27/07/2021 19:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 27/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đi kiểm tra Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh tại Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12). Đây là trung tâm được nâng cấp chuyển đổi từ Trung tâm cấp cứu 115 nhằm tăng khả năng điều phối cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại thành phố.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch cho biết, việc Trung tâm được Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… để mở thêm một nhánh Tổng đài 115 dã chiến tại đây, giúp công tác tiếp nhận thông tin và điều động nhân lực, phương tiện vận chuyển bệnh nhân COVID-19 được nhanh chóng, khắc phục một số bất cập thời gian qua. Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng.
Nếu trước đây mỗi ngày Tổng đài Trung tâm hiện hữu có khoảng 1.200 cuộc gọi thì hiện nay tăng lên 5.000 cuộc gọi, nên dù đã nâng từ 6 đường truyền lên 14 đường truyền tổng đài viên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường, Tổng đài tại Trung tâm cấp cứu 115 hiện hữu vẫn giữ nguyên, trong khi Trung tâm được thành lập tại Công viên phần mềm Quang Trung được xem như tổng đài trung tâm dã chiến, phục vụ công tác điều phối cấp cứu. Hiện đã có 40 bàn tiếp nhận thông tin (đường truyền), nhưng cần có kế hoạch nâng lên 100 bàn để đáp ứng nhu cầu.
Về nhân sự tại trung tâm dã chiến, bác sỹ Nguyễn Duy Long cho biết, Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 hiện có 20 người là lực lượng nòng cốt và cần thêm 100 người để huấn luyện cấp tốc, có thể nghe điện thoại xử lý các thông tin. Hiện đã có 30 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia. Trung tâm sẽ được xây dựng thành “vùng xanh”, mọi người thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động. Dự kiến từ ngày 28/7, Tổng đài 115 tại Công viên phần mềm Quang Trung sẽ đi vào hoạt động, với 16 đường truyền, khi nhân sự tăng lên sẽ vận hành cả 40 đường truyền.
Để hoạt động hiệu quả, đại diện các đơn vị nhấn mạnh, việc huy động nhân sự, phương tiện vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với Tổng đài 115, trong đó trước mắt sẽ có 50 xe taxi chuyển đổi thành xe y tế. Hiện thành phố cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Quận 12 và thành phố Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều phối cấp cứu.
Theo bác sỹ Nguyễn Duy Long, với các phương tiện vận chuyển trước đây là xe cứu thương chắc chắn không đủ, bởi phải thực hiện các công tác khác như tiêm chủng, xét nghiệm... Hiện Trung tâm cấp cứu 115 chỉ quản lý 23 chiếc xe cấp cứu và chiều 27/7 sẽ về thêm 6 chiếc, không đủ đáp ứng nhu cầu của các quận, huyện. Theo lộ trình tăng xe cứu thương, Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cấp tập trang bị thêm bổ sung xe cho Trung tâm cấp cứu 115, bao gồm xe tài trợ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế, với khoảng 200 xe. Mỗi xe sẽ có tài xế, nhân viên y tế, 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các trang thiết bị thiết yếu khác. Các phương tiện này gắn với từng địa bàn thông qua cơ sở cách ly quận huyện. Người dân có nhu cầu hoặc cơ sở cách ly quận, huyện có nhu cầu chuyển bệnh nhân gọi điện, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận và điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) để đồng bộ các đầu mối. Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho Trung tâm cấp cứu 115 và Trung tâm cần nhanh chóng thống kê các nhu cầu trang bị để bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, các xe taxi chuyển đổi đều có điều dưỡng và bình oxy, các đơn vị cần chủ động và yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ xe cung cấp mỗi trạm vệ tinh có một đội xe taxi chuyển đổi; thực hiện đồng bộ, từ tổng đài tiếp nhận đến phương tiện vận chuyển và bệnh viện tiếp nhận để thực hiện tốt, bởi vấn đề này liên quan đến tính mạng của người dân. Song song đó, hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị cho các bệnh viện để nâng khả năng điều trị.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh có thể tích hợp thêm chức năng tư vấn cho những trường hợp sau khi xuất viện tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, thông qua việc kết nối số điện thoại tổ ứng cứu của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Mở thêm nhiều kênh thông tin để khi người dân gặp khó khăn, vấn đề về sức khỏe sẽ gọi điện đến để tư vấn.
* Nhiều bệnh viện tư nhân đăng ký trở thành bệnh viện điều trị COVID-19
Ngày 27/7, thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện tư nhân trên địa bàn đã chủ động đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Đơn vị đầu tiên đăng ký chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện thành bệnh viện điều trị COVID-19 là Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần. Bệnh viện đang khẩn trương lắp đặt thêm bồn oxy lỏng để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong vài ngày tới. Đây là bệnh viện có cơ sở hạ tầng hiện đại vừa đưa vào sử dụng hơn 4 tháng.
Kế đến là Bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) đăng ký theo mô hình bệnh viện tách đôi với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời gian qua, Bệnh viện Triều An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện.
Tương tự, Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi) cũng đã đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình bệnh viện tách đôi với quy mô 125 giường. Đặc biệt, đơn vị này sẽ thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẳn khỏi cơ sở hiện nay của bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh đang điều trị tại đây.
Ngoài ra, Bệnh viện Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh) sau thời gian tạm ngưng hoạt động cũng đăng ký hoạt động trở lại để tham gia công tác điều trị COVID-19 của Thành phố.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tất cả bệnh viện trên đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của Thành phố và sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập. Trong thời gian tới, Sở Y tế mong rằng sẽ còn nhiều bệnh viện tư nhân khác tiếp tục đăng ký tham gia đồng hành với các bệnh viện công lập, nhằm góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19.
Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 18 giờ ngày 26/7, đã có hơn 2.100 lượt người đăng ký tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tình nguyện viên ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh gần 1.900 người và 200 người ở các tỉnh, thành phố khác. Những người đăng ký gồm 300 bác sĩ, 400 điều dưỡng, 200 dược sĩ, còn lại thuộc các ngành nghề khác.
Hiện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch phân 80 bác sĩ, 50 điều dưỡng đến các bệnh viện điều trị COVID- 19 và một số bệnh viện dã chiến, số còn lại sẽ đưa về các cơ sở điều trị và các địa phương có nhu cầu trong Thành phố.
Tiến Lực, Đinh Hằng (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất