Nhậu vui như giới văn nghệ

17/11/2015 13:19 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Giới văn nghệ sĩ gần như ông nào cũng biết… nhậu. Cũng có rất nhiều điều tiếng về chuyện be bét rượu chè của các ông. Nhưng có thể thấy ngay rằng, với những nghệ sĩ thực sự, thì lai rai chưa hẳn đã vì ham hố, nghiện ngập. Chuyện nhậu cũng đa dạng như chính các tác phẩm của họ. Cuộc nhậu vui nhất đối với họ là nhậu với văn chương.

Giới văn nghệ cùng chung lĩnh vực ít ông nào chịu ông nào, nhất là các nhà thơ. Khi các ông nhà thơ ngồi cùng bàn nhậu, nguyên tắc đầu tiên là không đọc thơ. Nếu ông nào đọc thơ thì phải nộp phạt, gọi là trả “nhuận nghe” cho người khác. Nhưng muốn các ông không đọc thơ mình quá khó, vì cảm hứng đang dâng trào không thể hoãn cái… sự sung sướng ấy lại.

Từ đấu võ mồm...

Ở Sài Gòn một thời nổi tiếng quán Văn Nghệ nằm trong khuôn viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3). Các ông nhà thơ đến đây đọc thơ rồi tự nguyện “nộp phạt” là rất bình thường. Tuy nhiên, những nguời nhận phạt không hẳn lúc nào cũng vui suớng.

Có lần, một nhà thơ giàu lên nhờ bán đất xin đọc… nguyên tập thơ chuẩn bị in. Và việc ai nấy làm: người đọc thơ cứ đọc, người uống cứ uống. Bởi các thi sĩ có bao giờ thèm nghe thơ của nhau.

Do ông nào cũng nhất thiên hạ, nên lâu lâu các nhà thơ có đem thơ ra "tỉ thí" thì cũng… rất bình thường. Khi đã ngà, ông này đọc thơ mà ông kia chê, thế nào cũng có đấu… võ mồm.


“Hợp đồng uống rượu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và ông Nguyễn Tiến Toàn

Không chỉ xung đột vì khen chê nhau trên bàn nhậu, giới văn nghệ đôi khi đấu nhau vì người vắng mặt. Ngà say, nhà văn T đứng giữa bàn nói choang choang: “Đời tao chỉ có triết gia nguời Pháp F. là nhất, còn lại vứt đi”. Ai cũng có thần tuợng của mình. Để bảo vệ thần tượng, người ta có thể cãi lộn… tí chút cho vui.

Dù vậy, giới văn nghệ kể cũng khác thường, vì cãi nhau hôm trước nhưng mấy hôm sau lại thấy “chén chú chén anh” trở lại.

Hợp đồng uống rượu và nguyên tắc “giữ gìn hòa bình”

Trên đời này có “hợp đồng lao động”, “hợp đồng kinh tế”, “hợp đồng mua bán”, “hợp đồng thuê nhà”….; nhưng chỉ mấy ông văn nghệ sĩ mới sinh thêm cái gọi là “hợp đồng uống rượu”. Chuyện “hợp đồng uống rượu” này có thật “một trăm phần trăm”.

Năm 2006, ông Nguyễn Tiến Toàn (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) uống rượu tại nhà của tác giả Chiếc lược ngà Nguyễn Quang Sáng. Ngẫu hứng, các ông làm “hợp đồng uống rượu”, như sau: “Bên A: Nguyễn Quang Sáng, Bên B: Nguyễn Tiến Toàn. Cùng ký hợp đồng uống rượu với nhau mười năm. Để chỉnh lý hợp đồng cũ đã ký từ năm 2000 đến nay đã được 6 năm. Sau quá trình thực hiện hợp đồng hai bên cảm thấy chưa đã thèm. Nay theo đề nghị của đôi bên, xin gia hạn hợp đồng dài dài. Nhân chứng cùng hùa vô uống gồm có: Thiên Hà" (đồng ký tên).

'Không uống rượu bia khi lái xe': Cấm không triệt để là 'nối giáo cho giặc'

'Không uống rượu bia khi lái xe': Cấm không triệt để là 'nối giáo cho giặc'

“Đã cấm rượu bia khi lái xe thì phải cấm triệt để, từ người bán đến tài xế. Đồng thời phải phạt nghiêm khắc. Cấm, phạt không triệt để chỉ là nối giáo cho giặc, khiến tai nạn giao thông càng gia tăng hơn”.


Bản “hợp đồng uống rượu” này được ông Nguyễn Tiến Toàn lưu giữ cho đến khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời ở tuổi 82.

Sinh thời, Nguyễn Quang Sáng từng thừa nhận việc đi nhậu của ông giống như đi thực tế sáng tác vậy. Rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng ra đời từ bàn nhậu. Bởi, khi nhậu ngà ngà say, người ta thường cởi mở kể ra nhiều câu chuyện thật lòng mà bình thường sẽ giấu kín. Những câu chuyện đó chính là chất liệu để Nguyễn Quang Sáng viết truyện.

Chẳng hạn, khoảng năm 1990 nhà văn Đoàn Thạch Biền rủ “đàn anh” Nguyễn Quang Sáng đi nhậu. Hai ông “thách nhau” ai viết về số phận các “em cave” hay hơn. Kết quả Nguyễn Quang Sáng có truyện Con ma da mà Đoàn Thạch Biền phải tâm phục khẩu phục. Đoàn Thạch Biền nói: “Ông Sáng “ở rừng” về, mình ở Sài Gòn vậy mà viết đề tài thành thị không bằng ổng. Nể ông Sáng thật”.

Bằng kinh nghiệm uống rượu của mình, sinh thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng đúc kết nguyên tắc “gìn giữ hòa bình” trên bàn nhậu: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”.

Ừ nhỉ, đi nhậu mà theo nguyên tắc này thì... “hòa bình muôn năm”.

Phải làm gì khi bị ngộ độc rượu bia?

Không ai trách các tao nhân mặc khách bay bổng với “bầu rượu túi thơ”, nhưng quá chén cũng rất dễ... thăng thiên, nhất là khi các loại rượu rởm tràn lan trên thị trường, mà các văn nghệ sĩ đâu giàu có gì để mà xài rượu xịn!

Vì thế, những ai hay nhậu lai rai cần biết cách phòng thân.

* NÊN:

- Kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm.

- Uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh.

- Uống nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn; các loại sinh tố có tác dụng giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.

- Nếu bị say kèm đau đầu, hãy giã rau cần tươi hoặc lá dong rồi vắt lấy nước cốt để uống sẽ rất hiệu quả.


Rất nhiều bệnh nhân cấp cứu ở BV Bạch Mai do ngộ độc rượu. Ảnh VOV

* KHÔNG NÊN:

- Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.

- Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.

- Một số người còn cho người say uống mật ong pha loãng nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.

- Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.

Để phòng ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn loại có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không uống rượu khi đói và chỉ nên uống khoảng 30ml. Đối với bia chỉ nên uống khoảng 300 - 500ml là hợp lý.

(Theo Cổng thông tin về bệnh viêm gan, virus, xơ gan)

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm