25/09/2015 06:09 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Dự thảo quy định bảng phân loại phim của Cục Điện ảnh với vấn đề “5 giây cho một cảnh nóng” đang khiến giới làm điện ảnh và cả công chúng xôn xao, tuy nhiên, cảnh nóng chỉ là một trong những nội dung cần đề cập khi phân loại phim.
Đạo diễn Bá Vũ bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo này với tư cách một đạo diễn từng có phim bị yêu cầu cắt bỏ bớt các cảnh “nhạy cảm”.
* Được biết bản phim Ngủ với hồn ma do anh làm đạo diễn được chiếu ngoài rạp là bản đã bị yêu cầu cắt bỏ nhiều cảnh sex. Anh có thể chia sẻ về trường hợp này?
- Trong phim Ngủ với hồn ma, tôi đã thực hiện một cảnh sex dài 30 giây bằng chỉ một cú máy với ý đồ “đánh lừa” khán giả, làm cho họ bị cuốn vào cảnh ân ái giữa hai nhân vật chính và giật mình khi biết việc đang thực sự diễn ra trong cảnh sex này.
Lúc dựng phim, cả ê-kíp lẫn đại diện nhà sản xuất, nhà phát hành - dù đã rất tường tận cơ chế tự kiểm duyệt trước khi trình hội đồng duyệt để tránh rắc rối - vẫn thống nhất là cứ giữ lại và để cho hội đồng duyệt phán quyết. Hội đồng duyệt đã yêu cầu tôi cắt bớt lại và trong bản phim công chiếu, cảnh sex đó còn khoảng 5 giây.
Tôi nghĩ rằng sự kiểm duyệt với cảnh nóng là chuyện không mới mẻ và bất cứ nền điện ảnh nào cũng có những luật lệ, quy định riêng.
* Ngoài ra nghe nói phim còn bị cắt những cảnh được xem là “mê tín dị đoan”?
Trước hết, tôi rất muốn luật Điện ảnh phải quy định rõ ràng như thế nào là mê tín dị đoan. Điều này rất quan trọng khi Việt Nam đang có xu hướng phát triển thể loại phim kinh dị, thể loại rất phù hợp với khán giả Á Đông. Xin nói thêm rằng thể loại phim kinh dị phát triển nhất ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan là 3 nước đứng đầu thế giới về phim kinh dị) chính bởi nơi đây nền văn hoá gắn rất chặt với vấn đề tâm linh.
Theo như hiểu biết của tôi thì liên quan đến cái chết, ma quỷ, thờ cúng… có những thứ thuộc về mê tín dị đoan và có những điều thuộc về vấn đề tâm linh. Tuy ranh giới của hai lĩnh vực này rất không rõ ràng nhưng khi đã đi vào luật thì cần phải có một sự phân biệt cực kỳ rõ ràng.
Cá nhân tôi cho rằng văn hoá thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người đã khuất không thể là mê tín dị đoan. Nhưng phim của tôi đã bị Hội đồng duyệt yêu cầu cắt mất 10 giây quan trọng nhất cuối phim, 10 giây có chức năng làm rõ những gì tôi đã xây dựng suốt từ đầu phim chỉ với lý do rất chung chung là “mê tín dị đoan”. Để rồi khi phim được chiếu, rất nhiều khán giả đã hoang mang với phần kết mà lỗi không phải do tôi.
* Ngủ với hồn ma đã phát hành ở Malaysia, một đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Hồi với những quy định lễ giáo rất nghiêm ngặt thậm chí ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động biểu diễn, văn hóa. Vậy phim anh có bị yêu cầu cắt bỏ gì hay không?
- Tất cả những cảnh sex trong phim của tôi khi chiếu tại Malaysia bị buộc phải cắt bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, 10 giây cuối phim như tôi đã nói ở trên lại được giữ lại mà không hề có một ý kiến thắc mắc nào.
Tôi cho rằng sự kiểm duyệt là cần thiết và mỗi một quốc gia, một nền văn hoá cần một chế độ kiểm duyệt được xây dựng với những tiêu chí phù hợp để cả người làm phim lẫn khán giả không bị thiệt thòi.
* Vậy anh ý kiến gì về Dự thảo phân loại phim vừa qua của Cục Điện ảnh?
- Tôi thấy Cục đã làm được một “cuộc cách mạng” trong công tác kiểm duyệt. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét và cân nhắc thật kỹ khi học hỏi, áp dụng hệ thống phân loại phim của Singapore cho Việt Nam.
Luật pháp Singapore rất chặt chẽ và được thực thi nghiêm ngặt, luật điện ảnh của họ cũng như vậy. Từng làm việc với một đối tác cung cấp các thiết bị làm phim ở Singapore, có lần tôi thắc mắc rằng tại sao Singapore cái gì cũng có, muốn mua bất cứ đồ gì phục vụ cho làm phim cũng được, ngành chiếu bóng cũng rất phát triển mà điện ảnh Singapore lại khiêm tốn như vậy.
Họ trả lời tôi rằng: Lý do rất khó giải thích. Singapore là một đất nước đa phần người dân theo Nho giáo, số còn lại là Ấn Độ giáo và Hồi giáo, một số ít theo Thiên chúa giáo… Luật điện ảnh của chúng tôi xây dựng để tránh những vấn đề liên quan đến các tôn giáo nói trên. Nếu làm phim mà không được táo bạo, không được đụng đến những thứ gai góc, gây ấn tượng mạnh thì làm sao tránh khỏi sự… khiêm tốn.
Vậy thì cơ chế kiểm duyệt của Việt Nam, theo tôi, cần được xây dựng trên chính các đặc thù về văn hoá, tôn giáo, pháp luật… của Việt Nam.
Một vấn đề khác, liệu quy định hạn chế khán giả có được các rạp tuân thủ chặt chẽ hay không cũng là một vấn đề cần bàn. Tôi đã chứng kiến một nhóm khán giả 12 tuổi thoải mái mua vé vào xem Ngủ với hồn ma dù phim của tôi được dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất