Cái bánh của Forlan và cuốn băng về Al Pacino: Những chuyện nhỏ làm nên một đội Uruguay lớn

24/06/2014 18:00 GMT+7 | Bảng D

(lienminhbng.org) - Bài viết trên nhật báo Italy La Repubblica của Ana Laura Lissardi, nhà văn/nhà báo người Uruguay, về những câu chuyện nhỏ, những hành động rất bình dị, nhưng lại góp phần đoàn kết đội tuyển Uruguay và đưa họ vượt qua những cuộc khủng hoảng.

“Để hiểu được tinh thần Uruguay, chỉ cần bạn biết câu chuyện này của Godin. Bốn tuổi, cậu bé này suýt chết đuối trong một mương nước. Cậu không biết bơi và bố mẹ ở quá xa, nên không thể tới để cứu cậu được. Dòng chảy đưa Godin đưa xa, nhưng cậu vẫn cứ cố gắng bơi, cố gắng vùng vẫy ngược dòng nước, cho đến khi cậu thoát khỏi dòng nước dữ và sống sót. Từ câu chuyện ấy có thể hiểu được việc đội tuyển Uruguay đã vượt qua cuộc khủng hoảng phong độ kéo dài từ giữa năm 2012 đến tháng 3/2013 như thế nào. Sau khi giành vị trí thứ 4 thế giới ở World Cup 2012, đã đoạt Copa America năm 2011, sau 18 trận bất bại và bắt đầu vòng loại World Cup 2014 với 3 trận thắng và 2 trận hòa, Uruguay rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khiến không ít người nghĩ rằng, chúng tôi sẽ không thể đến được Brazil.

Trong những tháng ấy, Uruguay đã thua Colombia, Argentina, Bolivia và Chile, hòa Ecuador và Paraguay. Mãi đến tháng 6/2013, chúng tôi mới trở lại với chiến thắng, khi hạ Venezuela. Những ngày đó, các cầu thủ đã cố gắng đoàn kết với nhau để tìm cách thay đổi xu hướng thất bại. Họ gắn kết với nhau như một đội quân. Họ chiến đấu chống lại mọi lời chỉ trích từ phía bên ngoài và cùng giúp nhau tiến bộ. Họ chuẩn bị tối đa về mặt thể lực và tinh thần cho những trận đấu phía trước.

Tất cả bắt đầu từ những cử chỉ và hành động rất nhỏ của các cầu thủ. Đấy là những hành động tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ giúp cho Uruguay vượt qua khó khăn. Có cầu thủ đã tập hợp những lời chỉ trích của công luận trong vòng loại World Cup  2010 thành một băng hình và bảo cả đội xem lại, với mục đích tốt, rằng tất cả nên xem lại để hiểu 4 năm trước, Uruguay đã vượt qua khó khăn như thế nào để đến được Nam Phi. Nhớ lại ngày đó, trung vệ Diego Lugano nói: “Những kết quả tiêu cực là động lực lớn cho chúng tôi”. 

Godin (số 3) ở trận gặp đội tuyển Anh

Godin nhớ lại, rằng khi nghe một đồng đội nào đó kêu ca về một vấn đề, luôn có một cầu thủ đến bên để khuyên anh không nên làm thế nữa. Cầu thủ Sebastian Eguren đã nói như thế với một đồng đội: “Kêu ca để làm cho đội bóng trở nên tốt hơn, chứ không phải là kêu ca về những việc không thể nào thay đổi được. Những lời như thế chỉ khiến người ta thêm cáu giận chứ không giúp được gì”. Godin nói: “Những hành động khuyên nhủ như thế, xem ra có vẻ rất nhỏ, nhưng đã giúp chúng tôi mạnh hơn rất nhiều”.

Godin cũng đã khuyên các đồng đội hãy tập trung hết mình cho việc chuẩn bị trận đấu, coi đó là yếu tố quyết định chiến thắng. Anh đưa ra ví dụ về việc tay vợt Rafael Nadal luôn lấy tay chạm tóc để tạo sự tập trung tối đa. Trong số những người đã giúp đỡ đội tuyển Uruguay còn có Gustavo Zerbino, tuyển thủ rugby Uruguay đã sống sót trong vụ rơi máy bay ở rặng núi Andes năm 1972. Zerbino khuyên các cầu thủ hãy có những động tác tương tự như của Nadal để dồn toàn bộ tinh thần và sự tập trung vào một thời điểm nào đó trước trận.

Forlan (số 10) từng làm bánh ngọt với Stuani

Trước trận gặp Argentina ở vòng loại, Stuani đến bên Forlan vào bảo: “Mình đi nấu ăn đi. Tôi sẽ anh chiếc bánh trong ngày sinh nhật”. Forlan cùng với Stuani làm bằng được chiếc bánh ngọt và rồi sau đó, họ mang ra để cả đội cùng “phá cỗ”. Ở cuộc sống ngoài đời, họ luôn nói chuyện với nhau, bằng điện thoại, bằng tất cả các phương tiện có thể để luôn có cảm giác bên nhau. Diego Lugano: “Tất cả đều mong mỏi Uruguay sẽ vào vòng chung kết World Cup. Giữa chúng tôi luôn có một năng lượng, một hóa chất nào đó để chúng tôi vượt qua những khó khăn”. Anh ám chỉ đến việc các cầu thủ đưa những rắc rối trong cuộc sống cá nhân mình ra và nhờ đồng đội đưa ra những lời khuyên chân thành.

Ba tháng sau trận đấu với Chile là trận đối đầu với Venezuela trên sân Cachamay di Puerto Ordaz, tháng 6/2013. Trước trận đấu, họ cùng xem một bộ phim có sự diễn xuất của diễn viên gạo cội Al Pacino, phim “Any given Sunday” (1999), trong đó có đoạn Al Pacino, trong vai của một HLV bóng bầu dục, đã nói với các cầu thủ của mình, rằng họ sẽ phải chiến đấu bằng cả răng, cả móng tay cho từng centimet một, bởi “những centimet chính là sự khác biệt giữa thắng và thua, sống và chết”. Lugano kể lại rằng, vào thời điểm Al Pacino nói câu ấy, trên màn hình chạy hình ảnh của đội tuyển Uruguay.

Trận đó, Uruguay chiến thắng và thoát khỏi cuộc khủng hoảng. HLV Oscar Tabarez nhớ lại: “Chúng tôi cùng nhau vượt qua khó khăn bằng sức mạnh của tập thể như thế đó, vì một mục tiêu chung”.

                                Anh Ngọc (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm