13/04/2019 11:20 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc người dân tự ý dựng rạp phục vụ đám ma, cưới hỏi trên hè phố và đường giao thông. Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 11/4, tại trước cửa số nhà 6 đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khi đội dịch vụ tang lễ xếp hàng dưới lề đường chuẩn bị làm lễ đưa tang, bất ngờ bị ô tô Lexus mang biển kiểm soát 49X- 6666 đâm vào, khiến 4 người chết, 5 người bị thương nặng.
Trước đó, vào hồi 6 giờ 45 ngày 10/3, tại km15 trên quốc lộ 70 đoạn qua xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình, Yên Bái), xe đầu kéo biển kiểm soát 19C - 074.70 kéo theo rơ-mooc biển kiểm soát 19R - 003.42 chạy trên quốc lộ 70 theo hướng Phú Thọ - Yên Bái đã va chạm với xe tải biển kiểm soát 21K- 4341 đi chiều ngược lại. Sau đó, xe đầu kéo mất lái đâm vào một đám cưới dựng rạp trên quốc lộ, rất may xe đã dừng lại khi lao vào một hố rãnh. Sự việc khiến nhiều người trong đám cưới hoảng hốt bỏ chạy. May mắn không có thiệt hại về người.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an) cho biết, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Muốn tổ chức các hoạt động khác trên đường phố như: hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng đường bộ phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án bảo đảm giao thông trước khi xin phép tổ chức các hoạt động trên. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới, chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong trường hợp: tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ.
Khi sử dụng một phần hè phố, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Việc sử dụng một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự an toàn giao thông. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện như: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m. Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
Việc dựng rạp phục vụ hiếu, hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Thông tin về mức xử phạt, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho hay, theo Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền 2 – 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu thực hiện hành vi dựng rạp trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt bị phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 – 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải đỡ bỏ rạp dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
“Thậm chí nếu để xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ Luật hình sự”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Vân Nhật/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất