Mặc dù đã vào những ngày đầu thu, khi cái nắng đỡ oi bức hơn khiến sữa tươi mát lạnh không còn là ưu tiên hàng đầu của những bà mẹ trẻ nữa, cửa hàng sữa Mộc Châu tại 529 Kim Ngưu (Hà Nội) vẫn tấp nập khách mua sữa tươi đóng chai.
Chị Hà, mẹ của hai bé 4 và 1 tuổi cười tươi: “Trước kia, tôi hay mua sữa tươi Australia cho con nhưng bây giờ thì chuyển sang sữa Mộc Châu rồi, tươi, mát và rẻ hơn mà chất lượng thì đâu có kém”.
Chị Hà là một trong số rất nhiều bà mẹ trẻ ở Việt Nam đã quay về sử dụng sữa nội thay vì sữa ngoại như trước đây. Và không chỉ có sữa, đồ dùng học tập Hồng Hà, cặp sách Miti, quần áo Hanosimex, giày dép Biti's đang được các bà mẹ trẻ (nhưng không hề dễ tính) ưu tiên hàng đầu khi sửa soạn cho con vào năm học mới.
Không chỉ là chuyện tiêu thụ được hàng, quan trọng hơn, sản phẩm “made in Vietnam” đã tạo được niềm tin chất lượng hàng Việt đủ tốt với người Việt Nam.
Hàng tốt cần đi kèm với giá rẻ
Chất lượng hàng Việt Nam ngày càng tốt hơn. Đó là một thực tế ai cũng thấy. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp chinh phục thị trường nội địa bằng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vở Hồng Hà không chỉ còn bó hẹp ở một vài chủng loại nữa mà có tới mấy chục dòng sản phẩm khác nhau với đủ kích cỡ, mẫu mã. Chất lượng giấy đã không còn trắng loá nữa mà đã tốt hơn cho thị lực người dùng.
Bàn ghế học sinh Xuân Hoà đã có thêm những sản phẩm dành cho bé mới đi học để ngồi không bị cong lưng. Còn nhựa Đại Đồng Tiến thì ứng dụng công nghệ nano-silver vào các sản phẩm nhựa dòng Sina đựng thực phẩm để sản phẩm có thêm tính năng bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn, không bị thay đổi chất và đặc biệt là diệt khuẩn, khử mùi.
Ở dòng sản phẩm cao cấp, gốm sứ Minh Long được người tiêu dùng ngưỡng mộ với những bộ đồ ăn tráng nano không bám bẩn, men sứ trắng tinh, mỏng manh.
Áo sơmi An Phước sánh ngang với Pierre Cardin về kiểu dáng, chất lượng. Những dòng sản phẩm này tự hào có chất lượng sánh ngang với các sản phẩm quốc tế cùng loại.
Thế nhưng chất lượng tốt chưa phải là yếu tố quyết định để “người Việt Namdùng hàng Việt Nam”. Đa phần người dân thành thị, chứ chưa nói đến nông thôn, khó mà khoác lên người chiếc áo giá 800.000 đến 1 triệu đồng; có mấy gia đình người Việt sở hữu một thôi chứ chưa nói đến vài bộ bát của Minh Long với giá 1 - 3 triệu đồng/bộ. Và hơn 70% dân số ở nông thôn đến bao giờ mới có cơ hội sử dụng rổ nhựa nano-silver(?).
Vấn đề đặt ra ở đây là hàng nội địa phải đảm bảo chất lượng cao mà giá cả phải phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Chính vì vậy, trong những tháng gần đây, sản phẩm gốm sứ Minh Long được bày bán nhiều hơn trong các siêu thị với giá chỉ từ 350.000 - 700.000 đồng/bộ, bằng 1/3 so với mức giá trước đây.
Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Trường Thành chinh phục thị trường nội địa bằng chiến dịch “bán hàng giá sỉ” để dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước hơn.
Người Việt yêu hàng Việt - cách nào?
Thực tế cho thấy nếu quy hết trách nhiệm chinh phục thị trường nội địa cho doanh nghiệp thì thật không công bằng. Làm thế nào để sản xuất hàng chất lượng cao mà giá bán phải rẻ là bài toán đau đầu của 100% doanh nghiệp. Lời giải nhiều khi lại không do doanh nghiệp tự nghĩ ra được.
Đa phần các doanh nghiệp hiện nay thiếu vốn sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trong nước phần lớn là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp. Thế nhưng, những doanh nghiệp này lại rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, chưa kể lãi suất vay quá cao vượt quá khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách quản lý thị trường nội địa có quá nhiều kẽ hở khiến cuộc cạnh tranh giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu trở nên không cân sức.
Trong 6 tháng tháng đầu năm 2009, hàng Trung Quốc chiếm tới 70% tổng số vụ nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị kiểm tra, xử lý. Ở hầu hết các vùng nông thôn, thành thị đều dễ dàng gặp cảnh “bước chân ra ngõ là gặp hàng Trung Quốc”, bởi giá bán quá rẻ do chất lượng kém lại không phải chịu thuế nhờ nhập lậu.
Ông Nguyễn Bắc Sơn - Giám đốc Maketting Công ty cổ phần bóng đènĐiện Quang bức xúc công ty đã liên tục, kiên trì đầu tư thương hiệu, thay đổi công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất và giá thành rẻ nhất.
Hiện giá bán sản phẩm của Điện Quang đã giảm khoảng 50% so với thời điểm 2 - 3 năm trước đây. Thế nhưng công ty gặp khó khăn là không thể nào cạnh tranh được với sản phẩm hàng tiểu ngạch Trung Quốc.
Quy mô nhập khẩu và buôn lậu quá lớn nên việc cạnh tranh thị trường đã trở nên khốc liệt, đặc biệt là trong điều kiện khủng khoảng kinh tế, thị trường rất khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc chất lượng thấp tràn vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn một phần do chính sách Nhà nước đưa ra nhưng chưa tinh đến năng lực đáp ứng thực tế.
Rõ ràng là để người Việt yêu hàng Việt là một cuộc chiến gian nan và vất vả, nhưng không thể không làm. Cuộc chiến này cần có sự chung tay của cả ba bên Chính phủ-doanh nghiệp-người tiêu dùng.
Theo Vietstock