06/03/2019 21:27 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Điện Biên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Trưa ngày 6/3, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên xác nhận, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Trường hợp phát hiện được có dấu hiệu đầu tiên vào ngày (4/3), các bản Bon A, Lóng Luông, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên tiến hành lấy 4 mẫu xét nghiệm, đều cho kết quả dương tính với virut dịch tả lợn châu Phi.
Ngay khi phát hiện dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên khẩn trương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo, ngành chức năng liên quan kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo địa phương biện pháp phòng, chống dịch.
Trước mắt, tỉnh Điện Biên khoanh vùng lập chốt chặn tại các khu vực phát hiện dịch, đồng thời lên phương án tiêu hủy đối với toàn bộ số lợn nằm trong khu vực phát hiện các mẫu dương tính theo quy định của pháp luật, sẽ tiến hành họp khẩn trương Ban chỉ đạo cấp tỉnh để thống nhất biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình. Trường hợp có triệu chứng bất thường, khẩn trương báo cơ quan chuyên môn chủ động trong chẩn đoán. Người dân phải tuyệt đối chấp hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh. Người nuôi tuân thủ biện pháp cách ly để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan.
Cũng theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, trong ngày 6/3, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cùng nhiều cán bộ chức năng, chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) để kiểm tra tình hình dịch bệnh tại cơ sở.
* Hòa Bình tiêu hủy và cấp bách khống chế, dập dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Lương Sơn.
Ngày 5/3, nhận được thông tin nghi vấn có dịch tả lợn Châu Phi tại hộ chăn nuôi Mai Xuân Trường ở đội 3, xóm Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình đã xuống và tiến hành kiểm tra dịch bệnh. Qua kiểm tra, tổng đàn lợn hiện có của gia đình ông Trường là 15 con (12 con lợn thịt, 3 con lợn nái); trong đó, 12 con lợn bị ốm, 3 con lợn chết. Thực hiện khám mổ bệnh tích của 3 con lợn chết, đoàn kiểm tra đã có kết luận chính thức là dương tính với virut dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời, tiến hành hướng dẫn gia đình ông Trường tiêu hủy 3 con lợn theo đúng quy định.
Hiện UBND xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thực hiện các nội dung chống dịch theo kế hoạch của UBND huyện.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cũng lưu ý các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cần đôn đốc, kiểm tra, thường xuyên hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường lực lượng phối hợp trực tại các chốt kiểm dịch tạm thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan, xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn, góp phần bảo vệ sản xuất chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê của Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Hòa Bình, hiện toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 400.000 con và các địa phương cũng đang tích cực tái đàn nhằm tiếp tục duy trì chăn nuôi lợn.
* Sáng 4/3 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Tính đến ngày 3/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ chăn nuôi thuộc 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh đã tiêu hủy là hơn 4.200 con, tương đương trọng lượng 297 tấn.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng đã có tới 7 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi, cho thấy tốc độ lây lan của căn bệnh này là rất nhanh. Từ kinh nghiệm các nước đã có dịch tả lợn châu Phi cho thấy, những nguyên nhân chính khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh được xác định do vận chuyển, môi trường chăn nuôi không được vệ sinh nghiêm ngặt, do thức ăn dư thừa cho lợn không được xử lý đúng cách. Hội nghị này sẽ tập trung bàn các giải pháp cấp bách, đồng bộ nhằm khống chế chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi; đồng thời đề xuất cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với những hộ chăn nuôi có lợn bệnh phải tiêu hủy và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vận chuyển hay bán chạy lợn bệnh ra ngoài địa bàn có dịch.
Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh đến tinh thần khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Đặt vấn đề, tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân việc mặc dù đã có các biện pháp phòng, chống từ trước, nhưng dịch vẫn bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng? và yêu cầu hội nghị cần có giải pháp cụ thể cho thực trạng này. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ tình trạng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam; rà soát và tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Cùng với đó là đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực; tránh tình trạng khai khống trong tiêu hủy lợn dịch; chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.
QV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất