30/10/2017 08:56 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nhà báo Trần Mai Hưởng gửi tới báo Thể thao & Văn hóa bài viết về lần đầu tham dự lễ hội Halloween ở New York cách nay 20 năm. Xin trân trọng gửi tới quý độc giả.
Cuối tháng 10, mùa Thu về trên thành phố. New York náo nức không khí ngày hội. Trên những siêu thị dọc khu trung tâm Manhattan, trong những cửa hàng ở Brooklyn, Queen hay những chợ tạm ở khu những người da màu ở Harlem, Bronx… người ta đều bày bán những qủa bí ngô màu vàng sẫm (tiếng Mỹ gọi là Pumpkin) vừa được chở từ các trang trại về, những mặt nạ hoặc trang phục các loại để giả làm ma quỷ, bột màu, nhiều loại đồ chơi và bánh kẹo để làm quà cho trẻ nhỏ – thứ không thể thiếu trong đêm hội Halloween.
Niềm vui hiện rõ trên những gương mặt trẻ thơ. Chúng chuẩn bị sẵn trang phục cho đêm hội và háo hức chờ đến thời điểm được giả trang làm ma quỷ đi chơi trò trick-or-treat (vào nửa đêm, chúng sẽ đi gõ cửa các nhà, hoặc người lớn đãi chúng bánh kẹo, đồ chơi hay chúng sẽ giở trò nghịch ngợm). Nhiều em còn chờ đợi được theo bố mẹ đi dự những đám rước lớn ngoài thành phố.
Halloween có hai nguồn gốc: Một là ngày hội của người Celtic, vốn sống ở vùng quần đảo Anh và miền Bắc nước Pháp thời cổ,để cúng thần Chết. Một là ngày lễ của người La Mã để thờ Nữ thần Vườn. Do vậy, hai màu sắc được dùng trong lễ hội này, màu vàng và màu đen, bao gồm cả hai ý tưởng: Mùa màng và Cái chết.
Theo lịch cổ của người Celtic, 31 tháng 10 là ngày cuối cùng của năm. Vào ngày này, người ta đốt những đống lứa lớn để linh hồn ma quỷ tránh xa; ném vào lửa muông thú và sản vật mùa màng như là quà tặng cho chúng.
Người ta cũng giả làm ma quỷ, các bộ xương, phù thủy… và cho rằng bằng cách này, chúng không làm hại con người nữa.
Những quả bí ngô màu vàng, rỗng ruột, chạm khắc thành mặt người, trong có đốt nến, đặt cạnh cửa sổ mỗi nhà trong đêm Halloween.
Phong tục này cũng có nguồn gốc từ người Celtic. Họ cho rằng bằng cách này, ma quỷ cũng sẽ tránh xa ngôi nhà của họ. Người Celtic cũng khởi nguồn trò chơi trick – or – treat, khi họ đi gom lễ vật cho bữa tiệc Halloween của làng, nhằm động viên những người hào phóng và chế riễu những người keo kiệt. Bản thân lễ hội này cũng có ý nghĩa của một ngày hội mùa màng, đặc biệt là từ những năm cuối trước công nguyên, khi người La Mã chiếm nước Anh và mang theo những phong tục của hội mùa Ponoma đến vùng này.
Vào thế kỷ thứ 19, những người di cư Irish đã mang lễ hội Halloween vào Mỹ. Nhưng ngày nay, lễ hội này tại Mỹ lại có sức sống mạnh hơn cả xứ sở quê hương của nó. Đối với mọi trẻ em và nhiều người lớn Mỹ, đây là một ngày hội rất được chờ đợi trong năm. Khác với không khí đầm ấm gia đình của lễ Thanks Giving, sự trang trọng của lễ Noel vào dịp đón mừng năm mới, Halloween là ngày hội thấm đậm chất dân gian, tươi vui, ngộ nghĩnh,ngày trẻ nhỏ nghịch ngợm vui đùa, ngày người lớn cũng giả trang, tham dự những đám rước đêm tưng bừng, náo nhiệt trên khắp mọi miền.
Rất ấn tượng với những ai từng được sống trong một đêm Halloween không quên ở New York khi người dân cả thành phố lớn nhất nước Mỹ này đổ ra đường.
Các khu nhà cao tầng vốn rất nổi tiếng trên thế giới ở đây đều thắp lên những ánh đèn màu đẹp nhất. Những dòng người đi trên các ngả đường trong một không gian lớn, bao trùm cả vùng này.
Người ta mặc những bộ quần áo đẹp, hồ hởi bên nhau. Rất nhiều người trong số họ mang trang phục của ma quỷ với đủ loại mặt nạ, tóc giả, các cách ăn mặc lạ kỳ. Có cô gái mang hình đầu một con đại bàng đi cùng một cô giả làm hình một chú mèo đen với một cái đuôi rất dài. Có cô quấn quanh đầu một con rắn (dĩ nhiên là giả) sánh vai cùng một chàng trai ăn mặc hệt như một hiệp sĩ thời trung cổ…
Tất cả đều muốn vượt khỏi cái đơn điệu thường ngày, đều muốn khác mình một chút. Tiếng cười nói tràn ngập các ngả đường dù trong cuộc sống hàng ngày, hẳn mỗi người trong số họ còn bao nỗi lo toan…
Dòng người ấy hướng về một điểm. Đó là lễ diễu hành lớn trên đường Broadway, con đường trục chính chạy suốt chiều dài Manhattan. Trong dòng người háo hức chờ xem, có cả các cụ già cao tuổi, có những thiếu phụ kéo theo xe nôi, những em bé ngồi trên vai người lớn… Tất cả đều chung một niềm say mê kỳ lạ.
Dòng người với đủ loại trang phục cổ kim theo sáng kiến của mình, với rất nhiều loại hình nộm cầu kỳ, với các loại nhạc cụ, các loại phương tiện…. kéo dài hàng cây số đã đem lại một ấn tượng mạnh mẽ.
Nhiều nơi, những người diễu hành trong trang phục kỳ dị, dừng lại thành từng tốp nhỏ, hòa với người xem, biểu diễn những trò vui nhộn, cùng ca hát, nhảy múa. Trong những âm thanh vui tươi, rộn ràng, người ta tưởng như đang sống trong một câu chuyện thần thoại, khi ma quỷ hiện lên giữa những con người thật, giữa cuộc đời, nhưng không dữ tợn, hung ác mà hòa đồng, thân ái.
Quỷ cũng hiền thôi, khi được sống ân tình, no ấm sẻ chia mùa vàng nặng hạt.
Có lẽ, ý nghĩa nhân văn sâu xa của lễ hội Halloween nằm ở đó.
New York, tháng 10/1997
Nhà báo Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất