01/06/2020 14:59 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 1/6, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong thời gian qua Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn của bệnh viện đã tiếp nhận một số ca bệnh được chẩn đoán là “hậu bối”.
Các bệnh nhân có đặc điểm chung là bệnh lý nền (tiểu đường) với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm ở vùng gáy, lưng. Sau vài ngày xuất hiện tình trạng vỡ mủ thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức. Có một số trường hợp do được điều trị không đúng hoặc tự ý đắp lá gây tổn thương lan rộng, hoặc biến chứng như nhiễm khuẩn huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Điển hình là nam bệnh nhân quốc tịch Sri Lanka, nhân viên tàu biển, bị bệnh tiểu đường mạn tính. Trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, trên cơ thể ông xuất hiện các cụm nhọt nhiễm trùng vùng lưng. Vì thiếu thuốc men, trang thiết bị nên vết thương nhanh chóng lan rộng và tạo thành ổ mủ dọc suốt chiều dài từ lưng xuống tận hông 2 bên. Cũng vì đó là thời điểm đại dịch COVID-19 đang bao trùm và ảnh hưởng toàn thế giới nên bệnh nhân phải mất 40 ngày mới cập được cảng Quảng Ninh của Việt Nam. Ngay khi đặt chân lên bờ, ông đã được đưa đến cơ sở y tế địa phương hội chẩn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị trong tình trạng nhiễm trùng dai dẳng, đường huyết dao động. Ngày 14/5, người bệnh được hội chẩn và phẫu thuật rạch tháo mủ, cắt lọc làm sạch các ổ nhiễm trùng vùng lưng, đùi cùng với việc kiểm soát đường huyết. Vi khuẩn được phát hiện là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus)
Chỉ sau 1 tuần các vết thương của ông đã tiến triển rất tốt, các bác sỹ đã có thể chuyển sang thì 2 là tạo hình vết thương và khép lại vết mổ. Chia sẻ với các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người bệnh cho biết: “Phải nói là rất may mắn khi tôi được đặt chân lên đất nước Việt Nam, nơi các bác sỹ tận tụy nhiệt tình, chuyên môn tốt và họ đã giải phóng cho tôi khỏi tình trạng đau đớn và chảy mủ kéo dài suốt hơn 1 tháng qua”.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân (75 tuổi, trú tại Hà Nội) có tiền sử điều trị tiểu đường nhiều năm, ung thư vú trái đã mổ. Bà có biểu hiện sưng tấy đau lưng trong 2 tuần nhưng do tâm lý sợ đến bệnh viện nên bà tự điều trị ở nhà. Đến khi tổn thương lan rộng, đau nhức nhiều thì bà mới đến khám ở bệnh viện. Bác sĩ Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã điều trị cho người bệnh ổn định và phẫu thuật vào ngày 19/5. Vi khuẩn được phát hiện là Staphylococcus Aureus. Hiện vết thương của bà đã ổn định.
Gần đây nhất, ngày 23/5, các bác sĩ trong ca trực cấp cứu đã phẫu thuật cho một nữ bệnh nhân (56 tuổi, trú ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) với tổn thương vùng gáy gần 2 tuần. Đó là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc ngách, tổ chức dưới da hoại tử và có mủ trắng. Người bệnh đã được cắt lọc, làm sạch và để da hở. Vi khuẩn được phát hiện cũng là Staphylococcus Aureus
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết bệnh “hậu bối” trước đây hay được dùng với thuật ngữ là Anthrax – bệnh than hoặc tiếng Anh là Carbuncle với nghĩa là cụm nhọt bao gồm nhiều các nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông, tập trung thành đám và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da. Từ "hậu bối" hay bệnh than xuất phát từ từ “Carbunculus” trong tiếng Latin có nghĩa là hòn than nhỏ (a small coal), là khối đau cứng như đá (Carbuncle stone). Cụm nhọt hay xuất hiện ở phía thân sau của cơ thể nên được dân gian dùng từ hậu (phía sau ) bối (u, nhọt) có nghĩa là u nhọt nằm phần sau cơ thể. Ở Việt Nam bệnh còn được gọi là “cụm nhọt tổ ong” hay “ nhọt gương sen ” do khi vỡ mủ lỗ vị trí bị tổn thương lỗ chỗ giống như tổ ong hoặc như gương sen đã lấy hết hạt.
Tác nhân gây bệnh "hậu bối" chủ yếu là do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Nếu không được xử lý, sự nhiễm trùng có thể lan tỏa đến các phần khác của cơ thể. Hậu bối hay mọc ở gáy, lưng ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường... "Hậu bối" xuất hiện ban đầu dưới hình thức là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5-10-20cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau, có nhiều ngòi, hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5-1cm.
"Hậu bối" không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự có can thiệp của các bác sỹ. Hơn nữa, khác với nhọt bọc là tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể được chích đơn giản, "hậu bối" bắt buộc phải được phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là ở những người có sức đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường… thì người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong”.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất