Bóng đá Việt Nam: Thất bại không đẻ ra thành công

31/05/2014 18:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Người xưa có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Thành ngữ thực chất mang tính động viên, an ủi nhiều hơn, bởi, điều này chỉ có thể đúng khi chúng ta biết rút kinh nghiệm (từ thất bại) và không ngừng cố gắng, nỗ lực. Vậy câu hỏi, tại sao và như thế nào, địa hạt bóng đá xứ mình, thất bại lại luôn là… "mẹ của thất bại", chắc không cần phải tìm câu trả lời nữa. Đã có đủ những nguyên nhân được chỉ ra và thậm chí, những nhà điều hành nền bóng đá cũng nhận rất nhiều chỉ trích.

Thất bại của ĐT nữ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Thái Lan, giành vé dự vòng chung kết World Cup 2015, là dấu chấm hết cho thời kỳ “bong bóng”. Hành động ngay, hoặc là không gì cả.

Định nghĩa bóng đá học đường

Trong “cương lĩnh hành động” của nhiệm kỳ mới (khóa VII), tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định sẽ xây nhà từ móng, nếu trước đây, chúng ta vẫn chỉ xây nhà từ nóc, như khuyến cáo của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, Alfred Riedl cách đây đến gần 2 thập kỷ. Cụ thể, khâu đào tạo trẻ, cũng như việc phát triển bóng đá học đường, sẽ được ưu tiên, song song với sự hỗ trợ - giúp đỡ từ phía đối tác Nhật Bản. Thực tế, ngay cả điều này cũng chẳng có gì mới mẻ cả, nhưng muộn còn hơn không.

Cách đây độ chục năm, khi TP.HCM kéo được “gói” Tầm nhìn châu Á về mình, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã khuyến cáo rằng, bóng đá học đường là yếu tố cốt lõi. Nhưng bằng với chừng ấy thời gian, Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) vắt qua mấy nhiệm kỳ, việc phát triển bóng đá học đường vẫn còn khá mơ hồ, nếu không muốn nói là thiếu tính khả thi vì các vấn đề liên quan đến sân bãi, đào tạo HLV và khuyến khích các lứa tuổi học sinh tham gia tập luyện.

Đấy là những yếu tố cần, chứ chưa đủ. Lấy ví dụ, muốn khuyến khích học sinh từ bỏ… games, để ra sân tập bóng đá (ví như các CLB bóng đá cộng đồng, một loại hình khá phổ biến hiện nay), ngoài những bài giảng lý thuyết sáo rỗng về tác dụng của việc tập luyện thể thao đối với sự phát triển thể chất, trí tuệ, chúng ta phải kéo bằng được những thần tượng về với trường học. Không cần đến David Beckham, Ronaldo hay Lionel Messi, chỉ cần Minh Phương, Công Vinh là đủ.

Việc định hướng hay chỉ ra mục tiêu, hành động cụ thể của các cấp điều hành bóng đá bị cho là quá chậm chạp, song, dường như các cầu thủ ngôi sao ở Việt Nam cũng rất lười chia sẻ trách nhiệm xã hội. Họ đá bóng, hưởng lương cao ngất ngưởng, mua nhà đẹp, sắm xe hơi sang và lao vào những thú vui tao nhã được cho là thời thượng, nhưng họ không thể dành một ít thời gian riêng tìm đến các trường học, bệnh viện, các mái ấm tình thương, cô nhi viện hoặc nữa, các viện dưỡng lão…

Trở lại với việc phát triển bóng đá học đường hay thậm chí là đào tạo gà nòi quá ít được chú trọng hoặc nếu có, nó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất và thiếu tính đồng bộ. Ở Việt Nam, ngoài Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng, không một đội bóng hay địa phương nào khác kiện toàn được hệ thống đào tạo trẻ. Đào tạo gà nòi còn “thủng”, thì đừng nói việc phát triển bóng đá học đường, vốn nhọc công hơn nhiều.

Và chuyện những chiếc áo “bỏ trống”

Từ khoảng hơn 2 năm qua, khi VPF (Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam) đứng ra nhận tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, người ta thôi nói về quyền lợi – tiền bản quyền truyền hình, trong khi tiền ký quỹ cũng như lệ phí tham dự giải, các đội bóng vẫn phải đóng đầy đủ.  Chúng ta khoan bàn tới các cuộc chơi còn thiếu tính công bằng, ở đây, chỉ đặt câu hỏi là, tiền bản quyền truyền hình trôi về đâu? Nó được đổi bằng các gói quảng cáo (trước, trong và sau trận đấu) cho một vài doanh nghiệp… đỡ đầu.

Với các CLB là câu chuyện quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tìm kiếm nguồn thu. Nếu như cách đây 3 năm đổ về trước (khi ông bầu còn đông tiền), chuyện này chỉ là “muỗi”, thì bây giờ, các đội bóng với hầu bao bị bóp lại có quyền đòi hỏi những lợi ích chính đáng, cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Nhưng, bản thân các CLB cũng không hoàn toàn vô can, trong việc tìm kiếm, thu hút nguồn tài chính, để duy trì hoạt động.

Khi Hà Nội.T&T qua Thái Lan đã vòng sơ loại AFC Champions League 2014 với Muang Thong United, đội bóng thuộc sở hữu của Tập đoàn truyền thông Siam Sport, tất cả đã phải mắt tròn mắt dẹt, khi được biết có đến chục Tập đoàn kinh tế khổng lồ của Thái Lan và Nhật Bản, tài trợ cho đội bóng này. Có thể kể đến như Thai Airway, TOSHIBA, YAMAHA, Canon, Novotel, Singha, Seiko, AIA… Trong khi đó, Kappa (tài trợ áo đấu) đã là nhà tài trợ lớn nhất của Hà Nội.T&T.

Theo quy định, ngoài việc bắt buộc phải đeo gắn logo hoặc tên của nhà tài trợ chính thức các giải đấu trên áo đấu, các đội bóng có quyền khai thác phần không gian còn lại. Nói nôm na, họ được phép “bán” một số khoảng trống khác cho các thương hiệu, để thu tiền. Như vậy, ngoài việc bán bảng quảng cáo trên sân, ký kết các giao kèo - hợp tác, ví như bảo hiểm chẳng hạn, còn cả trăm nghìn cơ hội khác để kiếm tiền về cho đội bóng. Nhưng tại sao họ không làm?!

Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có ít nhất một đội bóng xứng đáng làm tiên phong cho phần còn lại. Bảo rằng, đó là Thanh Hóa, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên. Bằng với việc thu hút được một lực lượng khổng lồ cổ động viên, Thanh Hóa đã duy trì được mối quan hệ hợp tác cực tốt với Viettel, trong việc xây dựng các cột – trạm phát sóng, cũng như việc phân phối sim, thẻ.

Viettel phát triển được mạng lưới lớn ở Thanh Hóa, qua đó, họ cũng tài trợ một phần đáng kể kinh phí hoạt động cho đội bóng này. Và ngoài ra, Thanh Hóa còn nhận được hàng chục sự bảo trợ khác từ các doanh nghiệp trong tỉnh, mà người đứng đầu là Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Thanh Hóa… Trong khi Thanh Hóa rất năng động, thì phần lớn các bộ phận kinh doanh ở những đội bóng khác lại ù lì, ngồi chờ sung rụng.

 Nói tóm lại, còn chưa nuôi sống nổi chính mình, thì bóng đá Việt đừng mơ đến bước phát triển kế tiếp và thất bại còn là câu chuyện dài tập mà chẳng bao giờ là.... mẹ thành công!

Những năm qua, rất nhiều các ông chủ đội bóng nói lời chia tay bóng đá chuyên nghiệp, thậm chí là đoạn tuyệt luôn. Tiền chỉ là vấn đề nhất thời, điều quan trọng, phần lớn các đội bóng dưới trướng ông bầu đều thiếu tính định hướng. Người trong cuộc, ở đây là những nhà điều hành nền bóng đá, bất lực trong việc ngăn chặn “dòng chảy”, đã đành, nhưng tai hại hơn, họ còn bóng gió rằng, còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu. Một kiểu giận lẫy, thách thức và tất nhiên, chỉ có hại.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm