Cần nhìn nhận đúng về việc cá Koi chết sau khi thả ở sông Tô Lịch

22/09/2019 07:37 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Mấy ngày nay, tại sông Tô Lịch (Hà Nội) có hiện tượng cá Koi hay còn gọi là cá chép Nhật Bản bị chết sau khi được các chuyên gia Nhật Bản thả cách đây ít ngày để chứng minh mức độ sạch của con sông trên sau quá trình xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản. 

Hà Nội: Thả cá Koi Nhật Bản xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây để đo độ trong sạch của nước

Hà Nội: Thả cá Koi Nhật Bản xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây để đo độ trong sạch của nước

Để minh chứng cho việc xử lý nước ở sông Tô Lịch và Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor đạt hiệu quả, ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản đã thả cá Koi Nhật Bản và cá chép Việt Nam xuống khu vực nước sau khi xử lý.

Nhiều người có suy nghĩ bi quan cho rằng, cá chết là do môi trường nước sông chưa sạch và đặt dấu hỏi về việc có kẻ phá hoại. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều người dân Thủ đô lại nhìn nhận, do việc thay đổi môi trường sống, thời tiết khí hậu hai quốc gia khác nhau, cá chưa kịp thích nghi với môi trường sống mới nên chết là chuyện bình thường.

Khu vực thả cá Koi là một đoạn sông Tô Lịch rộng, không có mùi hôi thối và khá sạch sẽ. Phía dưới lòng sông, các chuyên gia Nhật Bản đã gia cố cọc chôn xuống đáy sông để quây lưới thành một khu có kích thước dài 12m x rộng 25m sát bờ phía đông phố Nguyễn Đình Hoàn (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), che chắn cẩn thận và được lắp đặt camera quay bao quát cả khu vực. Ngoài ra, vị trí thả cá cũng được lực lượng bảo vệ trực canh 24/24 giờ nên khó có thể xảy ra việc cá bị xâm hại bởi yếu tố chủ quan.

Chú thích ảnh
Khu vực thả cá Koi trên sông Tô Lịch. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Theo một số người dân, tình trạng cá Koi có hiện tượng bơi chậm và nổi đầu chết đã xuất hiện từ trưa 18/9. Trong sáng 19/9, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra và có một vài con đã chết nổi trên mặt nước, được nhân viên bảo vệ vớt lên cho vào túi đen mang đi.

Ông Nguyễn Bá Thành, sống ở phố Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) cho biết, có thể dùng nhiều cách để chứng minh nước sông Tô Lịch sạch sau khi xử lý, còn việc thả cá Koi xuống sông như vừa qua là không hợp lý. Bởi lẽ, giống cá này quá nhạy cảm với thời tiết và môi trường nước. Hiện việc nuôi cá Koi trong gia đình cũng rất khó khăn, hoàn toàn phải dùng nước sạch và phải thay nước liên tục, huống hồ đây là môi trường tự nhiên, nước sông có thể còn nhiều tạp chất thì việc một vài con cá chết nổi là điều dễ hiểu.

Chú thích ảnh
Cá Koi bị chết sau khi được thả xuống sông Tô Lịch được ít ngày. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Nhìn nhận dưới góc độ người chơi cá chuyên nghiệp, ông Đặng Hoài Nam ở phố Cửa Bắc (Ba Đình) cho rằng, việc thả cá đột ngột như thế thì cá sẽ không hợp thổ nhưỡng, chất lượng nước khiến cá bị sốc nhiệt. Con đề kháng mạnh thì không sao, con yếu sẽ yếu dần và chết trong vài ngày sau đó. Thông thường, người chơi cá trước khi đưa về nuôi sẽ thực hiện lắp bộ sục khí trong bể và cho sục nhẹ liên tục trong một thời gian để cá làm quen với môi trường mới, cũng như không để thiếu ô xi trong nước, mới giúp cá hạn chế bị chết.

Trên thực tế, Cá Koi Nhật Bản là loại cá cảnh khá khó nuôi ngay cả với những người nuôi chuyên nghiệp. Để có được những hồ cá, bể cá Koi đẹp và khỏe mạnh đòi hỏi phải có sự chăm sóc kĩ lưỡng. Vì vậy, nhiều người cho rằng việc, một vài con cá Koi chết tại sông Tô Lịch không phải là điều quá ngạc nhiên.

Anh Vũ Quang Huy, một chủ cửa hàng chuyên bán cá cảnh ở quận Cầu Giấy chia sẻ, cá Koi là loại cá cảnh đẹp, có hình dáng và màu sắc đa dạng khá bắt mắt. Tuy nhiên, đặc tính của loại này khá khó nuôi ngay cả với những người nuôi chuyên nghiệp, chỉ cần thay đổi thời tiết hoặc quên không sử dụng sục khí cũng khiến cá bị chết. “Việc thả cá trực tiếp như thế không đảm bảo về nhiệt độ hay sự quen môi trường của con cá, khiến con cá yếu dần và chết là chuyện hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường ở đây cả”, anh Vũ Quang Huy bày tỏ.

Trong khi đó, một chuyên gia về thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, điều kiện lý tưởng để nuôi cá Koi là nồng độ pH trong nước đạt từ 7 – 7,5. Đối với việc nuôi cá ở ngoài trời, mực nước ít nhất phải đạt 60 cm, đảm bảo nước trong và ít rêu tảo, không dịch bệnh, hàm lượng ô xi trong nước tối thiểu phải đạt 2,5 mg/l.

Vị chuyên gia thủy sản cũng nêu quan điểm, trường hợp nếu có nguồn nước bị đầu độc thì các loại cá khác trên sông Tô Lịch, trong đó có cá Koi sẽ đồng loạt bị chết chứ không riêng gì một vài con bị chết như thời gian qua. Do vậy, loại trừ nguồn nước bị đầu độc mà ở đây nên nhìn nhận về quy trình thả cá cũng như điều kiện thời tiết khí hậu, mức độ sạch của nước sông và môi trường xung quanh.

Trước đó, ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã thực hiện dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản. Sau thời gian triển khai, bước đầu nước sông Tô Lịch và Hồ Tây tại khu vực thí điểm ghi nhận cải thiện bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Theo đó, trong ngày 16/9, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), cùng các chuyên gia Nhật Bản đã thả 50 con cá chép Nhật Bản (hay gọi là cá Koi) và 50 con cá chép Việt Nam xuống bể số 4 trong hệ thống xử lý nước sông của công ty trên sông Tô Lịch; thả 200 con cá rô phi, mè của Việt Nam tại khu lưới quây trên sông Tô Lịch. Tại Hồ Tây, Công ty JVE cũng thả 50 con cá chép Nhật và 100 con cá chép vàng Việt Nam xuống trực tiếp khu vực thí điểm trong sáng cùng ngày.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu nước sông Tô Lịch sau thời gian thí điểm bằng công nghệ trên để đánh giá. Dự kiến, đầu tháng 10 tới, phía Nhật Bản sẽ công bố kết quả nước sông Tô Lịch sau thí điểm.

Mạnh Khánh


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm