23/09/2014 14:31 GMT+7
(lienminhbng.org) - Khi các cầu thủ phải đối mặt với đội bóng mà mình từng yêu mến hay khoác áo, sự khó xử là điều khó tránh. Nhưng phần lớn trong số họ sẽ thể hiện ý thức chuyên nghiệp, khi sẵn sàng làm đau lòng tình yêu của mình.
Cuối tuần qua, Frank Lampard đã có bàn thắng đầu tiên trong màu áo Man City, nhưng đó lại là pha lập công gỡ hòa vào lưới chính Chelsea, đội bóng mà anh gắn bó trong 13 năm qua. Đội chủ sân Stamford Bridge chính là nơi đem về cho anh hầu hết những danh hiệu, từ những chiếc cúp quốc nội cho đến các danh hiệu châu lục như Champions League hay Europa League.
Sự chuyên nghiệp của cầu thủ Anh
Ở bóng đá Anh, việc một cầu thủ sẵn sàng gạt đi tình riêng để chiến đấu vì đội bóng mình khoác áo hiện tại là điều rất bình thường. Chẳng hạn, Paul Scholes từng thú nhận rằng anh là một cổ động viên trung thành của Oldham, đội bóng hiện đang ở hạng dưới của Anh. Nhưng Man United mới là nơi để Scholes tỏa sáng và trở thành một trong những thành viên ưu tú của thế hệ 1992.
Bản thân anh hồi năm 2011 cũng từng thổ lộ ý định quay về thi đấu cho Oldham, đội bóng yêu thích từ thuở thiếu thời, trước khi treo giày. Tuy nhiên tình yêu quá lớn với Man United đủ để khiến anh khước từ lời đề nghị ấy để quay trở lại cống hiến cho đội chủ sân Old Trafford vào đầu năm 2012. Đó là thời điểm Man United bị tàn phá nghiêm trọng bởi cơn bão chấn thương, và Scholes quyết định rút lại ý định treo giày để ra sân tổng cộng 42 trận trong một năm rưỡi, trước khi chính thức chia tay sự nghiệp cầu thủ.
Một ví dụ khác minh họa sự chuyên nghiệp, đó chính là trường hợp của Jamie Carragher. Anh từng thú nhận cách đây vài năm rằng mình là cổ động viên nhiệt thành của Everton trong lần gần nhất Liverpool đoạt chức vô địch bóng đá Anh. Thế nhưng, Carragher vẫn sẵn sàng gạt đi niềm mơ ước chơi bóng ở sân Goodison Park để gia nhập đội trẻ Liverpool vào năm 1988. Kể từ đó, trung vệ này trở thành một trong những cầu thủ thành công và được yêu mến nhất ở sân Anfield.
Một Lampard rất “con người”
Chống lại tình cảm với đội bóng mình yêu mến từ tấm bé hoặc đội bóng mình từng cống hiến đã khó, bộc lộ cảm xúc thế nào khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ lại càng là một chuyện nan giải. Phần lớn các cầu thủ thường không ăn mừng như một sự tôn trọng, chẳng hạn như khi Aaron Ramsey của Arsenal ghi bàn vào lưới Cardiff cách đây một năm.
Nhưng vẫn có những trường hợp đi ngược lại quy luật này, và những ví dụ phổ biến nhất lại rơi vào chính trường hợp của Arsenal. Tiền đạo Emmanuel Adebayor từng ăn mừng sau khi sút tung lưới đội bóng cũ khi anh chuyển đến Man City, thậm chí là một màn ăn mừng mang tính chất chọc tức những người đồng đội cũ. Robin Van Persie cũng từng không ngần ngại thể hiện niềm vui khi ghi bàn vào lưới Arsenal trong màu áo Man United.
Frank Lampard thì lại đi theo xu hướng không ăn mừng bàn thắng, và cách anh ứng xử với nó đem đến sự trân trọng từ phía các cổ động viên Chelsea. Tiền vệ 36 tuổi này tỏ ra kinh ngạc đến mức không thể thốt ra lời nào, cứ như thể đó là một pha đá phản lưới nhà trong màu áo Chelsea vậy.
Đó là cảm xúc rất “con người” của một cầu thủ đã từng là biểu tượng ở Stamford Bridge. Với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp, anh buộc phải chống lại trái tim mình, nhưng với tư cách một người đàn ông, anh đã nghe theo những gì trái tim mách bảo.
Tối Chủ nhật, Lampard là người chiến thắng trọn vẹn nhất, trong lòng của tất cả.
212 – Với bàn thắng vào lưới Chelsea, Lampard đã có được 212 bàn thắng ở Premier League. 42 – Scholes từng thổ lộ ý định quay về Oldham năm 2011, nhưng rồi anh lại xỏ giày thi đấu 42 trận cho Man United từ đầu năm 2012 đến giữa 2013. 2009 – Adebayor là một trong số ít cầu thủ từng ăn mừng vào lưới đội bóng cũ, khi anh ghi bàn vào lưới Arsenal trong màu áo Man City vào ngày 12/9/2009. |
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất