Cần sớm có quy hoạch bờ sông TP HCM

16/11/2019 08:06 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - "Sông, kênh rạch chính là tọa độ để định vị thành phố và thành phố phải có quy hoạch sử dụng sông nước, khai thác kè bờ sông, sử dụng đất ven sông đúng chiến lược". Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là sự trăn trở, mong mỏi của bao người dân đang sinh sống, làm việc tại Thành phố mang đậm đặc trưng sông nước Nam bộ.

Nan giải vấn nạn lấn chiếm bờ sông ở TP HCM: Đua nhau chiếm dụng bờ sông

Nan giải vấn nạn lấn chiếm bờ sông ở TP HCM: Đua nhau chiếm dụng bờ sông

Hiếm nơi đâu như Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc với 2.953 tuyến, tổng chiều dài 4.368 km, trong đó 110 tuyến có chức năng giao thông thủy với chiều dài 953 km. Lợi thế sông nước này luôn hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở tìm kiếm “view sông”, lấy sông làm chỗ dựa cho hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và kinh doanh hàng quán.

Bờ sông là của chung

Tại hội thảo Quy hoạch, phát triển kè bờ sông Sài Gòn, sông, kênh nội thành được tổ chức vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sông kênh rạch chính là tọa độ để định vị thành phố và thành phố phải có quy hoạch sử dụng sông nước, khai thác kè bờ sông, sử dụng đất ven sông đúng chiến lược.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhìn nhận: Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của người dân thành phố, tất cả phải có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian đó trở thành đô thị sông nước hài hòa với tự nhiên, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chú thích ảnh
Nhà hàng, bến du thuyền nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng cho rằng, thay vì chỉ nhìn thấy dòng sông như một nguồn tài nguyên để khai thác đem lại nguồn lợi kinh tế, chúng ta đã nhận thấy ở đó là nơi phản chiếu tâm hồn, lịch sử, bản sắc văn hóa đô thị để trân quý, bảo tồn. Giá trị lịch sử xa xưa về giao thương phát triển kinh tế của dòng sông Sài Gòn không những không thay đổi, mà còn được nâng cao hơn trong thời đại ngày nay, khi chúng ta đã nhận ra và không quay lưng lại với bờ sông như trước kia. Cùng với giải quyết bài toán về chống ngập úng và thoát nước cho thành phố, quy hoạch kè bờ sông Sài Gòn nói riêng và kênh rạch nội thành nói chung còn phải kết hợp tổ chức không gian công cộng sau bờ kè có kiến trúc cảnh quan hấp dẫn để thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi.

Theo ông Ngô Anh Vũ, khi thiết kế, quy hoạch bờ sông, kênh rạch luôn luôn hình dung không gian bờ sông được ưu tiên dành cho cộng đồng với các không gian công cộng nối tiếp nhau trong bán kính đi bộ và xe đạp để có giải pháp thiết kế phù hợp. Các công trình ven sông được xây dựng với mục đích tôn tạo, bổ sung dịch vụ, chức năng sử dụng cho du khách đến thưởng ngoạn bờ sông. Xây dựng được các đặc trưng riêng của từng khu vực bờ sông khác nhau dựa trên việc tìm kiếm các giá trị lịch sử lâu đời, văn hóa lối sống của cư dân địa phương.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng cho rằng, sông Sài Gòn là sản phẩm của tự nhiên, không gian ven sông là tài sản sở hữu, là lợi ích công cộng, nên trong tất cả các quy hoạch dọc sông phải luôn xác định là không gian cho sinh hoạt, vui chơi, giải trí công cộng của người dân; hạn chế tối đa tư nhân hóa bờ sông, nếu là tư nhân khai thác thì phần đất ven sông trong phạm vi hành lang bờ sông phải dành cho không gian công cộng và không được khép kín để mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng dễ dàng.

Trong tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh rạch cần chú trọng thực hiện việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng đối với khu dân cư, khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, phát triển nhà, dự án nâng cấp đô thị phù hợp với yêu cầu quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn. Điều này sẽ góp phần không để xảy ra các hiện tượng "bao chiếm", "phân lô" trái phép nhằm chiếm hữu, sử dụng không gian chung để phục vụ cho lợi ích riêng của một vài dự án "đô thị ven sông", chung cư cao cấp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự ven sông nhất là đối với những vị trí đẹp, đắc địa, mà không phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng dân cư, không đảm bảo chức năng củng cố và phát triển hạ tầng xã hội như thực trạng xảy ra ở các bãi biển, thắng cảnh của đất nước trong thời gian qua.

Phân khu chức năng bờ sông

Định hướng quy hoạch bờ sông, kênh rạch, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch phát triển ven sông bao gồm kè bờ, quy hoạch đất ven sông. Thành phố phối hợp các chuyên gia mô phỏng việc ngập nước, thoát nước từ đó định hướng lại những giải pháp vĩ mô của thành phố đồng thời tìm kiếm giải pháp kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong xây kè sông, kênh rạch. Thành phố sẽ triển khai mô hình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng kè bờ sông, kênh rạch nội thành đảm bảo thuận tự nhiên, thuận người dân, thuận doanh nghiệp và thuận chính quyền.

Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan định hướng phân loại chức năng hệ thống sông, kênh rạch, trong đó rà soát hiện trạng sử dụng theo chức năng giao thông, chức năng thoát nước, sinh hoạt cộng đồng và kinh doanh ven sông. Thành phố tổ chức phân khu các sông, kênh theo từng khu vực có chức năng đặc thù, ưu tiên thực hiện sớm ở khu trung tâm thành phố đồng thời rà soát xung đột pháp lý giữa các quy định liên quan đến quy hoạch ngành xây dựng, giao thông để điều chỉnh hoặc đề xuất giải quyết.

Cụ thể hơn định hướng quy hoạch và thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh rạch trên địa bàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý phát triển về quy hoạch, xây dựng quy chế quản lý thống nhất đồng bộ, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan Nhà nước, làm rõ vai trò tham gia của người dân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng chế tài đủ mạnh để triển khai quy chế. Thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới bờ kè sông, kênh rạch tùy theo đặc điểm từng vùng, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương Bến Cát hoặc những đoạn, khúc, vùng đã có đê bao, bờ kè đồng thời xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất hiệu quả nhất tại các dự án kè bờ sông, kênh rạch nội thành.

Là cơ quan quản lý quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho hay, không gian dọc bờ sông Sài Gòn, sông, kênh nội thành chức năng chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu lập các quy hoạch, kế hoạch và các dự án đầu tư xây dựng, phát ngành ngành, lĩnh vực trên không gian dọc sông Sài Gòn, sông kênh rạch nội thành như quy hoạch tuyến du lịch đường sông thủy, tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, dự án chống ngập do triều cường, đồ án quy hoạch 10 phân khu dọc sông Sài Gòn…

Theo chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch Xây dựng, trước mắt thành phố cần rà soát, đánh giá tình trạng quy hoạch, sử dụng khai thác hai bờ sông Sài Gòn, trong phạm vi 100 - 200m tính từ mép bờ cao vào phía trong, chú ý những trường hợp xây dựng sai phép lấn chiếm sông rạch, khu vực có nguy cơ sạt lở, ô nhiễm và những quỹ đất trống có thể hình thành các không gian công cộng cho đô thị. Tổ chức lập quy hoạch kè bờ ven sông Sài Gòn với từng phân đoạn khác nhau nhằm tôn tạo đặc trưng riêng, đề xuất các chức năng sử dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên – xã hội của khu vực đó trên tinh thần khai thác có hiệu quả quỹ đất trống ven sông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cần phải có quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. Trước mắt thành phố không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm