Mẹ của Murray là bà mẹ số một làng banh nỉ

13/11/2016 07:05 GMT+7 | Bình luận

(lienminhbng.org) – Trong một môn thể thao mà các ông bố thường là người định hướng nghề nghiệp cho con cái, Judy Murray là một ngoại lệ đặc biệt. Hãy nhớ, bà đang là mẹ của hai tay vợt số một thế giới, nội dung đơn nam (Andy Murray) và đôi nam (Jamie Murray).

Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ về việc người thân có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự nghiệp của một tay vợt ngôi sao. Với Maria Sharapova là ông bố Yuri Sharapov, với Rafael Nadal là ông chú Toni Nadal, còn với Andy Murray thì lại là bà mẹ Judy Murray. Bà Judy không chỉ định hướng Andy Murray với tư cách người thân mà còn với tư cách một HLV chuyên nghiệp. Cậu bé Andy cùng ông anh Jamie đã làm quen với trái banh nỉ từ lúc 4, 5 tuổi khi bà Judy Murray dạy những đứa trẻ lớn hơn.


Bà mẹ của hai tay vợt tài năng, xuất sắc

Luôn yêu thương, và dõi theo con trai

Trước khi Kim Sears xuất hiện, bà Judy chính là người phụ nữ đứng sau thành công của Andy Murray. Vai trò ấy cũng giống như nữ HLV quá cố Jelena Gencic của Novak Djokovic, hay bà Oracene Price, mẹ và HLV đầu đời của chị em nhà Williams.

Bà Judy là con gái của Roy Erskine, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (Murray dường như cũng có gen bóng đá của ông ngoại, bởi anh từng được đội trẻ Rangers tiếp cận năm 15 tuổi). Sau khi giành 64 danh hiệu từ các giải trẻ đến giải lớn ở Scotland, bà Judy đã quyết đi theo con đường chuyên nghiệp, nhưng rồi sớm từ bỏ vì mắc bệnh nhớ nhà và bị ám ảnh vì một lần bị trấn lột ở Barcelona. Nói về bản thân, bà Judy thừa nhận mình không có kỹ năng gì đặc biệt nhưng có tốc độ rất tốt và khả năng đọc trận đấu không tồi. Có lẽ chính điểm mạnh về đọc trận đấu đã giúp bà tự tin đi theo con đường HLV sau này.

Không ai hiểu và yêu thương con trai bằng mẹ. Và với một bà mẹ là HLV như Judy, anh em nhà Murray lại càng có cơ hội phát triển tài năng, dù con đường của họ có không ít sóng gió. Năm 1996, cả Andy và Jamie từng trải qua thảm kịch kinh hoàng khi núp dưới gầm bàn và tận mắt chứng kiến giáo viên và 16 bạn bè của mình bị gã sát nhân Thomas Hamilton giết hại ngay trong lớp ở trường tiểu học Dunblane. Điều đáng nói là buổi sáng hôm đó, chính bà Judy Murray và 2 con trai đã cho gã này đi nhờ xe. Một năm sau biến cố đó, bà Judy và ông Williams Murray chia tay nhau. Jamie dũng cảm hơn trong việc đón nhận nó, nhưng Andy thì không. Đó cũng là lý do tính khí của anh cáu bẳn và thiếu bình tĩnh hơn.

Nhưng có lẽ cũng chính vì điều đó mà bà Judy dành nhiều sự chăm chút hơn cho Andy Murray. Thật ra, bà Judy chưa bao giờ thực sự là HLV chuyên nghiệp cho Andy, nhưng trên bước đường của cậu con trai, dấu ấn của bà là rất lớn. Từ việc chọn Leon Smith làm HLV đầu tiên cho Andy năm 1998, cho đến những quyết định lớn như bổ nhiệm huyền thoại Ivan Lendl sau này.






Hình ảnh máu lửa quen thuộc của bà Judy trên khán đài

Andy Murray: ‘Là số một thế giới thật tuyệt vời, nhưng làm bố còn tuyệt vời hơn’

Andy Murray: ‘Là số một thế giới thật tuyệt vời, nhưng làm bố còn tuyệt vời hơn’

Andy Murray đã vượt qua Novak Djokovic, chấm dứt 122 tuần trị vì trên ngai vàng của tay vợt người Serbia. Anh cho rằng, việc trở thành tay vợt số 1 thế giới là một điều tuyệt vời, nhưng trở thành cha mới thực sự là một điều thiêng liêng hơn cả.




Nhiệm vụ đã hoàn thành

Trong một thời gian ngắn sau khi thi đấu chuyên nghiệp, Andy Murray đã lọt vào nhóm Big Four, nhưng anh đã phải luôn sống dưới cái bóng của Federer, Nadal, và Djokovic, cho đến năm nay. Murray đã giành 2 HCV đơn nam Olympic liên tiếp (London 2012, Rio 2016), đoạt 3 Grand Slam và bây giờ ngự trị ở ngôi số một thế giới. Điều đáng nói là tất cả những thành công ấy đều đến khi Ivan Lendl dẫn dắt Andy, ở cả hai nhiệm kỳ. Và người có dấu ấn trong việc chọn Lendl, không phải ai khác, chính là bà Judy. Nhận thấy điểm yếu tâm lý của con trai, bà Judy đã chọn huyền thoại này, và đó là một lựa chọn hoàn toàn chính xác.

Hình ảnh đáng nhớ nhất sau ngày Murray vượt qua Novak Djokovic để leo lên ngôi số một thế giới có lẽ là tấm ảnh bà Judy ôm vai con trai cùng một ly champagne trên chiếc máy bay riêng trở về từ Paris. “Nhiệm vụ đã hoàn thành. #1”, đó là những gì ngắn gọn bà Judy viết trên Twitter cá nhân. Cậu con trai từng mắc bệnh trầm cảm và bị bệnh lý xương bánh chè 2 mảnh của bà, giờ đây đã là tay vợt số một thế giới, nhưng vẫn nom bé bỏng trong vòng tay mẹ.

“Tôi nghĩ không ai chăm chỉ hơn Andy. Đây là một phần thưởng cho sự kiên trì, nhẫn nại của nó. Federer, Djokovic và Nadal đã thống trị trong rất nhiều năm, và nó đã phải chịu đựng rất nhiều, nhưng giờ thì nó đã làm được”, bà Judy xúc động. Thật vậy, Murray lên số hai thế giới từ tháng 8/2009, và sau hơn 7 năm đứng giữa lằn ranh của một tay vợt giỏi và một siêu sao, anh đã vượt qua được.

Nhắc đến thành công của nhà Murray, không thể không nhắc đến Jamie Murray, người mà cách đây không lâu còn là tay vợt đôi số một thế giới. Jamie từng bị coi là cái bóng của cậu em nổi tiếng, nhưng bà Judy thừa nhận rằng hồi bé anh thậm chí còn giỏi hơn cả Andy. Nhưng Jamie đã có lúc an phận và từ bỏ quần vợt cả năm trời. Song chính bà Judy đã thuyết phục anh trở lại, và tập trung phát triển sự nghiệp ở nội dung đôi.

Và bây giờ, có lẽ chẳng bà mẹ thể thao nào lại tự hào như Judy.

“Thách thức lớn nhất là vấn đề tài chính khi Andy muốn tập luyện ở Tây Ban Nha, còn Jamie đã học xong trung học và muốn tập ở Pháp. Lối chơi của chúng rất khác nhau và địa điểm tập luyện, thi đấu cũng không hợp. Các giải đấu trẻ lại không có tiền thưởng, một khi con cái bạn thi đấu ngoài Vương quốc Anh, bạn sẽ phải tự lo tiền máy bay, phòng ở, chuyên gia thể lực, đồ ăn thức uống. Số tiền ấy là rất lớn, nhưng chưa bao giờ tôi e ngại chút nào cả. Vì tương lai con trẻ, tôi sẵn sàng làm mọi thứ”, bà Judy bộc bạch trên Daily Mail.


Vòng bảng ATP World Tour Finals 2016

Murray nhọc nhằn, Djokovic dễ thở

Kết quả phân nhánh ATP Finals đã mang đến một viễn cảnh khá trái ngược cho hai ứng viên vô địch hàng đầu. Trong khi Andy Murray rơi vào một bảng đấu rất khó khăn thì Novak Djokovic có vẻ sẽ dễ dàng lọt vào bán kết vì những đối thủ còn lại khá yếu.

Ở vòng bảng, Djokovic sẽ không phải đụng Marin Cilic, tay vợt từng hạ anh ở tứ kết Paris Masters và gián tiếp khiến anh mất ngôi số một vào tay Murray. Anh cũng không phải đụng Stan Wawrinka, người từng hạ gục mình ở chung kết US Open. Thay vào đó, ở vòng bảng, Djokovic chỉ phải gặp những tay vợt mới lần đầu tham dự ATP Finals như Gael Monfils và Dominic Thiem. Milos Raonic được đánh giá là khó ăn nhất của Nole ở bảng đấu này, nhưng tay vợt người Canada mới đây đã dính chấn thương, và việc anh phải rút lui khỏi bán kết Paris Masters là một minh chứng.

Trái lại, Murray sẽ phải đụng Wawrinka, người luôn khó lường ở các trận đấu lớn, trong khi hai đối thủ còn lại là Nishikori và Cilic tuy bị đánh giá thấp hơn, song dù sao cũng có kinh nghiệm tham dự ATP Finals nên không thể chủ quan. Còn nhớ năm ngoái, Murray cũng rơi vào bảng khá rắn. Anh thua Nadal, Wawrinka,và chỉ thắng mỗi David Ferrer nên bị loại từ vòng bảng.

Nhưng cũng chính vì bị loại sớm nên năm nay, Murray chỉ phải bảo vệ vỏn vẹn 200 điểm, trong khi số điểm mà Djokovic phải bảo vệ lên tới 1300. Rất có thể sau giải đấu này, khoảng cách giữa họ sẽ còn tiếp tục được nới rộng.


ATP World Tour Finals 2016

Diễn ra từ 13 đến 20/11

Sân đấu: O2 (London) T

ổng tiền thưởng: 7 triệu USD

Tiền thưởng vô địch: 1.560.000 USD + vòng bảng (167.000 USD/trận)

ĐKVĐ: Novak Djokovic

Kết quả chia bảng Bảng

John McEnroe: Andy Murray (1), Stan Wawrinka (3), Kei Nishikori (5), Marin Cillic (7) Bảng Ivan Lendl: Novak Djokovic (2), Milos Raonic (4), Gael Monfils (6), Dominic Thiem (8)



Phương Chi
Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm