(TT&VH) - Đạo diễn trẻ Nguyễn Tiến Dũng (SN 1979), còn có “biệt danh” khác là Dũng “Sát nhân” gắn với tên bộ phim không có cốt truyện do anh đạo diễn đoạt giải tại Cuộc thi Phim ngắn toàn quốc năm 2004. Sau khi “đầu quân” về Trung tâm Sản xuất phim TH - Đài THVN (VFC), anh là đồng đạo điễn 10 tập Cảnh sát hình sự (CSHS): Hành trình bí ẩn.
TT&VH trò chuyện với anh nhân dịp bộ phim ra mắt trên VTV1.
* Các hãng phim nhà nước thường mua bản quyền kịch bản(KB) và giao cho đạo diễn phù hợp triển khai. Anh đến với “Hành trình bí ẩn” ra sao?
Đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (cận cảnh) |
- Sau khi chính thức trở thành người của VFC, tôi mạnh dạn trình Ban Giám đốc đề cương KB phim
Cảnh sát hình sự' mà tôi và hai ngưòi bạn là Vũ Liêm - Mạnh Tuấn cùng nhau xây dựng. Rất may mắn, Ban Giám đốc đã tin tưởng những ngưòi trẻ như chúng tôi và trao cho tôi cơ hội thực hiện bộ phim đầu tay này cùng với ĐD Trần Trọng Khôi (tôi làm 5 tập lẻ và ĐD Trần Trọng Khôi thực hiện 5 tập chẵn). Tôi đã hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội được làm phim chứ không phải được giao KB...
* Chất lượng loạt phim CSHS của VFC còn trồi sụt. Tuy nhiên, có những serie thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. 10 tập phim chỉ là con số rất nhỏ trong số hàng trăm tập CSHS do VFC sản xuất nhiều năm qua. Vậy anh đã tìm con đường riêng nào để gây dấu ấn?
10 tập Cảnh sát hình sự: Hành trình bí ẩn - sẽ ra mắt vào 20h10 trên VTV1, bắt đầu từ 7/8 |
- Để có một bộ phim hay phụ thuộc vào rất rất nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan. Tôi rất vui vì các chú, các anh ĐD ở VFC vẫn giữ được “phong độ'', mang đến cho khán giả những bộ phim ấn tượng và gây được sự chú ý đối với báo chí, dư luận... CSHS là serie mà các thế hệ ĐD đàn anh đã ghi lại dấu ấn đậm nét. Vậy làm thế nào để nó mới lạ hơn luôn là một câu hỏi thách thức chúng tôi khi “vào cuộc”. Vì vậy, khi xây dựng đề cương KB, tôi đã nói rõ quan điểm với hai biên kịch: phải tìm cách tiếp cận vấn đề khác đi…
* Cụ thể là…
- Chúng tôi không bám vào những vấn đề thời sự nóng bỏng nữa... Cũng không đi quá sâu vào các yếu tố nghiệp vụ điều tra và chiến công của các chiến sĩ công an. Phim đi sâu vào hoạt động của các nhóm tội phạm, các nhân vật “trong bóng tối” để thấy được sự ám ảnh của tội ác vẫn luôn hiện hữu.
* Yếu tố hành động được khai thác ra sao hay anh cũng như nhiều ĐD khác phải “né” những pha hành động trong điều kiện làm phim hiện nay?
- Yếu tố hành động không thể thiếu đuợc trong phim hình sự. Tuy nhiên, với tôi, những pha hành động chỉ là “gia vị”. Điều tôi muốn khai thác nhiều hơn cả là tâm lí và số phận nhân vật. Kể cả nhân vật phản diện cũng có những nỗi đau rất con ngưòi. Đây có thể là nét riêng biệt dễ nhận ra nhất của phim này...
* Ngoài Tùng Dương, hầu hết diễn viên trong phim là các gương mặt mới. ĐD mới, diễn viên mới và ê-kíp có nhiều người mới. Hy vọng phim hình sự VN có nhiều cái mới hay thêm những nỗi lo mới?
- Lần đầu tiên, Ban Giám đốc hãng giao một phim dài tập cho ĐD trẻ (Nguyễn Tiến Dũng SN 1979 và Trần Trọng Khôi SN 1983 - PV) làm phim đầu tay, lại là phim Cảnh sát hình sự nên có không ít những hoài nghi. Là người trẻ, chúng tôi tham vọng mang đến những điều mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn tìm kiếm những gương mặt mới. Đây cũng là sự mạo hiểm, nhưng tôi nghĩ, cần có bộ mặt mới cho bộ phim.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Hải Đông