tâm linh Việt, là ngày Tết để tưởng nhớ tổ tiên.
Cúng bánh trôi - chay trong Tết mồng 3/3 ở Việt Nam. Nguồn: Khoahoc.tv
Đặc biệt, cúng bánh trôi, bánh chay đã trở thành một nghi thức linh thiêng trong Lễ hội Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Sử sách ghi lại rằng, Mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) tại cửa sông Hát (xã Hát Môn), Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị đã phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán. Đây cũng là nơi Hai Bà gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết khi bị yếu thế trước quân giặc vào ngày 6-3 năm Quý Mão (năm 43 sau Công nguyên).
Tương truyền, trước khi tuẫn tiết, Hai Bà đã ăn một đĩa bánh trôi, vì thế tục dâng cúng bánh trôi trở thành một nét độc đáo trong lễ hội Hai Bà của người dân xã Hát Môn và các vùng lân cận. Tại lễ hội, hàng nghìn đĩa bánh trôi đã được dân làng dâng cúng Hai Bà và để du khách dự hội thụ lộc.
Lại có truyền thuyết kể lại rằng: Ngày mùng sáu tháng Ba năm Quý Mão (năm 42) khi Hai Bà Trưng chuẩn bị xuất quân đi đánh giặc thì có một bà lão bán hàng nghèo xin gặp và dâng hai đĩa bánh trôi để tỏ lòng thành kính. Hai Bà Trưng đã vui vẻ nhận và ăn những đĩa bánh trôi của bà lão một cách ngon lành trước lúc xung trận.
Dâng bánh trôi tại lễ hội Đền Hai Bà Trưng (diễn ra từ mùng 4 đến mùng 6, tháng 3 âm lịch) ở xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Hanoimoi
Dù cách giải thích có thể khác nhau, nhưng thực tế là nghi lễ làm bánh trôi và nghi thức dâng cúng bánh trôi ở lễ hội Hai Bà Trưng đã trở thành nghi lễ tối linh, được nhân dân gìn giữ, thực hành.
Đ.K (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất