10/04/2017 10:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Dù nhìn ở khía cạnh nào thì Cánh diều vẫn là giải nghề nghiệp - giải của Hội Điện ảnh Việt Nam - nên sẽ thiên về tính nghệ thuật hơn thương mại. Thế nhưng tình thế của Cánh diều 2017 (gọi theo năm trao giải) đã rất bất lợi cho tiêu chí này, vì đa số là phim thương mại.
Đâu là dấu ấn sáng tạo?
Tiêu chí của giải Cánh diều: “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.
Nếu căn cứ vào các tiêu chí này thì có thể thấy Cánh diều 2017 đang là mùa thất bát, dù số lượng phim thì “bội thu”. Năm 2016 có gần 50 phim Việt được sản xuất, gần như 100% trong đó do tư nhân ở TP.HCM sản xuất, với mục đích thương mại.
Dù luôn ở trong nhóm những phim điện ảnh được đánh giá cao, nhưng việc “Sài Gòn: Anh yêu em” đoạt Cánh diều Vàng 2017 vẫn là một bất ngờ vào phút chót
Nhìn lại 19 phim tranh giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh (phim chiếu rạp), gần như không có phim nào xứng đáng với cụm từ “có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện”. Còn mục đích thương mại thì không cần phải cố gắng đạt đến, 10 năm qua, lượng phim năm sau luôn nhiều hơn năm trước.
Những phim đáp ứng tàm tạm về khía cạnh “giàu giá trị nhân văn” thì có Cha cõng con, Sài Gòn: Anh yêu em, Sút, Sứ mệnh trái tim… Những phim “đạt hiệu quả xã hội tích cực”, ít nhất ở khía cạnh bán vé, thì có Tấm Cám: Chuyện chưa kể (hơn 70 tỷ đồng).
Hai phim có doanh thu tốt nhưng không tham gia dự giải là Nắng (xấp xỉ 70 tỷ đồng), hoặc không được tham gia là Em là bà nội của anh (hơn 100 tỷ đồng). Phim Cha cõng con thì mới ra rạp trước giải Cánh diều vài ngày, chưa có tổng kết, nhưng nhìn vào lượng vé đã bán ra, doanh thu thật khó khả quan.
Năm 2016, ở mảng phim độc lập, phim Thành phố những tấm gương (đạo diễn Trương Minh Quý) đã nhận được những đánh giá tích cực từ quốc tế, nhưng cũng không có mặt. Phim này cùng với những phim vắng mặt như Cha và con và… (đạo diễn Phan Đăng Di), Con đường trên núi (đạo diễn Síu Phạm), Nước 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh)… có thể đáp ứng được tiêu chí “có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện”.
Như vậy, dù 19 phim được làm với định hướng thương mại, nhưng chẳng có mấy phim thành công về chuyện này. Mà Cánh diều 2017 lại xét trao cho những phim này, nên hoàn toàn có thể nói vắng bóng về sáng tạo và mờ nhạt về thương mại.
Nếu nhà nước cắt kinh phí dài hạn?
Thực tế làm phim trong khoảng 10 gần đây cho thấy điện ảnh phía Bắc có nhiều phim “có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện” hơn điện ảnh phía Nam. Cho nên từ đây có tâm lý rằng phía Nam chuyên về phim thương mại, phía Bắc chuyên về phim nghệ thuật.
Tất nhiên, điều vừa nêu không hoàn toàn đúng, nên thường bị tranh luận gay gắt. Nhiều người ủng hộ quan điểm không cần phân biệt phim nghệ thuật hoặc phim thương mại, mà là phim hay hoặc phim dở. Thế nhưng hay hoặc dở là khái niệm rất trừu tượng, nó cũng phải xét qua khía cạnh nghệ thuật để kết luận.
Nhìn lại vài năm trước, nếu Cánh diều 2015 phía Bắc có 3 phim do nhà nước đầu tư là Sống cùng lịch sử, Mộ gió, Những người con của làng; thì Cánh diều 2016 có 6 phim là Nhà tiên tri, Mỹ nhân, Đường xuyên rừng, Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến, Người trở về. Nếu theo tâm lý ở trên mà kết luận 9 phim này là phim nghệ thuật thì hoàn toàn không đúng. Nhưng rõ ràng chúng không phải là phim thương mại, vì bán vé rất khó.
Về tính nghệ thuật và sáng tạo, dấu ấn phía Bắc phải kể đến Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung, Cha và con và…; miền Trung có bộ ba phim độc lập của Síu Phạm: Đó… hay đây?, Căn phòng của mẹ, Con đường trên núi. Những nỗ lực của các ê-kíp này thật đáng nể phục và vinh danh.
Đến Cánh diều 2017 thì hoàn toàn vắng bóng, hoặc không tham dự, hoặc không được cấp kinh phí để sản xuất như Xã tắc, Địa đạo, Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi? Nếu nhà nước cắt kinh phí dài hạn thì chẳng lẽ những nhà làm phim phía Bắc cứ “trông ngày tháng dần qua”? Mà xu thế nhà nước sẽ cắt kinh phí dài hạn rất dễ xảy ra, vì nó hợp với quy luật chung.
Trước tình thế như vậy, các nhà làm phim phía Bắc hoặc phải có tinh thần độc lập như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… hoặc phải tự lực cánh sinh như các đồng nghiệp phía Nam thì mới mong giữ được động lực sáng tạo và bản sắc nghệ thuật - nếu có - của mình.
Giải thưởng Cánh diều 2017 cho Phim truyện điện ảnh - Cánh diều Vàng: Phim Sài Gòn, anh yêu em. - Cánh diều Bạc: Phim 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy; Tấm cám, chuyện chưa kể. - Bằng khen: Phim Cha cõng con, Sút, Bao giờ có yêu nhau. - Bằng khen của Ban Giám khảo: Tik Tak anh yêu em. - Biên kịch xuất sắc: Ngọc Bích, phim Sài Gòn, anh yêu em. - Đạo diễn xuất sắc: Vũ Ngọc Phượng, phim 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy. - Quay phim xuất sắc: Bob Nguyễn, phim Sút. - Họa sĩ thiết kế xuất sắc: Nguyễn Anh Thao, phim Sài Gòn, anh yêu em. - Âm nhạc xuất sắc: Đức Trí, phim Tấm Cám, chuyện chưa kể; Sài Gòn anh yêu em. - Âm thanh xuất sắc: Viết Thanh, phim Fan cuồng. - Nam diễn viên chính xuất sắc: Hà Hiền, phim Sút. - Nữ diễn viên chính xuất sắc: Vũ Phương Anh (Jun Vũ), phim 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy. - Nam diễn viên phụ xuất sắc: Huỳnh Lập, phim Sài Gòn, anh yêu em. - Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Nguyễn Đỗ Quỳnh Chi, phim 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất