(TT&VH Online) - Mỗi lần cụ rùa nổi gần đây có lần kéo dài hàng tiếng với dáng vẻ mệt mỏi cùng những vết thương trên cổ, trên mai làm người dân Thủ đô không khỏi chạnh lòng trước biểu tượng ngàn năm đang kêu cứu.
Liên tiếp từ Tết Nguyên đán đến nay, cụ Rùa hầu như ngày nào cũng nổi, thậm chí có ngày cụ nổi đến 2 lần, mỗi lần kéo dài hàng tiếng đồng hồ với dáng vẻ mệt mỏi làm người dân không khỏi lo lắng, xót xa về tình trạng sức khỏe của cụ.
“Từ sau Tết đến giờ, vì nhà gần Hồ Gươm và ngày nào tôi cũng tập thể dục nên tôi liên tục gặp cụ rùa nổi lên. So với những lần tôi gặp trước đây, cá nhân tôi thấy sức khỏe của cụ đã rất yếu rồi. Chưa bao giờ cụ nổi liên tục và lâu như vậy trên mặt nước. Trước đây, được gặp cụ rùa phải là người rất may mắn vì cụ ít nổi lắm và thường phải vào một sự kiện trọng đại nào đó. Nhưng bây giờ gặp cụ “thường xuyên” hơn làm người dân chúng tôi thấy lo lắng vì không hiểu cụ muốn báo gì hay cụ đang kêu cứu vì sức khỏe quá yếu”, bà Hoàng Thị Tuyết, 55 tuổi nhà ở phố Hàng Dầu cho biết.
Theo ghi chép của PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm, liên tục trong 18 ngày từ đầu tháng 2 đến nay, cụ Rùa đã nổi tới… 28 lần, có lúc kéo dài rất lâu kéo theo đám đông người xem cụ rùa quanh Hồ.
Nhìn cụ rùa Hồ Gươm bấu chân lên bờ, nhiều người dân Thủ đô không khỏi xót xa. Ảnh: Hải Lê
Với những du khách, việc gặp cụ rùa Hồ Gươm có lẽ là điều lạ vì họ không có nhiều cơ hội nhưng với nhiều người dân sống gần Hồ Gươm có quan tâm đến tình trạng sức khỏe của cụ thì cụ nổi liên tục là điều đáng lo lắng vì có lẽ cụ ngoi lên nhiều là để kêu cứu vì môi trường hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và sự xuất hiện của rùa tai đỏ có thể là nguyên nhân tác động đến các vết thương trên mai, trên cổ của cụ rùa.
“Có lẽ môi trường Hồ Gươm đang bị ô nhiễm nặng và rất nông khiến cụ rùa phải liên tục nổi lên như vậy. Nhìn cụ bị thương mà đến giờ này chúng ta vẫn chưa thể đưa được cụ lên chữa trị, là một người dân Thủ Đô tôi thực sự thấy rất đau lòng khi nhìn thấy cụ nổi liên tục gần bờ với nhiều vết thương như muốn kêu cứu những người trên bờ”, ông Hoàng Trọng Long, 60 tuổi, nhà ở phố Hàng Đào chia sẻ khi đang cùng dòng người xem cụ rùa nổi lúc 4h chiều ngày 21/2 vừa qua.
Trên thực tế những vết thương của cụ rùa chỉ thực sự được phát hiện khi nhiếp ảnh gia Hải Lê may mắn chụp lại được lúc cụ tiến lại rất sát bờ kè Hồ Gươm như muốn bò lên bờ nhưng không được.
Nhìn bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Lê được đưa lên mạng sau đó, những người quan tâm đến cụ rùa có lẽ không khỏi thốt lên xót xa vì một linh vật ngàn năm của Thủ đô đang kêu cứu khẩn thiết như vậy.
Hiện tại Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm đang lên phương án cứu cụ rùa nhưng phải đến tháng 3 việc diệt rùa tai đỏ mới chính thức được tiến hành.
Trong khi đó, những nhà khoa học tâm huyết cũng đang “hiến kế” tìm cách cứu cụ rùa và trên các phương tiện truyền thông cũng đã vào cuộc mạnh mẽ kêu gọi người dân đóng góp ý kiến đến bảo vệ cụ rùa càng sớm càng tốt.
Vũ Ngọc