23/02/2022 19:31 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Những vấn đề về văn học khoa học giả tưởng và sự tiếp nhận ở Việt Nam đã được gợi mở tại hội thảo Nhà văn Jules Verne và những ảnh hưởng đến Khoa học giả tưởng Việt Nam được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Hội thảo do Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 194 năm ngày sinh văn hào người Pháp Jules Verne (1828 - 2022).
Những tác giả văn học khoa học giả tưởng nổi tiếng trên thế giới phải kể đến những tên tuổi như Jules Verne, Edgar Poe, Herbert G.Wells, Aleksandr Belyaev v.v... Căn cứ vào thời gian xuất bản chính thức của các tác phẩm văn học, TS Ngô Bích Thu - nhà nghiên cứu về khoa học giả tưởng, ĐH Mở TP.HCM - cho rằng, Edgar Poe là nhà văn viết sớm nhất về khoa học giả tưởng.
Từ Edgar Poe…
Edgar Poe (1809-1849) là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng. Ông được đánh giá là người khai sinh ra thể loại truyện trinh thám và truyện kinh dị. Tuy nhiên, ngoài những tác phẩm trinh thám, kinh dị nổi tiếng, ông còn viết những câu chuyện liên quan đến khoa học.
Qua thống kê, truyện viết về các hiện tượng, vấn đề khoa học của Edgar Poe chỉ chiếm khoảng 20,8% tổng số truyện của ông. Mặt dù số lượng không nhiều nhưng những tác phẩm về khoa học của Edgar Poe lại có những đóng góp đặc biệt. Theo TS Bích Thu: “Edgar Allan Poe có thể được coi là một nhà văn thiết kế lên những đường nét căn bản đầu tiên của văn học khoa học giả tưởng, một thể loại văn học mới mẻ vào thế kỷ 19. Và văn học khoa học giả tưởng cũng có thể được xác định ra đời vào thời điểm này”.
Những truyện ngắn về khoa học của Edgar Poe được xuất bản đầu tiên vào năm 1833. Trong khi đó, những tác phẩm văn học khoa học giả tưởng của các tác giả khác ra đời muộn hơn rất nhiều. Với những tác phẩm sớm nhất, Edgar Poe là người đặt những nền móng đầu tiên cho thể loại văn học khoa học giả tưởng.
“Bởi thế, truyện khoa học giả tưởng của Edgar Poe ảnh hưởng và gợi cảm hứng cho nhiều nhà văn viết cùng thể loại này, trong đó có Jules Verne. Jules Verne là người rất say mê truyện của Poe từ khi ông còn rất nhỏ, nên ít nhiều chịu ảnh hưởng kỹ thuật viết của Poe” - TS Bích Thu nói - “Mặc dù chịu ảnh hưởng của Poe, cũng như nhiều nhà văn đi trước, song Jules Verne cũng có những đóng góp đáng kể đối với thể loại văn học giả tưởng. Cụ thể, Jules Verne đã bắt đầu ở “điểm nút” mà Edgar Poe đã bỏ dở. Khi viết truyện, Jules Verne có những quan điểm riêng.
Cụ thể, trong một bức thư viết cho cha vào năm 1862 chia sẻ suy nghĩ về truyện của Poe, Jules Verne đã nhấn mạnh rằng: “Ông sẽ cố gắng sử dụng nhân vật có thực, yếu tố khoa học hợp lý tác động vào câu chuyện của mình hơn là tạo lên những câu chuyện tưởng tượng”. Đây chính là điểm khác biệt cũng như đóng góp của Jules Verne đối với thể loại văn học khoa học giả tưởng.
Truyện khoa học giả tưởng “ngoại” lấn át “nội”
Trên thị trường sách khoa học giả tưởng ở Việt Nam hiện nay, đa phần là truyện “ngoại”, chiếm ưu thế so với truyện “nội”. Thực tế này có nhiều nguyên nhân, theo TS Bích Thu, do cộng đồng văn học khoa học giả tưởng có những sự “kén chọn” riêng. “Viết truyện khoa học giả tưởng phải là người có hiểu biết về khoa học, trên thế giới thường là nhà khoa học. Nhưng đồng thời phải là người say mê văn học, có năng lực về văn chương, ngôn từ. Kết hợp 2 yếu tố này mới có thể viết được thể loại văn học khoa học giả tưởng”.
Đồng quan điểm, dịch giả Đỗ Ca Sơn - người đã dịch cuốn Hai vạn dặm dưới biển của Jules Vernesang tiếng Việt cho rằng, muốn viết được văn học giả tưởng ít nhất phải có 2 điều kiện. Một, phải là nhà khoa học. Viết giả tưởng về ngành khoa học nào phải giỏi về ngành khoa học đó. Ngoài ra, người viết còn cần sự hiểu biết rộng, hay nói cách khác cần một kiến thức rất uyên bác về nhiều ngành khoa học khác nhau. Hai, nhà khoa học đồng thời phải là một nhà văn, cộng thêm các yếu tố tinh thần về ý chí, nghị lực, lòng ham mê, trí tưởng tượng v.v… Tất cả những điều này hội tụ mới có thể viết được tác phẩm về khoa học giả tưởng. Thực tế, những người như vậy ở nước ta còn ít.
Mặt khác, theo TS Bích Thu, một số nhà xuất bản trong nước vì mục đích doanh thu cho nên họ thường chọn giải pháp ít mạo hiểm. Đó là “nhập khẩu” và giới thiệu các tác phẩm nước ngoài đã nổi tiếng, nên tình trạng truyện “ngoại” về khoa học giả tưởng áp đảo trên thị trường sách trong nước cũng là điều dễ hiểu.
Dấu ấn “Hành tinh kỳ lạ”
Qua nghiên cứu, TS Bích Thu nhận định: “Trong số các tác giả Việt Nam viết về khoa học giả tưởng, Viết Linh có thể xem là tác giả tiêu biểu nhất. Truyện khoa học giả tưởng của Viết Linh đã hội tụ được những đặc trưng về tư duy và kỹ thuật viết của thể loại này. Viết Linh được biết đến là một tên tuổi thân quen đối với cộng đồng say mê truyện khoa học giả tưởng của Việt Nam, đặc biệt là các độc giả thiếu nhi. Ông là tác giả của những tập truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng ở Việt Nam như: Quả trứng vuông (1970), Hành tinh kỳ lạ (1990), Bí mật của nhà thôi miên (1962), Giấc mơ bay (1976) v.v…
Nhà văn Viết Linh viết một số đề tài liên quan đến khoa học đa phần là truyện ngắn. Duy chỉ có tác phẩm Hành tinh kỳ lạ là được viết ở thể loại tiểu thuyết. Đây cũng là một dấu ấn của nhà văn Viết Linh.
Viết Linh vốn là một nhà giáo dạy sử, sau chuyển nghề sang làm biên tập viên NXB Kim Đồng, song “truyện khoa học giả tưởng của Viết Linh lại có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên về kỹ thuật viết với các tác giả viết truyện khoa học giả tưởng của nước ngoài như Edgar Poe. Hành tinh kỳ lạ nhìn chung theo lối tư duy và kỹ thuật viết đặc thù của truyện khoa học giả tưởng nói chung” - TS Thu đánh giá.
Cụ thể, tác phẩm nói về hành tinh K của những “công dân - người máy”, nơi nhân vật “tôi” kể chuyện đặt chân tới. Đây là một hành tinh kỳ lạ và kỳ quặc. Ở hành tinh K có một nền văn minh khoa học trình độ vượt bậc so với Trái đất. Trong truyện, có một số tình tiết hư cấu nổi bật như trong hành tinh K có “Đô thành Ga-lê-na” - kiểu “thung lũng Silicon của nước Mỹ”, có “Đô thị Tia chớp” - kiểu “thành phố khoa học Nô-vô-xi-biếc của Liên Xô trước đây”. Tuy nhiên, “không có cơ quan nghiên cứu văn học”.
Đặc biệt, cư dân ở hành tinh K có quy định ăn mặc chặt chẽ, mặc kiểu gì, người mặc cũng phải để lộ trái tim ra ngoài, do vậy không ai giấu nổi những bí ẩn trong lòng. Hay trên hành tinh K có những điều rất bình thường, cũ rích ở Trái đất lại trở nên mới lạ được tác giả thể hiện qua các chi tiết đặc sắc về con mèo lông mềm, bông hoa thật, cô ca sĩ Diễm Hằng được phong tặng danh hiệu “Nhà phát minh hồi tưởng”, v.v…
Tăng cường giao lưu giữa các nhà khoa học và nghệ sĩ
Rõ ràng, ở Việt Nam không phải không có nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng. Song thực tế đội ngũ tác giả viết thể loại này ở Việt Nam vẫn còn tương đối mỏng. Vấn đề đặt ra là cần kích thích và tạo dựng một dòng văn học khoa học giả tưởng ở Việt Nam có đầu tư.
Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng - Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam cho rằng: “Như tôi biết, nhà văn Viết Linh vốn dĩ là giáo viên dạy sử, không phải là nhà khoa học. Nhưng vì ông làm biên tập sách về khoa học nên ông chơi với rất nhiều nhà khoa học. Chính điều này đã thôi thúc ông phải sáng tác. Hay nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ông cũng không phải là nhà khoa học. Nhưng tất nhiên ông cũng chơi với các nhà khoa học nên ông đã sáng tác ra kịch bản sân khấu Hoa cúc xanh trên đầm lầy, có những chi tiết khoa học giả tưởng ấn tượng như những con robot được chế tạo như con người thật đi tìm lại tuổi thơ của mình”.
“Do đó, chúng ta cần phải tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học với các nghệ sĩ. Chính điều đó sẽ làm nảy sinh ra nghệ thuật về khoa học giả tưởng. Minh chứng khác, như tác giả tiểu thuyết Lục địa Salnikov vốn dĩ là một nhà địa chất, nếu ông không có một cuộc giao lưu tình cờ với các nhà văn Liên Xô thì chưa chắc ông đã có tác phẩm Lục địa Salnikov. Bởi chính các nhà văn Liên Xô đã động viên ông viết và tiểu thuyết Lục địa Salnikov được ra đời” - ông Hoàng cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Bích Thu cho rằng, việc tiếp nhận văn học khoa học giả tưởng ở Việt Nam nên hướng tới sự chủ động và sáng tạo, không nên tiếp nhận văn học khoa học giả tưởng của nước ngoài một chiều, thụ động. Thay vào đó, nên có sự “bản địa hóa” để xây dựng được ở Việt Nam một dòng văn học khoa học giả tưởng vừa hội nhập được với thế giới, nhưng lại vừa mang được những đặc tính tâm lý của người Việt, những giá trị căn cốt nhất của văn hóa Việt Nam.
Đặc trưng của văn học khoa học giả tưởng Thuật ngữ “science fiction” gồm 2 thành tố, thứ nhất “science” có nghĩa là khoa học, thứ hai “fiction” có nghĩa là hư cấu. Vì vậy, văn học khoa học giả tưởng được hiểu là các tác phẩm văn học, văn bản văn học có yếu tố khoa học được hư cấu, mở ra cho độc giả thế giới của những mơ ước, tưởng tượng. Và sẽ đem lại cho độc giả những trải nghiệm về các hiện tượng khoa học giống như thật. Khi nói đến văn học khoa học giả tưởng có nhiều đặc trưng, trong đó có 2 đặc trưng chính là tư duy và kỹ thuật viết. Về đặc trưng tư duy của các nhà văn khoa học giả tưởng là tư duy phản biện khoa học, đối thoại khoa học và tư duy logic, biện chứng chặt chẽ. Tiếp theo, văn học khoa học giả tưởng có những đặc trưng riêng về kỹ thuật viết. Thứ nhất, những tác phẩm văn học khoa học giả tưởng thông thường đề cập đến những hiện tượng khoa học, vấn đề khoa học ở mọi lĩnh vực như khoa học vũ trụ, khoa học về trái đất, khoa học y học, khoa học xã hội, khoa học về tâm linh, v.v. Ngoài ra, các tác giả cũng đưa vào rất nhiều số liệu, dữ liệu, cũng như các thí nghiệm khoa học. Bởi vậy, độc giả sẽ có trải nghiệm giống như đang được tiếp cận với hiện tượng khoa học có thật. (Chia sẻ của TS Ngô Bích Thu- nhà nghiên cứu về Khoa học giả tưởng, ĐH Mở TP.HCM) |
Công Bắc – Đỗ Doãn Tú
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất