23/01/2014 08:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cứ để các “ông đồ” ngồi đó, bên vỉa hè đông người qua và cho chữ. Nhưng ở Hà Nội, mỗi năm, “Phố ông đồ” lại được di chuyển đến một góc, một vị trí, một ô để rồi nhiều người ví rằng, họ đang “buôn chữ”?
Lâu nay người ta cứ lệ thuộc vào đoạn thơ của cụ Vũ Đình Liên mà ép cái chuyện xin chữ ra ngoài đường.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
…
Câu chuyện cho ông đồ ngồi vỉa hè hay đưa vào ô quản lý như một khu chợ vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Mỗi người có một cái lý của mình. Chúng tôi xin chia sẻ ý kiến của một ông đồ trẻ với cách nhìn nhận đầy tâm huyết và thẳng thắn về câu chuyện này.
Đó là Lê Huy Hoàng, một ông đồ tâm huyết với nghề. Không phải vô cớ mà anh đăng ký được vào gian hàng chỉ có 70 chỗ ngồi năm nay tại Hồ Văn, thuộc khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
* Chuyện các ông đồ ngồi vỉa hè hay quầy chợ đang khiến nhiều người phải đăng đàn đưa ra ý kiến? Quan điểm riêng của anh thế nào?
- Với tôi, cái gì có quản lý cũng tốt. Nếu chuyện cho chữ mà cứ lộn xộn mãi thì sẽ rất khó quản lý về mặt chất lượng. Có một thực tế là không phải ai ra “Phố ông đồ” cũng được đào tạo thực sự và cũng chắc chắn rằng, nhân dịp Tết họ ra vì cái gì đó chứ không phải vì cho chữ. Vì vậy việc quản lý là tốt.
* Vậy anh nói sao về việc tất cả các ông đồ năm nay vào khu vực Hồ Văn?
- Phải nói thật là chỗ này hơi chật chội và kín. Nếu để phục vụ người dân thì rõ ràng khó để nhiều người biết được. Mọi năm trước 23 Tết “Phố ông đồ” đã rất đông vui. Năm nay có lẽ phải đợi xong Tết mới nói được thành công hay không.
* Nhưng còn nét truyền thống của “Phố ông đồ” tấp nập trên con phố Văn Miếu như mọi năm?
- Theo tôi thì ở trong khuôn viên hay vỉa hè đều không phải là truyền thống. Mà truyền thống xin chữ cũng không phải ở vỉa hè. Cái mà người ta vẫn cho là truyền thống là từ cụ Vũ Đình Liên với câu “Bày mực tàu giấy đỏ - Bên phố đông người qua”. Thực tế, những người nho học thất thế thì họ buộc phải tìm đường ra vỉa hè cho chữ kiếm sống. Còn những người không thất thế, những danh nhân như cụ Nguyễn Khuyến và Tú Xương thì họ không phải ra vỉa hè kiếm sống.
* Theo quan điểm của anh, thế nào thì mới là truyền thống?
- Ngày trước, những ai muốn xin chữ thì phải đến tận nhà, phải quen biết một chút, tất nhiên có một chút lễ. Từ đó các ông đồ căn cứ vào nhiều thứ để cho chữ chứ không cho một cách ào ào. Thời nay, nói đến truyền thống thì hơi xa, có lẽ chỉ là cái việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong dịp này. Vì vậy, việc quy hoạch hay để tự do thì cũng tùy. Tất nhiên có quy hoạch thì nó tốt hơn nhưng cũng còn tùy xem quy hoạch thế nào cho hợp lý.
Một quy hoạch hợp lý tức là cần một không gian phù hợp hơn. Vỉa hè cũng được, trong các gian hàng cũng được. Tất nhiên vỉa hè thì ảnh hưởng giao thông, người lộn xộn… nhưng biết tổ chức, có lựa chọn thì sẽ khác. Có năm ban tổ chức cho hẳn vào trong Văn Miếu. Điều đó rất tuyệt vời bởi đó là nơi trang trọng. Hồ Văn cũng là một điểm tuyệt vời nhưng nếu không gian rộng rãi thì đó mới là quy hoạch tốt.
* Và như anh nói, vấn đề còn là phải “chọn” các “ông đồ”?
- Việc chọn “ông đồ” vào những khu cho chữ là cần thiết, tất nhiên là một cách tương đối thôi. Ở đây ban tổ chức vẫn liên hệ trực tiếp với các hội nhóm và đó là một cách chọn. Cầu kỳ quá, kỹ quá thì cũng khó, sợ không đủ. Cá nhân tôi là người không trong hội nhóm nào. Tôi đã tự liên hệ với ban tổ chức và được lựa chọn.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
“Phố ông đồ” như thông lệ thường nhiều năm nay thường được tổ chức trên vỉa hè quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày Rằm tháng Chạp. Năm nào khu vực này cũng tập nập cảnh mua - bán chữ. Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan do hoạt động tự phát này gây ra, năm 2014, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã lần đầu trực tiếp tổ chức “Phố ông đồ” tại khu vực Hồ Văn. Hơn 30 khung sắt, mái vải được dựng lên như các gian hàng. Các ông đồ tham gia đều được chọn lọc và cấp thẻ hành nghề. |
Cao Mạnh Tuấn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất