'Cảm hứng bóng đá của người Việt đang tụt dần'

07/09/2015 10:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Theo cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng, việc nhiều lò đào tạo bóng đá trẻ mới xuất hiện trong thời gian vừa qua như HAGL, PVF cùng sự tồn tại của những lò đào tạo giàu truyền thống như SLNA hay Viettel sẽ thúc đẩy sự phát triển bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, Sỹ Hùng lại quan ngại nguồn cảm hứng bóng đá ở các thế hệ trẻ của chúng ta đang ngày càng tụt dần và nó sẽ là rào cản cho sự phát triển.

Đẳng cấp là ở bản chất của tài năng

Anh cho biết: “Đào tạo chính là một khâu quan trọng để hình thành một cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng trở thành một cầu thủ đẳng cấp hay không nó nằm ở bản chất của tài năng.

Cầu thủ Việt Nam nếu có tố chất vượt trội thì thể hình, thể lực là một vấn đề (con em nhà nghèo), thậm chí khi hội tụ lại cả 2 yếu tố thì rào cản từ gia đình, hoặc từ niềm đam mê của các em lại không đủ lớn (con em ở các TP lớn).

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… tìm kiếm tài năng bóng đá giờ khó lắm. Những gia đình có điều kiện thì không muốn con em mình đi theo nghiệp cầu thủ ẩn chứa nhiều rủi ro, dù các em là những người có tài năng. Suy nghĩ này rõ ràng nó xuất phát từ việc nguồn cảm hứng bóng đá trong mỗi người dân Việt Nam đang ngày càng tụt dần, đó là điều rất đáng tiếc”.

Và theo Văn Sỹ Hùng, sở dĩ nguồn cảm hứng bóng đá trong mỗi người dân Việt Nam có xu hướng tụt giảm một phần xuất phát từ việc các đội tuyển Việt Nam nhiều năm qua luôn phụ lòng người hâm mộ, và nền bóng đá nước nhà tồn tại quá nhiều vấn đề, từ nạn cá độ, thi đấu không trung thực…

Lò T&T – vị hàng xóm ồn ào của SLNA

Cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng cho biết: “Sự xuất hiện của lò đào tạo bóng đá trẻ T&T tại thị xã Cửa Lò đang tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng với lò SLNA. Tuy còn non trẻ nhưng bước đầu chúng tôi cũng đã trình làng một số gương mặt tiêu biểu như Ngân Văn Đại (CLB Hà Nội), Sầm Ngọc Đức, Nguyễn Văn Công (Hà Nội T&T), Nguyễn Công Thảo (XSKT Cần Thơ), Nguyễn Xuân Luân (B.Bình Dương)… hay năm ngoái cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 toàn quốc Nguyễn Hữu Sơn chính là xuất thân từ lò của chúng tôi”.

Nhưng thật ngạc nhiên là bởi lâu nay người ta chỉ biết các cầu thủ ấy xuất thân từ CLB Hà Nội T&T chứ chẳng ai biết đó là những sản phẩm của lò T&T ở thị xã Cửa Lò do Văn Sỹ Hùng đứng đầu.

Giải thích về vấn đề này, Văn Sỹ Hùng cho biết: “Từ năm 2010, trung tâm bóng đá của gia đình tôi đã bắt tay với bầu Hiển sáng lập ra lò đào tạo bóng đá trẻ T&T. Mỗi năm Tập đoàn T&T rót xuống 6,7 tỷ đồng để lò T&T tại Nghệ An tuyển chọn đầu vào và đào tạo các học viên đến năm 15 tuổi.

Nghĩa là chúng tôi có trách nhiệm phát hiện tài năng từ khoảng 10 tuổi trở đi, đào tạo đến năm 15 tuổi, những em nào thể hiện sự phát triển tốt nhất sẽ được chuyển ra trung tâm bóng đá T&T ở Hà Nội để các thầy ngoài ấy đảm nhận khâu đào tạo tiếp theo”.

Nhân tài bóng đá từ SLNA là vô kể

Văn Sỹ Hùng tiếp tục: “Hiện tại lò T&T do tôi đảm trách có hơn 90 học viên tuổi từ 10 đến 13 đến từ nhiều tỉnh thành, các em được đài thọ chế độ ăn uống, chi phí sinh hoạt đầy đủ.

Sở dĩ, Tập đoàn T&T đầu tư cho chúng tôi vì họ biết nguồn cầu thủ ở Nghệ An nhiều vô kể, cầu thủ Nghệ An có những phẩm chất tốt, đặc biệt là ý chí, quyết tâm, sự chịu khó. Dù cả nước đang phát sốt với những lò đào tạo bóng đá trẻ như HAGL Arsenal JMG, PVF hay Viettel… nhưng tôi tin với tâm huyết của chúng tôi, với sự sát sao, tìm hiểu, phát hiện các tài năng bóng đá tới tận các huyện, xã, thôn, bản tại Nghệ An, lò T&T sẽ tạo ra sự khác biệt.

Tôi có thể tự tin khẳng định, trên đất nước này nhân tài bóng đá chỉ ở Nghệ An là nhiều, là chất lượng nhất. Tiền bạc nhiều chưa hẳn sẽ có tất cả, lò chúng tôi không thể so sánh HAGL, PVF, Viettel về vấn đề quy mô đầu tư, nhưng chúng tôi có lợi thế gần gũi để phát hiện tài năng, và chúng tôi đang tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng với lò bản địa SLNA”.

1 SLNA là CLB duy nhất ở V-League 2015 mà khi cần có thể tung ra sân toàn bộ đội hình là cầu thủ do CLB tự đào tạo.

3 Ngoài những lò đào tạo truyền thống như SLNA hay Viettel (tiền thân là Thể Công), bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây chứng kiến sự xuất hiện của một số lò đào tạo mới đang gây được tiếng vang như HAGL, PVF hay T&T.

5 Theo quy định của BTC, mỗi CLB V-League phải có 5 đội U (từ U13 đến U21), và ít nhất 4/5 đội trong số này tham dự các giải trẻ VĐQG do VFF tổ chức, với CLB hạng Nhất phải đáp ứng con số tối thiểu 3/5 đội.

***

Theo quý vị độc giả, làm thế nào để đưa bóng đá Việt Nam phát triển, đuổi theo được Thái Lan? Hãy viết và gửi ý kiến của mình tới Thể thao & Văn hóa, qua 2 địa chỉ email: [email protected][email protected]


Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm