23/12/2020 20:38 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thời gian gần đây, điện năng lượng mặt trời áp mái nở rộ tại tỉnh Gia Lai. Những lợi ích và hiệu quả kinh tế của loại hình này đã dần được khẳng định và là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc bùng nổ các nhà cung cấp, thi công, lắp đặt điện năng lượng mặt trời khiến công tác kiểm soát thiết bị, vật liệu, chất lượng linh kiện điện năng lượng mặt trời gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến loại hình điện năng lượng mặt trời áp mái tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Tại Gia Lai, chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây đã liên tiếp xảy ra hai trường hợp cháy nổ liên quan đến các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái. Cụ thể, vào ngày 23/9, tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (thành phố Pleiku) đã bất ngờ xảy ra vụ cháy 60 tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai. Gần đây nhất là trường hợp cháy hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Lợi Hưng (làng Ia Tong, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vào ngày 13/12. Rất may, các sự cố cháy nổ đã được khống chế kịp thời, không để cháy lan nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ẩn họa cháy nổ ở các dự án điện năng lượng mặt trời áp mái.
Theo Thượng tá Đặng Ngọc Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Gia Lai, trước sự phát triển ồ ạt của điện năng lượng mặt trời áp mái kéo theo nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư cho loại hình này nở rộ. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các yếu tố về phòng chống cháy nổ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đây là một ngành công nghiệp mới ở Gia Lai, việc xây dựng, lắp đặt hệ thống này còn nhiều lỗ hổng khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ đối với loại hình này rất cao.
Cũng theo Thượng tá Đặng Ngọc Hùng, nguyên nhân gây ra cháy nổ đối với hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái là do hiện tượng phóng điện hồ quang DC. Lỗi này thường bắt nguồn từ lỗi thiết bị hoặc năng lực lắp đặt yếu kém của các nhà thi công.
Trước nguy cơ cháy nổ từ điện năng lượng mặt trời áp mái, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an đã ban hành công văn hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Theo đó, các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thẩm định, duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, gồm: khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không... Riêng đối với các công trình không thuộc danh mục phụ lục trên, không phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Trước mắt, để ngăn chặn cháy nổ hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, Thượng tá Đặng Ngọc Hùng khuyến cáo chủ đầu tư cần lựa chọn vật tư phù hợp của đơn vị cung cấp uy tín, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng các dòng công nghệ nâng cao độ an toàn; lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, có kinh nghiệm về điện mặt trời, đặt bộ inverter, bảng điều khiển trung tâm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy, phòng kín, hệ thống tiếp địa an toàn.
Gia Lai đã ghi nhận có 1.503 chủ đầu tư đăng ký, đang triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất 562,5 MWp. Trong đó, 932 chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đã đưa vào vận hành và ký hợp đồng với tổng công suất 25,5 MWp; 51 chủ đầu tư lắp đặt đã đưa vào vận hành và chưa ký hợp đồng với tổng công suất 51 MWp; 131 chủ đầu tư đã thỏa thuận đấu nối với công suất 120,5 MWp; 398 chủ đầu tư đang triển khai với tổng công suất 365,5 MWp.
Quang Thái/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất