Cafe đầu tuần: MU thiếu một John O’Shea

21/10/2024 06:23 GMT+7 | Bóng đá Anh

Khi John O'Shea quyết định giải nghệ, vào đúng buổi tối trước khi tin được công bố hôm sau, anh nhận được một cuộc gọi tâm sự của Sir Alex Ferguson.

Cầu thủ người Ireland cảm thấy ngạc nhiên: "Ông ấy biết mọi thứ về bạn. Biết rằng mẹ bạn đã làm việc ở Woolworths, biết cha bạn làm nghề gì. Biết những yếu tố cảm xúc giúp bạn phát huy tối đa khả năng, biết rằng [cười] bạn chuẩn bị công bố tin giải nghệ vào đêm trước khi thông báo công khai" - O'Shea nói với tờ The Times.

Sir Alex "yêu" ai nhất?

O'Shea cũng tiết lộ rằng Sir Alex chứ không phải ai khác là người đầu tiên gọi điện cho anh kể từ khi có thông tin anh giải nghệ. Một sự ưu ái đặc biệt mà đến David Beckham cũng không có vinh dự này.

O'Shea cũng chính là người hiếm hoi được Sir Alex khen ngợi công khai khi ông còn là HLV của Manchester United: "Cậu ấy là người tuyệt đối chuyên nghiệp. Cậu ấy không bao giờ phàn nàn. Cậu ấy sẵn sàng chơi ở bất kỳ vị trí nào". Năm 2007, cầu thủ người Cộng hoà Ireland này thậm chí còn… xỏ găng bắt thay thủ môn Edwin van der Sar bị chấn thương.

"Cậu ấy không phải lúc nào cũng là lựa chọn số một nhưng cậu ấy luôn cống hiến 30 màn trình diễn mỗi mùa và đó là một đóng góp mà chúng tôi rất biết ơn. Cậu ấy đã chơi ở cả hai vị trí hậu vệ cánh, trung vệ và tiền vệ. Cậu ấy rất đa năng và mang lại giá trị lớn cho chúng tôi" - Sir Alex giải thích vì sao ông lại ưa thích O'Shea đến vậy.

Trong đội hình 11 người được tin dùng nhất dưới thời Sir Alex, điều đáng ngạc nhiên là O'Shea nghiễm nhiên chiếm một suất, với 394 lần ra sân, nhiều hơn cả thủ môn huyền thoại Peter Schmeichel và ngôi sao David Beckham. Một cầu thủ mà HLV người Scotland đặc biệt ưa thích, dù anh chẳng có tài năng gì quá đặc biệt.

Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây với Rio Ferdinand, David Beckham chia sẻ rằng một điều tâm đắc anh học được từ Sir Alex khi quản lý một đội bóng chính là "không phải mang về những ngôi sao, mà phải mang về những người phù hợp".

Kỷ nguyên rực rỡ của MU dưới thời Sir Alex không chỉ được xây đắp bởi các ngôi sao, mà thực tế gắn liền với những mẫu cầu thủ kiểu John O'Shea: Tận tuỵ, vì tập thể và tuyệt đối trung thành. Từ Denis Erwin, anh em nhà Neville, cho đến Darren Fletcher, Wes Brown…

Sự tận tuỵ ấy đã biến mất từ khi Sir Alex rời Old Trafford. Đội trưởng Bruno hay sai lầm và nhận những thẻ đỏ lãng xẹt. Marcus Rashford lười biếng, không chịu pressing đối thủ. Harry Maguire, cũng từng mang băng đội trưởng, thường xuyên "tấu hài". Ngôi sao mới nổi Mason Greenwood sớm lụi tàn vì đời tư.

Cafe đầu tuần: MU thiếu một John O’Shea - Ảnh 1.

John O’Shea mới chính là cầu thủ mà Sir Alex yêu thích bậc nhất, chứ không phải những ngôi sao hào nhoáng như David Beckham. Ảnh: Telegraph

Khi sự quả cảm lên ngôi

Nhưng đêm thứ Bảy vừa rồi, khi MU giành chiến thắng trước Brentford, lần đầu tiên sự quả cảm được ghi nhận như một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi: Matthijs De Ligt bị đổ máu đầu sau một pha va chạm, đến nỗi phải 2 lần ra khỏi sân để băng vết thương.

Điều đáng chú ý là trong lần thứ hai anh bị trọng tài buộc phải rời sân để đội ngũ y tế chăm sóc cái đầu rỉ máu, MU đã bị thủng lưới vì chơi thiếu người. Victor Lindelof đã khởi động để sẵn sàng thay người nếu De Ligt không thể tiếp tục thi đấu, nhưng cầu thủ người Hà Lan đã ra hiệu với Ten Hag rằng anh có thể tiếp tục, và chơi xuất sắc trong hiệp hai.

"Chắc chắn chúng tôi đã rất bực bội và giận dữ trong giờ nghỉ" - Ten Hag tiết lộ chuyện đã xảy ra. "Chúng tôi cảm thấy có sự bất công ở đây (việc trọng tài buộc De Ligt phải ra ngoài chăm sóc vết thương) và tận dụng cảm xúc đó như nguồn động lực".

The Athletic kể lại một câu chuyện về De Ligt, người đã được Ten Hag chọn làm đội trưởng Ajax khi mới 18 tuổi: Đấy là ngày 4/3/2018, khi Ajax đến Vitesse Arnhem cần chiến thắng để duy trì hy vọng mong manh bắt kịp PSV Eindhoven trong cuộc đua vô địch Hà Lan. Ten Hag đã tiếp quản đội vào đầu tháng Giêng, thắng 4 trong 6 trận đấu đầu tiên và hòa 2 trận còn lại.

Đấy là thất bại đầu tiên của Ten Hag ở Ajax, và khi mọi người bắt đầu quay lại phòng thay đồ, một số cầu thủ Ajax đã đổ lỗi, phàn nàn đủ thứ về trọng tài, rồi mặt sân, hoặc thời tiết.

De Ligt bước vào, tỏ ý không hài lòng, và lập tức các đồng đội lớn tuổi hơn, tuyên bố rằng cách duy nhất để Ajax trở thành nhà vô địch là cải thiện cả cá nhân lẫn tập thể, thay vì đổ lỗi và chỉ trích. Từ đó, Ten Hag đã chọn De Ligt làm đội trưởng, như một sự ghi nhận vượt cấp, và đấy là một trong những quyết định đúng đắn bậc nhất trong sự nghiệp của ông.

Rất lâu rồi, MU chiến thắng nhờ thái độ tập trung, tận tuỵ và quả cảm của một ai đó trong đội hình, điều vốn là cốt lõi trong tập thể mà Sir Alex đã xây dựng trước đây. Sự vĩ đại cuối cùng lại quay về với những điều rất bình thường: Các cá nhân có thể hy sinh, thậm chí đổ máu vì đội bóng, mà vẫn không ngừng chiến đấu.

Nghịch lý là trong ngày MU cắt lương đại sứ của Sir Alex, thì đội bóng này lại có một khoảnh khắc vụt loé trong ký ức, mà họ đã nhất thời nhớ lại được xem họ đã từng đi đến đỉnh cao như thế nào.


Phạm An

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm