27/11/2017 21:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đó là ý kiến chung của các diễn giả khi được đặt câu hỏi có nên cách tân áo dài truyền thống hay không trong buổi tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại” diễn ra sáng nay (27/11) do công ty cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các diễn giả: ông Trịnh Bách (Nhà nghiên cứu – Nhà sưu tập trang phục Việt), nhà văn Trương Quý, ông Nguyễn Đức Bình (Họa sĩ, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt), nhà báo Kiều Trinh và Nguyễn Đức Lộc (thành viên nhóm Đình làng Việt).
Trong 3 phần của buổi tọa đàm, các diễn giả đã có nhiều chia sẻ về nguồn gốc của áo dài và việc áo dài dần dần trở thành biểu tượng trang phục Việt, những cột mốc phát triển nổi bật của áo dài… Diễn đàn trở nên sôi nổi hơn cả khi các diễn giả cùng khách mời tham dự đưa ra ý kiến về việc cách tân áo dài cũng như cách thức bảo tồn giá trị truyền thống của áo dài.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, áo dài ở Việt Nam không có mốc thời gian cụ thể nhưng ông khẳng định rằng không như suy nghĩ của nhiều người rằng áo dài được “vay mượn” từ sườn xám (Trung Quốc) mà áo dài tứ thân đã xuất hiện từ thời Hán.
Còn áo dài năm thân (truyền thống) có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ 16 điển hình như được khắc họa trên tượng Ngọc Nữ (chùa Dâu) hay chúa Trịnh từng mặc vào thế kỷ 18. Đến khoảng năm 1920, bà Tống Mỹ Linh mới học theo mẫu áo dài của Việt Nam và làm nên trang phục sườn xám với thiết kế có một vài thay đổi.
Các diễn giả cũng cho biết, áo dài năm thân của Việt Nam có thiết kế chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống. Ví dụ như, áo dài truyền thống có bốn thân ngoài tượng trưng cho ý nghĩa “tứ thân phụ mẫu” còn thân trong là tượng trưng cho chính mình và còn được coi là lớp lót. Bên cạnh đó, việc cắt may áo dài truyền thống cũng được xem là tinh hoa của đời xưa, thể hiện sự hiểu biết rất rõ rệt về cơ thể người Việt sao cho bất cứ ai, tầng lớp nào, vóc dáng ra sao đều có thể mặc được áo dài cũng như che được đi mọi “khuyết điểm” cơ thể.
Với những ý nghĩa như vậy, các diễn giả cùng nhiều quan khách đều đồng ý rằng, việc cách tân áo dài không nên khắt khe nhưng cũng cần giữ được nhân dáng, sự kín đáo trong thiết kế. Diễn giả Nguyễn Đức Bình thẳng thắn: "Ở một vài thiết kế cách tân hiện đại, áo dài nam đôi khi mất đi sự nam tính bởi trong kiểu dáng truyền thống, áo dài nam không chít eo như bây giờ."
Và để làm sao bảo tồn trang phục truyền thống này, nhiều ý kiến bày tỏ cần thực hiện một cuốn sách trong đó nêu rõ các đặc điểm, ý nghĩa, lịch sử… của áo dài Việt Nam vì đến nay chưa có “cẩm nang” nào như vậy nên mang đến một số tranh luận trái chiều.
Minh Thư
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất