30/08/2021 19:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Sau trận gặp Saudi Arabia, đội tuyển Việt Nam sẽ về nước tiếp đối thủ Australia vào ngày 7/9. Nhà báo Nguyên Nguyên, CTV của TT&VH hiện đang ở Australia, với 6 năm cũng đủ để anh có những trải nghiệm về đất nước cũng như nền bóng đá nước này. Trân trọng giới thiệu loạt ghi chép thú vị của anh, ngõ hầu gợi mở mệnh đề: “Làm cách nào để bóng đá Việt Nam đánh bại Úc?”.
4 lần liên tiếp tham dự VCK World cup, là “ông kẹ" của bóng đá châu Á, đối thủ thứ nhì của Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World cup 2022 – Australia - vẫn luôn là cái tên mang lại sự tò mò, chắc chắn không chỉ với người hâm mộ Việt Nam.
1. Dễ cũng gần 30 năm trước, thời điểm mà chiếc tivi mới bắt đầu “len lỏi" vào từng gia đình Việt Nam và trở thành một vật dụng thiết yếu thông thường, slogan “uống bia kiểu Úc" trong một TVC quảng cáo bia từng trở thành trend của giới trẻ Việt. Để rồi từ đó, người ta thường nói “kiểu Úc", ví như “câu cá kiểu Úc”, “chạy xe kiểu Úc...”, để nói về những gì lạ lẫm, mới mẻ hay... khác người.
Nhưng giờ thì xứ sở của chuột túi đã không còn quá lạ lẫm với người dân Việt Nam nữa rồi. 30 năm là quá đủ để người Việt tìm hiểu và quen thuộc với những gì diễn ra hằng ngày khắp thế giới này, nhất là trong thời đại 4.0 chứ không riêng gì Úc, một đất nước tưởng chừng xa xôi nhưng hóa ra rất gần.
Nhưng nói vậy chứ không hẳn cái gì cũng trở nên... quen thuộc và dễ hiểu từ đất nước này với dân Việt. Và bóng đá có lẽ là một trong số ít ỏi đó. Chính xác thì ở Úc vẫn có cái gọi là “Bóng đá kiểu Úc”, môn thể thao mà hầu như chỉ có người Úc chơi một cách chuyên nghiệp với luật lệ của riêng của họ (Australia football, hay người Úc gọi là Aussie rules, ngắn gọn hơn nữa là footy). Và hiển nhiên đó mới là môn thể thao số một ở xứ sở chuột túi với lượng khán giả đông nhất và giàu có nhất.
Nên ở Úc (cũng giống như Mỹ) khi nói bóng đá người ta phải dùng từ soccer chứ nói football, người ta sẽ nghĩ ngay đến bóng bầu dục. Bộ môn này cũng sở hữu kỷ lục là trận chung kết giải vô địch của họ có lượng người xem cao nhất thế giới giải vô địch cấp độ câu lạc bộ. Môn thể thao lâu đời, có sức hút và giàu có như vậy, nhưng hơn 150 năm qua chỉ loanh quanh ở Úc, từng đó thôi cũng đủ nói lên tính chất “kiểu Úc" như trend mà người Việt hay sử dụng ở 30 năm trước.
Vậy còn bóng đá, môn bóng đá mà cả thế giới quay cuồng vì nó? Món này, đôi khi người Việt còn rành bóng đá Úc hơn cả người Úc không chừng. Mà đó lại là sự thật chứ chẳng đùa. Bởi chắc chắn rằng, rất nhiều giới mộ điệu quả bóng tròn Việt đã từng nghe và hiểu rõ về Hary Kewel, Mark Viduka, Schwazer hay Tim Cahill, điều mà không phải người dân Úc nào cũng biết.
Nhưng nói thế không có nghĩa bóng đá ở Úc bị thờ ơ. Mà ngược lại, theo như nhìn nhận của cá nhân người viết, sau 6 năm “loanh quanh" ở đất nước này, thì bóng đá ở Úc cũng có một vị trí nhất định, thậm chí là số 1 nếu xét về số lượng người chơi.
Chỉ với 25 triệu dân nhưng Úc có tới hàng ngàn đội bóng được tổ chức một cách quy củ, tham dự ở 7 cấp độ thì đấu khác nhau trong hệ thống thi đấu bóng đá Úc. Con số này chắc chắn ăn đứt nhưng môn thể thao khác, kể cả đó là footy hay cricket, các môn thể thao được xem số 1 tại Úc. Chưa kể chơi bóng đá kiểu... phong trào thì bạt ngàn.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạ tầng cho bóng đá Úc là tuyệt vời. Sân bóng đá có mặt khắp nơi, từ công viên đến trường học, thậm chí có vẻ như số lượng sân còn nhiều hơn cả số lượng đội bóng ở Úc khi mỗi suburd (kiểu như Phường ở Việt Nam) đều có sân bóng, ít thì 1 nhiều thì... cả chục. Ví dụ như quanh vực St Lucia, thành phố Brisbane, suburd có trường Đại học Queensland đóng đô có tới hơn 10 sân bóng đá.
2. Còn nhớ hồi mới chân ướt châm ráo sang Úc, vì “thèm" và cũng vì mục đích tìm bạn người Việt, cuối tuần người viết cũng hay xỏ giày ra sân bóng của trường Đại học Queensland chơi.
Không tưởng tượng nổi, cảnh tượng chẳng khác gì ở sân bóng làng ở Việt Nam. Sân bóng được chia làm đôi (có khi là 3-4), lúc bóng mới lăn thì mỗi đội chỉ khoảng 5-7 cầu thủ nhưng chỉ tầm 15’-20' sau, số lượng tăng lên gấp đôi.
Có hôm đang đá, không hiểu sao nhìn đâu cũng thấy đối thủ, đội nhà thì bị ép cho tơi tả, người viết đứng lại đếm nhẩm thử số cầu thủ 2 đội thì há hốc mồm: một bên có đúng 9 người còn một bên là... 13!? Vậy mà vẫn đá hồn nhiên, vui vẻ.
Sức hút để đưa dân Úc đến với các sân chơi phong trào còn là hệ thống các giải bóng đá phong trào như nấm sau mưa. Nào là giải trong các trường học, các giải của các cộng đồng người nước ngoài, giải lão tướng, giải thanh thiếu niên, thậm chí cả các giả đấu mà các đội tham gia phải mix cầu thủ nam nữ... Quanh năm suốt tháng, hết giải này đến giải khác nên không khí tập luyện, thi đấu cũng rộn ràng quanh năm khắp các sân cỏ Úc.
Nhưng đáng kể nhất là cách người Úc đem trẻ em ra sân chơi bóng đá. Vào dịp cuối tuần, các sân bóng cộng đồng do các CLB bóng đá tổ chức luôn đông nghịt trẻ con chơi bóng, bất chấp trong khung giờ... kinh khủng: 11-12 giờ trưa!
Đây cũng là nguồn thu lớn bổ sung vào ngân sách để nuôi các đội bóng của Úc. Tại các trận đấu ở A.League, cũng như nhiều môn thể thao khác, những nhà tổ chức luôn biết cách tạo ra không khí, môi trường thích hợp để các gia đình đưa bọn trẻ đến sân bóng vui chơi, hưởng không khí bóng đá. Đến sân bóng đá không chỉ đơn thuần là xem bóng đá mà còn là một kỳ nghỉ cuối tuần tích cự thay vì ra biển hay lang thang các khu... shoping cho bọn trẻ.
Nền tảng hạ tầng, phong trào cực tốt nhưng vì sao bóng đá không phải là môn thể thao số 1 tại Úc? Đấy lại là một câu chuyện khác. Dân Úc chơi bóng đá có tỷ lệ khá cao trên tổng dân số nhưng số người sở hữu ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì có lẽ không nhiều nếu không muốn nói là cực ít. Thế nên, không lạ vì sao hơn chục năm rồi, sau thế hệ Viduka Kewell rồi Cahill, bóng đá Úc không còn cái tên nào nổi trội để người hâm mộ... Việt Nam biết đến.
* Đón đọc kỳ 2: Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Úc
Có một “mối tình bóng đá” Đà Nẵng- Úc Ngay những ngày đầu tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đã được “nếm" hương vị bóng đá Úc. Ấy là khi đội Đà Nẵng nhận được sự viện trợ từ bang Queensland (Úc), nằm trong chương trình hợp tác toàn diện giữa thành phố miền Trung và bang Queensland. Khi đó, 3 cầu thủ người Úc đã đến khoác áo đội bóng sông Hàn 1 năm ở giải hạng Nhất 2001-2002 và có đóng góp đáng kể để đưa Đà Nẵng trở lại V.League. Tiếc là những cầu thủ người Úc này chỉ có 1 mùa giải ở Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng của bóng đá Úc với Đà Nẵng chưa đừng lại. Sau cầu thủ, đến lượt HLV được tăng cường với bộ đôi HLV Ken Morton và Gary Phillips sang đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ cho bóng đá Đà Nẵng. Trong đó HLV Ken Morton để lại dấu ấn đậm nét với ngôi vô địch U.21 2003 cùng lứa cầu thủ tài năng như Quốc Anh, Phước Vĩnh, Thanh Phúc, Đức Cường... khi đó mới 18 tuổi cùng lối chơi tràn đầy sức mạnh và hiện đại. Tiếc là khi lên V.League, cả 2 HLV này đều thất bại và mỗi lương duyên với bóng đá Úc và Đà Nẵng kết thúc từ đó. Nhưng rõ ràng trong lịch sử bóng đá Đà Nẵng, dấu ấn Úc là không nhỏ trong công cuộc đưa bóng đá thành phố này trở lại đỉnh cao. Hiện tại HLV Ken Morton đang làm HLV một đội bán chuyên tại Tasmania (Úc) còn Gary Phillips là HLV trưởng đội tuyển nữ Nepal. |
Nguyên Nguyên (viết từ Australia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất