Man City và ‘17 chân rết’ khắp thế giới

04/08/2014 16:57 GMT+7

(lienminhbng.org) - Ông Arsene Wenger vừa đặt câu hỏi về lí do Man City mượn Lampard và bày tỏ nghi ngờ đó thực chất chỉ là chiêu né luật công bằng tài chính của đội bóng áo xanh.

Thực ra đó chỉ là một ví dụ về một mô hình phát triển bóng đá mà Man City đã phát triển từ lâu và nếu người ta biết rằng The Citizens không chỉ có quan hệ dưới dạng đối tác hay sở hữu với một hay một vài CLB mà với những 17 CLB khác nhau thì hẳn tất cả không khỏi giật mình.

Do chính sách mua sắm vô tội vạ ở những mùa trước dựa trên nguồn lực tài chính dồi dào nhờ túi tiền không đáy của các tỷ phú dầu mỏ Ả rập nên mùa này Man City đã trở thành đối tượng chịu sự áp đặt của luật công bằng tài chính. Dù có tiền “tấn”, họ cũng không thể lũng đoạn TTCN mà chỉ được phép chi tiêu ròng 49 triệu bảng.

Với việc mượn Lampard miễn phí từ đội bóng “chi nhánh” New York City FC, Man Ciy vừa có thêm ngôi sao, vừa không vi phạm luật công bằng tài chính. Một chiêu lách luật hoàn toàn hợp lệ. New York City FC không phải đội bóng “chi nhánh” duy nhất của Man City. Họ có quan hệ với 17 CLB như thế trên khắp thế giới. Chúng ta có thể điểm danh dưới đây “17 cánh tay nối dài” hay cũng có thể mô tả như “17 chân rết” của Man City.



Man City có tới 17 "chân rết" khắp thế giới

Tập đoàn bóng đá City (City Football Group)

Tổ chức này được thành lập vào mùa bóng 2013–14 với nhiệm vụ quản lý các lợi ích liên quan đến hoạt động bóng đá của Manchester City trên toàn thế giới. City Football Group (CFG) được coi là công ty điều hành hoạt động đầu tư góp vốn của các cổ đông thông qua một mạng lưới các câu lạc bộ trên khắp thế giới nhằm mục tiêu phân chia nguồn lực, tiếp thị và thiết lập hệ thống các học viện thể thao. Thông qua hoạt động của CFG, Manchester City quản lý được các cổ đông, vốn đầu tư và các câu lạc bộ sau:

+ New York City FC (từ 2013 đến nay)

Ngày 21 tháng 5 năm 2013, Manchester City chính thức thông báo là đối tác của câu lạc bộ giải bóng chày Mỹ New York Yankees, bằng cách đó họ đầu tư vào một đội bóng thuộc giải bóng đá Mỹ là New York City FC với vị thế là cổ đông lớn nhất.

+ Melbourne City FC (từ 2014 tới nay)

Ngày 23 tháng 1 năm 2014, Manchester City trở thành đối tác của câu lạc bộ bóng bầu dục Úc là Melbourne Storm, thông qua đó đã mua lạ đa số cổ phiếu của câu lạc bộ bóng đá thuộc giải A-League là Melbourne City FC.

+ Yokohama F. Marinos (từ 2014 đến nay)

Ngày 20 tháng 5 năm 2014, Manchester City chính thức trở thành đối tác của công ty chế tạo ô tô của Nhật Bản là hãng Nissan và thông qua đó nắm giữ phần lớn cổ phần của câu lạc bộ ở giải J-League là Yokohama F. Marinos.

* Đồng sở hữu tài sản

+ Hyde (Vương Quốc Anh, từ 2011 đến nay)

Nhằm tìm kiếm một sân vận động thay thế cho Manchester Regional Athletics Arena, Manchester City đã ký thỏa thuận với Hyde F.C. để được đồng sở hữu sân đấu của họ. Sự hợp tác được nối tiếp sau hoạt động tái khuyếch trương thương hiệu Hyde United và những hoạt động tài trợ có mục đích thương mại thông qua chiến dịch từ thiện City in the Community. City đã đồng ý chi 250.000 bảng để tân trang lại sân vận động này.

* Các đối tác đào tạo cầu thủ, săn tìm tài năng

+ Aarhus (Đan Mạch, từ 2013 tới nay)

Vào tháng giêng năm 2013, Aarhus đã mời Giám đốc học viện đào tạo Right to Dream City và cựu cầu thủ của Aarhus là Scott Sellars đến Đan Mạch để tham quan cơ sở vật chất của họ, tại đó một thỏa thuận giữa hai câu lạc bộ đã được ký kết. Aarhus sẽ cung cấp các cơ sở và lên kế hoạch đào tạo cầu thủ trẻ trong khi Manchester City đồng ý gửi các cầu thủ từ học viện Right to Dream City cho Aarhus mượn định kỳ. (Mối quan hệ Man City và Right to Dream sẽ được mô tả ở dưới)

+ Espanyol (Tây Ban Nha, từ 2011 tới nay)

Espanyol và Manchester City đã ký thỏa thuận trong đó Man City sẽ cho Espanyol mượn các cầu thủ trẻ và Espanyol sẽ là câu lạc bộ được ưu tiên trước hết nếu Manchester City có cầu thủ cần thanh lý.

* Liên đoàn bóng đá Ghana (từ 2013 đến nay)

Manchester City là đối tác đào tạo cầu thủ với LĐBĐ Ghana.

+ Gil Vicente (Bồ Đào Nha, từ 2012 tới nay)

Thỏa thuận ký vào ngày 9 tháng 5 năm 2012 về việc Gil Vicente cùng Manchester City cùng chia sẻ hệ thống tìm kiếm tài năng cho phép Manchester City dễ dàng phát hiện và tiếp cận các tài năng trẻ của bóng đá Bồ Đào Nha đồng thời cũng đem lại lợi ích cho Gil Vicente trong việc vươn ra thế giới.

+ Limerick (CH Ireland, từ 2013 tới nay)

Limerick đã ký kết thỏa thuận đối tác tìm kiếm tài năng với Manchester City chủ yếu để tiếp cận những tài năng từ học viện Right to Dream Academy nơi mà Manchester City đã là đối tác lâu năm. Limerick sẽ mang về một vài cầu thủ châu Phi từ học viện này và có cơ hội hợp tác với các câu lạc bộ Anh.

+ Sporting Lisbon (Bồ Đào Nha, từ 2010 tới nay)

Giống như cách hợp tác với Manchester United, Sporting Lisbon sẽ ưu tiên cung cấp tài năng trẻ cho Manchester City.

* Các học viện ở nước ngoài

+ Mpumalanga Black Aces (Nam Phi, 2013 đến nay)

Ngày 4 tháng 1 năm 2013, Manchester City ký thỏa thuận hợp tác 3 năm với CLB Mpumalanga Black Aces của giải bóng đá ngoại hạng Nam Phi - South African Premier Soccer League - trong đó CLB Nam Phi sẽ là đối tác phát triển tài năng trẻ ở khu vực và quảng bá thương hiệu Manchester City. Đổi lại, Black Aces sẽ nhận được hỗ trợ về công tác huấn luyện và thăm viếng Manchester City, thỏa thuận ký kết trước khi Manchester City du đấu ở Nam Phi.

+ Right to Dream (Ghana, cuối những năm 2000 đến nay)

Manchester City là đối tác của học viện Right to Dream, cho phép họ có thể lấy những ngôi sao triển vọng nhất từ đây. Có tin cho rằng Manchester City đã mua lại học viện này một cách bí mật và mờ ám.

* Các câu lạc bộ đối tác khác

Các CLB sau là những đối tác của Manchester City trong đó họ có thể mượn các cầu thủ không thuộc gốc EU. Việc hợp tác này là để các CLB đối tác của Manchester City cho phép các cầu thủ này thi đấu và lấy giấy phép lao động trước khi đến thi đấu cho Manchester City thay vì phải tìm kiếm giấy phép này rất khó khăn và mất thời gian ở Anh.

Djurgardens IF (Từ 2013)

BK Hacken (Từ 2012)

KV Mechelen (Từ 2010)

NEC Nijmegen (Từ 2010)

Stromsgodset IF (Từ 2010)

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm