27/10/2014 08:31 GMT+7 | Văn hoá
Để làm rõ về vấn đề, Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và PGS-TS Ngôn ngữ Phạm Văn Tình.
Không nên cấm đoán
Ông Dương Trung Quốc cho hay: Khi nhìn vào một doanh nghiệp mang tên danh nhân, chúng ta nên tìm hiểu về mục đích của việc đặt tên như vậy. Về cơ bản, những trường hợp này từ trước đến nay đều bắt nguồn từ 2 lý do: hoặc là tôn vinh danh nhân - như tên các nhà máy: cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Quang Trung, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ; hoặc bắt nguồn từ các đặc điểm về địa lý, như "nha khoa Nguyễn Du". Ở cả hai trường hợp ấy, tôi nghĩ việc đặt tên của doanh nghiệp cần được tôn trọng.
“Có chăng, một số ngành nghề kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm, tế nhị nhưng lại chọn tên danh nhân thì dễ gây cảm giác nực cười, thậm chí là khó chịu từ cộng đồng” - ông Dương Trung Quốc nói tiếp - “Vậy nhưng, những trường hợp này cũng nên được khuyến cáo, nhắc nhở thông qua các hội doanh nghiệp hoặc cơ quan nghề nghiệp - thay vì trực tiếp cấm đoán bằng văn bản. Đây là điều không khó thực hiện lắm nếu các doanh nghiệp hiểu rõ vấn đề, bởi về cơ bản ai cũng muốn thương hiệu của mình hấp dẫn và được quan tâm”.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, những khái niệm như "nhân vật phản chính nghĩa" "kìm hãm sự tiến bộ" hay nhân vật "có tội với đất nước" được nêu tại thông tư rất khó đánh giá. Có nhiều nhân vật rất phức tạp và không thể sớm xác định rõ trắng - đen. Chẳng hạn, những cái tên như "An Nam", "Bắc Kỳ" liên quan tới những danh xưng địa lý của Việt Nam trong thời kỳ bị xâm lược và coi rẻ. Vậy nhưng đi sâu vào một số hoàn cảnh nhất định, những cái tên ấy lại bắt buộc phải được sử dụng vì giá trị lịch sử của nó.
Khó như định nghĩa danh nhân
Còn theo PGS-TS ngôn ngữ Phạm Văn Tình, thông tư đưa ra quá nhiều cụm từ mơ hồ, mông lung. Đơn cử như từ trọng tâm của Thông tư là “danh nhân”. “Rất khó để phân biệt và cắt nghĩa từ này. Hồi soạn Bách khoa Toàn thư, việc lựa chọn danh nhân đưa vào từ điển cũng đã có nhiều tranh luận. Bởi việc đánh giá một nhân vật lịch sử để gắn với danh xưng danh nhân rất khó. Thêm nữa, nếu áp dụng Thông tư của Bộ, những nhân vật đương đại, nổi tiếng đóng góp rất lớn cho đất nước có được coi là danh nhân không?” - ông Phạm Văn Tình nói.
Cũng theo PGS-TS Phạm Văn Tình, trên thế giới, việc đặt tên người nổi tiếng cho thương hiệu là khá phổ biến. Bởi bản thân tên những danh nhân ấy đã mang những lớp nghĩa thể hiện giá trị của sản phẩm. “Và với thế giới, việc đặt tên cho những doanh nghiệp mang tên những nhân vật ưu tú của cộng đồng thể hiện sự tự tôn dân tộc và khát vọng tiếp bước. Tôi nghĩ dùng tên danh nhân theo góc độ này cũng thể hiện tính tích cực của ngôn ngữ” - ông Phạm Văn Tình cho biết.
Ông Phạm Văn Tình nói tiếp: “Thông tư này cũng làm giảm đi sự tự do của ngôn ngữ, giảm “quỹ từ vựng” trong việc đặt tên các doanh nghiệp. Cụ thể, dù tiếng Việt rất phong phú song việc không được đặt tên doanh nghiệp trùng nhau do yếu tố bản quyền, giờ lại “xiết” tên doanh nghiệp không được trùng với danh nhân khiến việc đặt tên doanh nghiệp bị bó hẹp”.
Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc kết luận: Chung quy lại, tôi nghĩ điều chúng ta cần bận tâm là việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, của cộng đồng thay vì đưa ra những quy định cứng nhắc. Ở phương Tây, các bậc cha mẹ có phong tục lấy tên của những người mà mình quý mến để đặt cho đứa trẻ khi chào đời. Việt Nam có thể không hợp với điều ấy. Nhưng theo thời gian, khi tập quán xã hội được điều chỉnh dần, chúng ta sẽ coi việc một doanh nghiệp trùng tên với một nhân vật lịch sử là rất bình thường.
Điều 2, Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VH,TT&DL nêu việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc như sau: |
Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất