Dư luận thế giới nói gì về tuyên bố 'tình trạng chiến tranh' của Triều Tiên?

30/03/2013 19:03 GMT+7 | Trong nước

Sau khi Triều Tiên tuyên bố bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc và sẽ giải quyết mọi vấn đề liên Triều theo điều kiện thời chiến, giới chức một số nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Ngoại trưởng Australia Bob Carr chỉ trích tuyên bố trên của Triều Tiên, cho rằng động thái mới này làm gia tăng mối đe dọa đối với sự an toàn của người dân trong khu vực. Ông cũng cho biết Canbera đang xem xét áp đặt trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đảm bảo thực thi chặt chẽ lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Trước đó, tuyên bố chung của tất cả các cơ quan và thể chế chính phủ Triều Tiên, được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 30/3, nêu rõ: "Vào thời điểm này, quan hệ liên Triều đã bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả các vấn đề giữa hai miền Triều Triên sẽ được giải quyết theo hình thức thời chiến". Tuyên bố cũng cảnh báo rằng mọi hành động gây hấn gần biên giới đất liền hay trên biển giữa hai miền Triều Tiên đều sẽ đẫn tới "một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân".


Ông Kim Jong Un đến thăm một đơn vị quân đội. Ảnh: Spiegel

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Interfax ở thủ đô Moskva, quan chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên Grigory Logvinov kêu gọi các bên "kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa, không bên nào vượt quá giới hạn". Quan chức này nhấn mạnh Nga "không thể tiếp tục thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại biên giới phía Đông của Nga", đồng thời cho biết Moskva đang "tham vấn chặt chẽ" với các bên đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.

 Trong khi đó, từ thủ đô Wshington, nữ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho biết Mỹ đang nghiêm túc xem xét đe dọa chiến tranh của Triều Tiên và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc. Theo bà Hayden, Mỹ sẽ cân nhắc các biện pháp bổ sung đối phó với đe dọa của Triều Tiên, trong đó có kế hoạch tăng cường hệ thống đánh chặn mặt đất, triển khai rađa cảnh báo sớm và duy trì theo dõi thường xuyên tại Mỹ.

Thời gian gần đây, Seoul, Washiongton và Bình Nhưỡng liên tục có các hành động cũng như tuyên bố cứng rắn, khiến dư luận quốc tế lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Hiện tại, về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không có hiệp ước hòa bình.

Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố "bước vào tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, Triều Tiên đe dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới hai miền, nếu Seoul tiếp tục có các hành động xúc phạm Bình Nhưỡng.

Khu công nghiệp chung được thành lập năm 2004 tại thành phố biên giới Kaesong của Triều Triên và được coi là biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều. Hiện ở đây đang có khoảng 120 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, sử dụng khoảng 50.000 lao động Triều Tiên.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm