Dư âm giao hữu Anh - CH Czech 2-2: Khắc khoải chờ Capello

22/08/2008 12:12 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Người Anh đang bay cao cùng Olympic với những chiếc huy chương vàng tìm đến liên tục. Nhưng bóng đá vẫn là nỗi đau khôn nguôn đối với họ. Rạng sáng qua (giờ VN), GĐĐH FA Brian Barwick bị sa thải. Trước đó không lâu, ĐTQG dưới sự dẫn dắt của Capello đã trải qua trận hòa 2-2 tệ hại trước vị khách không được đánh giá quá cao, CH Czech.

Khi những chiếc áo trắng lồng lộn tìm kiếm bàn gỡ hòa 2-2, ống kính truyền hình đã chộp được những hình ảnh tiêu biểu của sự thất vọng tràn trề. Một cậu bé ôm mặt. Một thanh niên gục đầu. Một ông già ngồi thẩn thờ thở dài. Bầu không khí bi quan phủ lên các khán đài của sân Wembley huyền thoại. Đây đã là đợt tập trận cuối cùng trước khi bước vào vòng loại World Cup 2010, nơi ĐT Anh sẽ phải đối mặt với nỗi ám ảnh Croatia. Khi Capello tìm đến, người Anh lập tức mơ về chiếc Cúp Vàng tại Nam Phi. Nhưng bây giờ, sau 8 tháng với Capello, họ chỉ ước sao được an lành bước qua vòng loại.
 
Capello vẫn còn nhiều việc phải làm với ĐT Anh (áo sáng)

Những bài test bất thành

Người Anh có quyền đặt câu hỏi: 8 tháng dẫn dắt Tam Sư và bỏ túi 4 triệu bảng (lương là 6 triệu bảng/năm), Capello đã mang lại cho họ những gì? Đã 5 trận trôi qua dưới quyền chỉ đạo của Capello, với 2 trận được chờ đợi nhất là gặp Pháp ở Stade de France và rạng sáng qua là Czech ở Wembley. Pháp là gã khổng lồ trong khi ĐT Anh có "truyền thống" bị các đội bóng lớn chặn đứng ở các giải đấu lục địa và thế giới. Sau trận tiếp Czech sẽ không còn tập dượt, thử nghiệm mà chỉ có chinh chiến thực sự. Ở cả hai trận ấy, đội bóng của Capello đều gây thất vọng: thua Pháp rất đơn giản và chật vật thoát thua Czech.

Capello đã thử nghiệm những gì có thể thử nghiệm. Thử nghiệm mọi phương án cho hàng công. Lúc thì Rooney đá trung phong duy nhất với Gerrard chơi hộ công. Khi thì cặp tiền đạo Crouch - Defoe. Trước CH Czech thì Rooney cùng Gerrard (chơi lệch hẳn sang cánh trái nhưng theo lời giải thích của Capello thì tiền vệ của Liverpool được giao nhiệm vụ đá hộ công) hỗ trợ cho mũi nhọn Defoe. Với phương nào cũng... tắc. Defoe đã gây được ấn tượng nhất định nhưng đẳng cấp của anh chỉ phù hợp với đội bóng trung bình Portsmouth hơn là ĐTQG đầy sức ép. Rooney vẫn là bài toán hóc búa đối với Capello và đến thời điểm này, HLV người Italia chưa thể tìm được vị trí thích hợp dành cho chân sút người Anh được đánh giá cao nhất.

Bao năm qua, hàng tiền vệ luôn là tuyến cực kỳ hùng hậu về lực lượng. Nhưng bao HLV đã phải trả giá vì không thể giải quyết cuộc khủng hoảng thừa. Chỉ riêng vấn đề Lampard và Gerrard đứng cạnh nhau đã khiến hết Eriksson, đến McClaren và bây giờ là Capello đau đầu. Trong những trận đấu Lampard vắng mặt vì chấn thương, Gerrard được chơi đúng vị trí sở trường và đá cặp ăn ý với Barry. Tưởng chừng Capello sẽ chọn giải pháp này (loại Lampard) nhưng cuối cùng, dường như ông quyết tâm nhét Lampard và Gerrard vào trong cùng một đội hình. Trước Czech, Gerrard xông xáo nhưng thiếu hiệu quả trong khi Lampard lặn mất tích khi bị xếp đá tiền vệ phòng ngự. Capello cần phải quyết nhanh gọn vấn đề này bởi khi Hargreaves trở lại, vấn đề vị trí tiền vệ trung tâm càng nhức nhối hơn.

Trên bế tắc. Giữa loạn. Tuyến dưới thì yếu ớt một cách bất ngờ. Ở Wembley, Czech không tấn công nhiều; nhưng mỗi đường lên bóng của họ (thường chỉ có 2 đến 3 cầu thủ tham gia) đều khiến khung thành David James chao đảo. Bàn thua đầu tiên là bằng chứng rõ nét: Brown bị đi qua rất dễ dàng, Terry không thể phong tỏa Baros trong khi Ashley Cole đá phản lưới nhà. Thủ thành James không có lỗi trong bàn thua ấy lẫn bàn nâng tỷ số lên 2-1 (Jankulovski đá phạt quá đỉnh). Nhưng trong hiệp 2, anh nhiều lần khiến CĐV thót tim - rất đúng... "chất" các thủ môn Anh hiện tại.

Nhưng hãy chờ Capello...

Vì trận gặp Czech là trận giao hữu cuối cùng để chuẩn bị cho vòng loại World Cup, rất nhiều người Anh đã bày tỏ thái độ bi quan. Báo giới bắt đầu tấn công, chỉ trích Capello. Phản ứng ấy hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng tốt nhất là họ nên kiên nhẫn với Capello và tiếp tục đặt trọn niềm hy vọng ở chiến lược gia người Italia.

Trước khi chỉ trích gay gắt Capello, người Anh cần tỉnh táo nhận ra rằng ở Wembley đơn thuần là màn tập dượt chứ không phải một trận đấu chính thức. Còn nhớ trước thềm VL EURO 2008, ĐT Anh của McClaren đã giành những chiến thắng hoành tráng ở các trận giao hữu, nổi bật nhất là đại thắng ĐKVĐ châu Âu Hy Lạp 4-0. Nhưng khi bước vào cuộc chơi chính thức, đầy sức ép, đội bóng ấy đã đánh mất những điểm mạnh của mình và hóa tầm thường.

Theo lời của Capello, ông không quá ngạc nhiên khi một số vị trí quan trọng chơi dưới sức trước ĐT Czech. Sau mùa hè, các cầu thủ thường phải cần thêm 1 hoặc 2 tháng để đạt điểm rơi phong độ. Giữa tháng 9 tới đây, ĐT Anh mới bước vào cuộc chiến quan trọng nhất: làm khách ở Croatia. Khi ấy, những Rooney, Gerrard, Lampard, Terry, Rio... đã có thể chơi với phong độ tốt nhất.

Một niềm tin khác là Capello luôn cần thời gian ngắn nhất định để củng cố, định hình đội bóng; nhưng khi vào guồng thì chạy khủng khiếp. Như ở Real Madrid trước đây: khởi đầu ì ạch nhưng tăng tốc từ giai đoạn 2 và đoạt chức VĐ Liga.

Capello & 8 tháng đầu tiên

06/02/08 Anh - Thụy Sỹ 2-1

26/03/08 Pháp - Anh 1-0

28/05/08 Anh - Mỹ 2-0

01/06/08 T&T - Anh 0-3

20/08/08 Anh - Czech 2-2

Chiến dịch vòng loại World Cup 2010

06/09/08 Andorra - Anh

10/09/08 Croatia - Anh

11/10/08 Anh - Kazakhstan

15/10/08 Belarus - Anh

01/04/09 Anh - Ukraine

06/06/09 Kazakhstan - Anh

10/06/09 Anh - Andorra

09/09/09 Anh - Croatia

10/10/09 Ukraine - Anh

14/10/09 Anh - Belarus

Nỗi buồn Terry

Ngay sau khi được Capello tín nhiệm trao cho chiếc băng đội trưởng chính thức, Terry vui mừng trông thấy. Nhưng tiếc thay, trước sự soi mói và quan sát của hàng triệu người Anh, Terry đã chơi trận dở nhất của anh trong những năm khoác áo Tam Sư. Chính Terry có lỗi lớn trong bàn thua mở tỷ số: không thể kèm cặp Baros. Các tờ báo ở Anh đều chấm điểm Terry thấp nhất trong khi gương mặt chơi nổi nhất ở hàng thủ lại là Rio Ferdinand - từng là đối thủ cạnh tranh chiếc băng thủ quân.

Sếp FA bị sa thải vì... Scolari

Brian Barwick đã phải rời bỏ cương vị GĐĐH Liên đoàn bóng đá Anh. Quyết định đã được FA thông qua nhưng Barwick chỉ chính thức ra đi từ sau ngày 31/12 tới. Người đã trực tiếp khiến Barwick bị sa thải lại là HLV Chelsea, Scolari. Trong ngày ra mắt ở Chelsea, Scolari đã tiết lộ rằng ông từng suýt trở thành người kế nhiệm Eriksson ở ĐT Anh. Barwick thực hiện việc đàm phán với Scolari, yêu cầu HLV người Brazil phải ký hợp đồng trước VCK World Cup 2006. Scolari muốn FA chờ đến sau World Cup vì ĐT Bồ của ông lúc bấy giờ hoàn toàn có thể gặp Anh khi vào sâu (và đúng là gặp nhau thật). Barwick thiếu kiên nhẫn, quay sang chọn McClaren và kết cục là ĐT Anh không thể vượt qua vòng loại EURO 2008.
 
ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm