Community Shield nên được đưa ra khỏi nước Anh?

07/08/2014 15:04 GMT+7 | Bóng đá Anh

(lienminhbng.org) - Những thành công tuyệt vời của Manchester City, Manchester United và Liverpool trên đất Mỹ khiến cho trận cầu trên sân Wembley vào Chủ nhật này trở nên rất đỗi... “quê mùa”.

1. Wembley sẽ một lần nữa “cháy vé” của trận cầu tranh Community Shield giữa Manchester City và Arsenal cuối tuần này. Trận đấu dĩ nhiên sẽ được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới, FA sẽ lại thu về một khoản khổng lồ “nhân dịp” mùa giải mới bắt đầu.

Thế nhưng, nhìn vào những gì Liverpool và hai đội bóng thành Manchester thu được sau chuyến du đấu chung trên đất Mỹ thuộc giải International Champions Cup, trận đại chiến trên đất London bỗng dưng trở nên... tụt lùi về mức độ hiệu quả.

Việc tổ chức giải ở nước ngoài đã từng diễn ra trước đây. Thậm chí không phải chỉ một trận, mà là cả một vòng đấu. Richard Scudamore, khi ấy còn là CEO của FA, đã bị công kích dữ dội khi đưa ra ý tưởng về việc tổ chức “vòng thứ 39” trên một đất nước khác (cụ thể là tại châu Á).

Tuy nhiên, việc chỉ tổ chức một trận đấu duy nhất không liên quan trực tiếp tới giải đấu đường trường trên đất khách là hoàn toàn khả thi. Viễn cảnh về một trận tranh Community Shield tổ chức tại Tokyo, Bangkok hoặc Los Angeles chắc chắn sẽ giúp FA đẩy mạnh thương hiệu bóng đá Anh tới những đất nước giàu tiềm năng lợi nhuận trên thế giới.

Nhìn vào con số những CĐV đã mua vé để xem Liverpool, Man City và Man United trên đất Mỹ vừa qua, rõ ràng những người có ý định tổ chức Community Shield tại nước ngoài sẽ càng thêm chắc chắn về luận điểm của mình.

2. Dĩ nhiên, cần tôn trọng một vấn đề: FA đã ký hợp đồng 10 năm với sân Wembley về việc tổ chức độc quyền các trận tranh Community Shield, bắt đầu từ năm 2007.

Ở chiều ngược lại, những người phản đối hoàn toàn có thể chỉ vào con số 90.000 khán giả để cho rằng giá trị kinh tế của việc tổ chức trận tranh Community Shield tại Wembley vẫn được đảm bảo. Các CLB Premier League có thể đã và đang phát triển thương hiệu ra toàn cầu, nhưng những NHM tại chính địa phương của đội mới chính là một trong những đối tượng khách hàng quan trọng nhất. Không ít CLB phải chiến đấu để mời các CĐV mua vé cả mùa. Dĩ nhiên, họ chưa quá vất vả như tại Italy hay Pháp.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây nằm trong một tầm nhìn rộng hơn và sâu hơn. Việc tổ chức các trận tranh Community Shield tại Mỹ, Trung Đông hay châu Á có thể sẽ thổi phồng hình ảnh của bóng đá Anh lên tầm cỡ rất lớn. Chính từ đó, giá trị bản quyền truyền hình và hàng loạt các mặt hàng kinh doanh kéo theo sẽ tăng lên chóng mặt.

Bóng đá Anh dĩ nhiên vẫn được quan tâm trên khắp thế giới, nhưng việc được nhìn thấy những ngôi sao bằng xương bằng thịt vẫn là vô cùng hấp dẫn. Liverpool đã khiến các SVĐ ở Boston và New York “cháy vé”. United cùng Real Madrid lập kỷ lục 109.000 khán giả theo dõi trận đấu của họ tại Miami. Đi kèm với đó, hàng loạt tình cảm đã được khơi dậy với các khán giả. Môn thể thao vua đang được chú ý nhiều hơn kể từ sau thành công của ĐT Mỹ tại World Cup 2014. Các nhà chuyên môn dự đoán rằng chỉ trong khoảng 5 năm nữa, bóng đá sẽ đứng lên cạnh tranh mạnh mẽ ngang hàng bóng rổ, bóng bầu dục bởi tính toàn cầu hóa của nó.

3. Cần lưu ý, Pháp và Italy cũng đã tổ chức thực hiện điều này từ lâu. LĐBĐ Pháp thậm chí đã nhận được những sự quan tâm rất lớn cho Trophée des Campiones khi tổ chức trên lãnh thổ Tunisia, Canada hay Gabon – thậm chí lớn hơn cả ở Pháp!

2017, bản hợp đồng giữa FA và ban quản lý sân Wembley sẽ kết thúc. Liệu họ nên chọn Mỹ, Trung Quốc hay Nhật?

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm