Ghi chép: Đêm không ngủ ở Maracana

21/08/2016 07:37 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Khoảnh khắc Neymar sút tung lưới thủ thành Timo Horn ở loạt sút luân lưu cuối cùng, sân Maracana như nổ tung. Những tiếng gào thét, những nụ cười, những giọt nước mắt, và cả những nụ hôn. Chưa bao giờ người Brazil vui sướng tột cùng đến như vậy.

1. Đêm qua, tôi đã không chọn khu ghế ngồi của cánh báo chí để thưởng thức trận chung kết ấy, mà quyết định hòa mình vào đám cổ động viên đông đặc trên các khán đài, dù phải đứng chen vai thích cánh trong hơn hai tiếng đồng hồ. Nhưng nhờ đó, tôi có thể sống cùng cảm xúc của họ, những người đã chờ đợi quá lâu để thấy Selecao đổi màu tấm huy chương Thế vận hội. Danh dự của một “vương quốc bóng đá”, với 5 lần vô địch thế giới, khiến bất kỳ người Brazil nào cũng phải thấy việc chưa từng giành HCV Olympic là một nỗi nhục nhã.

Sau khi Brazil đè bẹp Honduras 6-0 ở bán kết, anh bạn Bob Farlei chủ nhà đã rủ tôi nhậu một trận ăn mừng, nhưng khi hỏi về trận chung kết, Bob trầm ngâm: “Tôi vẫn lo lắm, Đức không phải dạng vừa đâu”. Những gì Bob lo ngại là hoàn toàn có cơ sở. Ở Maracana đêm qua, Brazil dẫn trước 1-0 trong hiệp một, nhưng xà ngang của họ đã hai lần rung lên sau những pha dứt điểm của đội khách. Nhưng hiệp hai và những thời điểm ở hiệp phụ mới khiến người Brazil thực sự lo lắng. Khi người Đức gỡ hòa và kiểm soát bóng tốt hơn, một nỗi sợ hãi vô hình đã nhen lên trong đám CĐV cuồng nhiệt. Họ nhìn U23 Đức mà liên tưởng tới Pháp của năm 1984, Liên Xô năm 1988, hay gần nhất là U23 Mexico ở London 2012.


Hồi hộp trong trận chung kết. Ảnh: Tuấn Cương

Renato, một thanh niên khuyết tật đứng cạnh tôi, đã quỳ xuống, và trước mỗi pha đá của đội nhà, anh lại lầm rầm cầu nguyện. Sau cú đá thành công của Neymar, anh bật dậy như chưa bao giờ cần đôi nạng, và gào thét với đôi mắt đỏ hoe. Nhiều người xung quanh Renato cũng khóc rưng rức, kể cả gã da màu bặm trợn mà trước đó đã xô tôi suýt ngã khỏi bậc thang khán đài.

2. Tôi ôm lấy Renato chúc mừng anh bằng một vài tiếng tiếng Bồ Đào Nha học lỏm được sau những ngày ở đây. Và lạ thay, tôi lại có cảm giác gai người vì vui mừng, giống như khi chứng kiến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành hai tấm huy chương lịch sử cho đoàn thể thao Việt Nam.


Nhiệt tình cổ vũ cho đội nhà. Ảnh: Tuấn Cương

Thế mới biết, sự đồng cảm giữa con người nó kỳ lạ như thế nào. Từ trước đến nay, tôi vẫn là fan của bóng đá Brazil và cũng chưa bao giờ yêu tuyển Đức, nhưng ngay cả điều đó cũng không thể lý giải được cảm giác kỳ lạ mà tôi đã trải qua đêm qua. Có lẽ việc trực tiếp xem trận chung kết đầy hấp dẫn, trực tiếp sống cùng những cảm xúc của người hâm mộ Brazil đã mang lại cảm giác ấy.

Trước trận chung kết, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, một fan cuồng của bóng đá Đức, đã nhắn tôi rằng bằng mọi cách phải mua giúp chị một chiếc áo U23 Đức để làm kỷ niệm. Tranh thủ trước trận chung kết, tôi đã lùng sục khắp khu Shopping Tijuca để kiếm chiếc áo, và định xin giúp bà chị chữ ký của Lars Bender, Matthias Ginter, hoặc Max Meyer, nhưng rồi lại không tài nào tìm được nơi bán chiếc áo đó. Cũng may, Đức chỉ về nhì, chứ không, tôi lại càng cảm thấy có lỗi với chị Thu.

3. Phải thừa nhận rằng trong cái sức ép khủng khiếp từ 8 vạn khán giả tại Maracana, người Đức đã chơi một trận thực sự hay, nhưng may mắn thuộc về Brazil. Chiếc huy chương vàng bóng đá nam đã cứu vãn một kỳ Thế vận hội không thành công của đoàn thể thao nước chủ nhà. Tấm huy chương vàng ấy cũng sẽ khiến tổng thống lâm thời Michel Telmer giảm bớt đi rất nhiều áp lực trên vai. Có thể Olympic vẫn sẽ để lại những hậu quả về kinh tế Brazil, nhưng về mặt tinh thần, đã có những nét tươi sáng hơn hẳn.


Nụ cười chiến thắng. Ảnh: Tuấn Cương

Tôi đã từng trải qua những ngày đầu khó khăn khi tác nghiệp tại Brazil, nhưng đến bây giờ, phải thừa nhận rằng tôi đã may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp. Không phải ai cũng có thể chứng kiến những giây phút huy hoàng của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic như khi Hoàng Xuân Vinh đứng trên bục cao nhất để nhận HCV. Không phải ai cũng có thể dễ dàng chứng kiến những trận quần vợt đỉnh cao như Del Potro gặp Murray. Và không phải ai cũng được sống cùng những giây phút lịch sử của bóng đá Brazil như đêm qua.

Tạm biệt Rio, hẹn gặp lại ở Tokyo 2020!

Tuấn Cương
Từ Rio de Janeiro, Brazil

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm