23/12/2014 06:24 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Bài trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn của HLV Toshiya Miura với truyền thông Nhật Bản cho chúng ta thêm một cơ hội nữa để tự nhìn lại bản thân, và bây giờ câu hỏi là liệu chúng ta có thực sự cầu thị để nắm lấy cơ hội ấy hay không.
Những lời góp ý thẳng thắn của các HLV từng làm việc với bóng đá Việt Nam rõ ràng là không hề thiếu, nhưng từ thái độ tới hành động luôn là một quãng đường dài mà bóng đá Việt Nam thậm chí còn chưa "lẫm chẫm đi những bước đầu tiên" để cải thiện nó. Tại sao?
Cái nhìn “ngộ nghĩnh” của ông Miura
Đó là cái nhìn vô cùng “hồn nhiên” về một nền bóng đá hoàn toàn mới mẻ và quá khác biệt so với nền bóng đá nơi ông Miura đã trưởng thành. Bằng chứng là HLV người Nhật Bản tiết lộ những câu chuyện rất hài hước như cách các cầu thủ Việt Nam chơi như thể “bóng đá Brazil”, hay chuyện lái xe của ông bị cảnh sát giao thông dừng xe rồi… bỏ qua chỉ vì “anh ta nói với cảnh sát rằng tôi là HLV trưởng ĐTQG”.
Đó là cái nhìn chưa hề bị bóp méo bởi định kiến hay sự yêu ghét, cũng như tạm thời bỏ qua sự kiêng dè với “ông chủ” là LĐBĐ Việt Nam, và từ hệ quy chiếu là bóng đá Nhật Bản, một nền bóng đá đã tiến bộ vượt bậc so với đẳng cấp khu vực. Một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự, và mỗi cá thể làm việc trong đó mang trong mình cả những phẩm chất vốn rất nổi tiếng của người Nhật: Kỷ luật, chuyên nghiệp, trọng danh dự, và luôn cầu tiến.
Đó là cái nhìn không chỉ cho nền bóng đá này, mà cho cả mỗi cá nhân tự nhìn lại chính mình. Khi chúng ta không có khả năng tự nhận thức được rõ ràng bản thân và hành động, thì lại một lần nữa phải mượn tiếng nói của người ngoài để biết rằng mình đang đứng ở đâu.
Bóng đá và xã hội
Trong khi chúng ta thường tự huyễn hoặc rằng người Việt cần cù, chăm chỉ, thì ông Miura nhận thấy rằng “người Việt mải chơi hơn người Nhật, và chỉ thích làm những công việc có tính chất vui vẻ”. Và bóng đá dường như là phản ánh của xã hội: Cầu thủ Việt Nam chạy ít và tư duy chơi bóng cũng chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi cao về năng suất trong bóng đá hiện đại.
Những người đóng vai trò vận hành nền bóng đá cũng xuất hiện trong bài trả lời phỏng vấn của ông Miura một cách dở khóc dở cười: “LĐBĐ Việt Nam 8h30 bắt đầu làm việc, nhưng từ 8h30 đến 9h00 mọi người mới đến chỗ làm; từ 12h00 đến 14h00 là thời gian nghỉ trưa. Và 16h30 kết thúc công việc”. Với những cộng sự của ông Miura thì sao? “Có trợ lý nói với tôi là anh ta muốn cái ghế tốt hơn, tôi nghĩ trong bụng là: “Nếu anh muốn cái ghế tốt hơn thì hãy làm việc đi”.
Tất nhiên là một nền bóng đá nói riêng và xã hội khỏe mạnh nói chung không thể được tạo nên từ sự lười biếng. 3 tháng trước, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố rằng năng suất lao động của người Việt thuộc loại thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/5 so với người Malaysia và 1/11 so với Nhật Bản. Đầu năm nay, Bộ Nội vụ đề xuất rằng trong 6 năm từ 2014-2020 sẽ tinh giản 100.000 biên chế trên cả nước, sau khi tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” gây nhức nhối trong một thời gian dài.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF, cho rằng bài trả lời phỏng vấn của HLV Miura là một cơ hội để “chúng ta tự nhìn lại mình”. “Chúng ta” ở đây có lẽ không chỉ là VFF hay những thực thể bóng đá Việt Nam. Bóng đá cũng là một thực thể xã hội và không thoát khỏi sự chi phối của xã hội. Và vì thế, soi chiếu lại chính mình để cầu thị và hành động chắc chắn không chỉ là câu chuyện của riêng bóng đá.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất