Đánh thuế, quản lý chất lượng hàng mua trên Facebook

06/03/2017 20:18 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngoài việc thất thu nguồn thuế lớn thì việc buôn bán trên mạng xã hội còn gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng hàng hóa.

Thực tế là nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng và đã nhận được những sản phẩm không như người bán quảng cáo. Vậy, ai là người quản lý chất lượng hàng hóa, và ai là người bảo vệ người tiêu dùng khi người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi? Dưới đây là một số ý kiến:


Đặng Thị Vân Anh – Người tiêu dùng

“Tôi thường xuyên mua hàng trên mạng xã hội. Vì hàng hóa mua ở đấy so với mua ở cửa hàng có rẻ hơn một chút. Nhưng gần đây tôi có mua một chiếc kính với giá cũng khá đắt, nhưng khi nhận hàng thì tôi mới biết đây không phải hàng chính hãng.”

Đinh Thị Hồng Hạnh – Sinh viên

“Tôi cũng rất hay mua hàng. Mua trên mạng rất nhanh, gọn, phù hợp với những người không có thời gian như tôi. Cũng giống như bạn ấy khi gặp phải những mặt hàng không ưng ý  thì tôi đành chịu vì tôi không biết những người đó là ai, cách liên hệ lại như thế nào”.

Chỉ cần một cú click chuột, cả thế giới hàng hóa online sẽ hiện ra. Mua hàng trên mạng xã hội thường theo tâm lý đám đông, đôi khi là mua của bạn bè trên Facebook, không qua bất kỳ một khâu kiểm tra chất lượng nào. Vì thế lòng tin của người tiêu dùng nhiều khi bị đánh cắp.

Ông Nguyễn Thanh Hưng  – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

“Lòng tin của người tiêu dùng vào môi trường mua bán trực tuyến. Đây là một sự thật. Việc này không phải là việc của một cơ quan tổ chức, doanh nghiệp nào cả. Mà đây là sự nỗ lực chung, bao gồm cả các cơ quan truyền thông và báo chí”.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, cần có một cơ quan Nhà nước đứng ra quản lý chất lượng đối với các loại hình dịch vụ mua bán trên mạng xã hội. Như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới có thể được đảm bảo.

Ông Hà Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Vinalink

“Nếu chúng ta để cho những người kinh doanh chộp giật, trôi nổi không kiểm soát thì sẽ dẫn đến bán hàng kém chất lượng, xù bảo hành, dẫn đến niềm tin về thương mại điện tử bị ảnh hưởng. Cho nên nếu cơ quan chức năng áp thuế thì hãy đưa ra thông điệp rằng chúng tôi thu thuế nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng, giám sát bán hàng tốt hơn”.

Năm 2016 có khoảng 400.000 đơn vị bán hàng trên facebook, và khoảng 50% trong số đó là cá nhân, hộ gia đình chưa được quản lý. Vì thế, quản lý thuế đi kèm với quản lý về mặt chất lượng chính là môi trường pháp lý bình đẳng cho loại hình kinh doanh này tồn tại.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm