Đối thoại Jose Mourinho: 'Vấn đề của tôi là tôi quá GIỎI và THẬT THÀ'

10/04/2015 12:56 GMT+7

(lienminhbng.org) - “Người đặc biệt” vừa có cuộc phỏng vấn đặc biệt với báo Anh - The Telegraph, trong đó Jose Mourinho chia sẻ rất nhiều về công việc, cuộc sống và cả những điều riêng tư.

“Tôi cho rằng tôi đang gặp vấn đề. Tôi ngày một giỏi hơn ở công việc này so với khi tôi khởi nghiệp”, Mourinho nói. “Nhiều thay đổi đã diễn ra, cách tôi đọc trận đấu, chuẩn bị cho trận đấu, phương pháp luận… Tôi cảm thấy ngày một tiến bộ hơn. Nhưng có một điểm mà tôi không thay đổi: Khi đối mặt với báo chí, không bao giờ tôi là một người giả tạo”.

“Tôi thật thà nhưng... cáo già trong nghề HLV”

Xét về mặt thống kê, Mourinho là HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới cấp CLB. Ông đã giành chức VĐQG ở 4 nước mà ông từng làm việc, quê nhà Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Anh. Ông cũng đã 2 lần vô địch Champions League. Nhưng tất nhiên, đó chỉ mới là một nửa câu chuyện. Mourinho cũng là HLV gây nhiều tranh cãi nhất trong thế giới bóng đá. Giữa các CĐV, với trọng tài, với các quan chức liên đoàn, trong phòng họp báo, Mourinho mang tới các cuộc tranh luận nảy lửa ở bất kỳ đâu ông đặt chân đến.



Mourinho bảo rằng mình không quan tâm nhiều đến quần áo

Trong căn phòng chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn sang trọng ở nam London, báo Telegraph đã dành hai tiếng đồng hồ chụp ảnh Mourinho trong nhiều kiểu quần áo thể thao, bước vào và ra chiếc xe hơi Jaguar của ông. Ông là người sành điệu, nhưng bảo thủ trong ăn mặc, khẳng định ông không quan tâm nhiều tới quần áo và muốn thoải mái hơn là hợp thời trang. Tủ đồ của ông chủ yếu gồm các màu truyền thống đen, xám và xanh đậm. Ông không thích những quần áo lòe loẹt hay màu chói. Ông hợp tác với các thợ chụp hình, nhưng không quá kiểu cách và không đòi hỏi.

Trong cuộc phỏng vấn, Mourinho còn mang theo hai người trợ lý, một người Anh và một người Bồ Đào Nha. Sáng hôm đó, ông ở sân tập Cobham, Surrey của Chelsea. Một ngày như mọi ngày. Ông tới sân vào lúc 7g30 sáng, vào văn phòng và khóa cửa lại, ở trong đó hai tiếng. “Tôi cần khoảng thời gian ở một mình”, ông nói. “Quý vị biết đấy, trong bóng đá, tôi chưa phải là quá già. Ở tuổi 52, tôi có lẽ còn 20 năm nữa phía trước trong nghề này. Nhưng tôi cho rằng mình đã là một kiểu “cáo già” trong nghề HLV. Tôi không còn sợ hãi hay lo lắng vì bất cứ điều gì. Có vẻ như tôi đã thấy tất cả trong nghề này. Tôi không thức dậy nửa đêm vì lo nghĩ về một chấn thương của ai đó, hay về chiến thuật cho trận sắp tới. Tôi chỉ cần thời gian cho riêng mình”.

Cha của Mourinho, cũng tên Jose, là một thủ môn từng được khoác áo ĐT Bồ Đào Nha trước khi chuyển nghề HLV. Jose “con” đi theo bố tới các trận đấu, đôi khi giúp ông chuyển chỉ đạo cho những cầu thủ. Bản thân Mourinho cũng đá bóng nhưng sự nghiệp của ông ngắn ngủi và tầm thường, một hậu vệ không ai biết đến ở giải hạng Nhì Bồ Đào Nha. Ông chuyển nghề, theo học Đại học kỹ thuật Lisbon, ngành khoa học thể thao, với dự định trở thành giáo viên.

Mourinho (ngoài cùng, phải) từng đá bóng trong thời gian ngắn

“Nghề của tôi là làm người cha”

Công việc đầu tiên của ông là dạy các trẻ em bị bệnh Down và tổn thương tinh thần. “Một thách thức rất lớn”, ông thừa nhận. “Tôi không được chuẩn bị sẵn sàng để làm việc với các em nhỏ đó. Nhưng tôi đã thành công, nhờ vào chỉ một điều, mối liên hệ cảm xúc giữa tôi và các em. Tôi coi đó là một điều kỳ diệu nho nhỏ của mình, nhờ vào mối quan hệ mà tôi vun đắp. Sự trìu mến, cảm thông, tôn trọng, nhờ cả vào những điều đó. Có một em nhỏ đã không chịu đi lên cầu thang. Một em khác nhất định không chịu động đậy. Những kiểu vấn đề như thế, và tôi phải kiên nhẫn giải quyết thông qua sự xây dựng quan hệ tình cảm giữa chúng tôi”.

“Sau đó tôi làm HLV cho các thiếu niên 16 tuổi. Giờ thì tôi là HLV của những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Nhưng tôi đã học được rằng dù là ở cấp độ nào, điều quan trọng nhất là mối quan hệ mà bạn thiết lập với những đồng sự. Tất nhiên bạn cần kiến thức và kỹ năng phân tích. Nhưng quyết định là mối quan hệ, sự cảm thông, không phải là với các cá nhân, mà là trong đội bóng với nhau. Để có được sự cảm thông đó, mỗi người phải hy sinh một chút. Quan hệ mà tôi nói tới không phải là việc xây dựng mối quan hệ hoàn hảo giữa tôi và bạn, mà là quan hệ trong nhóm, vì tập thể mới giành chiến thắng, cá nhân thì chẳng bao giờ vô địch”.



Mourinho nhấn mạnh sức mạnh tập thể trong thành công

“Tập thể” cũng là từ Mourinho dùng nhiều nhất trong cuộc phỏng vấn. Nhưng làm sao có thể uốn nắn lợi ích cá nhân vì tập thể, làm sao bảo ban điều đó với những cầu thủ chưa đầy 20 tuổi đã là triệu phú. “Không dễ”, Mourinho thừa nhận. “Ngày xưa, các cầu thủ ở đẳng cấp này đều trông đợi họ sẽ rất giàu có sau khi giải nghệ. Giờ thì họ thậm chí đã giàu từ trước khi khởi nghiệp!”

Giá trị của các cá nhân trong bóng đá, một trò chơi tập thể, là rất lớn, điều thể hiện rõ qua những cuộc tranh cãi triền miên mỗi năm liên quan tới danh hiệu Quả bóng Vàng FIFA. Nhưng Mourinho không ưa điều đó. Ông cũng nói thật ra ông và kình địch Arsene Wenger có nhiều điểm có thể chia sẻ về triết lý bóng đá. “Tôi cho rằng Wenger (ông gọi đối thủ người Pháp như thế, không phải “Arsene” thân thiện, hay “ngài Wenger” kiểu cách) có lý, ông ấy chống lại Quả bóng vàng. Tôi nghĩ ông ấy đúng, vì hiện giờ bóng đá đang mất đi giá trị của một trò chơi tập thể. Chúng ta luôn tìm kiếm những màn trình diễn cá nhân, những thống kê ,ai chạy nhiều hơn. Có phải vì bạn chạy 11 km mỗi trận nên bạn chơi tốt hơn tôi? Biết đâu 9 km của tôi quan trọng hơn nhiều thì sao”.

“Với tôi, bóng đá luôn là trò chơi tập thể. Cá nhân được chào đón chỉ khi họ giúp đội bóng mạnh hơn. Họ phải làm việc cho tập thể, chứ không phải ngược lại. Khi những ngôi sao lớn tới, đội bóng đã ở đó rồi. Anh ta không phát hiện ra đội bóng, như Columbus tìm ra châu Mỹ. Anh ta tới để giúp đội bóng mạnh hơn. Là HLV, tôi truyền tải thông điệp đó mỗi ngày, không phải bằng các bài phát biểu, mà qua những cuộc nói chuyện, qua việc quan sát và uốn nắn từng cầu thủ”.

“Điều duy nhất bạn không thể huấn luyện cho một cầu thủ là tài năng. Nhưng liệu tài năng đó có thích hợp với đội bóng? Anh ta có hiểu những gì đội bóng cần? Về mặt tính cách, anh ta có phải là người thông minh, cởi mở và sẵn sàng học hỏi để tiến bộ hơn? Liệu đó có phải là một kẻ ích kỷ coi mình quan trọng hơn đội bóng? Tôi phải xử lý những điều đó ở mọi CLB mà tôi đã làm việc. Không có đội bóng nào hoàn hảo, nhưng điều quan trọng nhất với một cầu thủ luôn là tài năng”.



Mourinho luôn xem mình là "người cha" đối với cầu thủ

Nhưng quá nhiều tài năng trẻ triển vọng cũng đã không thể đi nốt chặng đường thành công? “Tôi biết”, Mourinho gật đầu. “Nhưng nên nhớ, họ là sản phẩm cuối cùng của một quá trình. Tôi từng làm việc với một cầu thủ, tôi sẽ không nêu tên anh ta, nhưng ngay khi tôi cho anh ấy cơ hội đá ở đội 1, vài tuần sau cha anh ta nghỉ việc, mẹ anh ta nghỉ việc. Họ sống cuộc đời của anh ta, ra quyết định cho anh ta. Thật khó khăn. Đó chỉ là một trong hàng nghìn ví dụ. Để thành công, họ còn phải gặp may với cha mẹ mình nữa, với người đại diện, với sự giáo dục bên ngoài xã hội. Tôi từng gặp một cầu thủ mua xe mới khoe với tôi. Tôi hỏi: Một chiếc nữa sao? Để làm gì? Cậu có nhà chưa? Chưa. Cậu có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng không? Không. Xe này tôi không mua, bố tôi được cho lái và tôi chỉ cần ký vài tờ giấy. Tôi xem các giấy tờ và hỏi cậu ấy: Cậu có biết đây là hợp đồng thuê xe không? Không. Ngồi xuống đây, tôi sẽ giải thích cho cậu”.

“Khi tôi thật sự có nhiều tiền, hợp đồng thứ hai của tôi với Porto vào năm 2003, tôi đã ngoài 30, có gia đình, đã sẵn sàng. Những cậu nhóc này 16, 17, 19, 20. Chúng chẳng biết gì cả. Ở Chelsea, chúng tôi có một bộ phận tuyệt vời mà chúng tôi gọi là Bộ phận hỗ trợ và phúc lợi cầu thủ, nơi các cầu thủ sẽ được hỗ trợ tất cả. Sẽ có người giải thích rõ cho họ chuyện tiền nong. Muốn mua nhà? Phải gặp đúng người, thỏa thuận đúng giá. Các cầu thủ trẻ mới tới đội, đừng mua xe hơi, chúng tôi có hợp đồng tài trợ với Audi và họ sẽ cung cấp xe cho cầu thủ. Thế giới này rất phức tạp”.

Như vậy ông không khác gì một người cha? “Đó là nghề nghiệp của tôi!”.

“Không bao giờ nói với Chúa và vợ về bóng đá”

Mourinho và vợ ông - Matilde - là bạn thanh mai trúc mã, cùng lớn lên trong một khu phố ở thị trấn ven biển Setubal. Họ đã kết hôn 26 năm, có hai con, cũng tên là Matilde và Jose. Công việc HLV đầu tiên của Mourinho là năm 2000 khi ông dẫn dắt CLB BĐN Benfica. Trước đó, ông làm phiên dịch, rồi trợ lý cho Bobby Robson ở Sporting Lisbon, Porto và Barcelona. Ông chỉ ngồi ở Benfica được 3 tháng rồi từ chức vì mâu thuẫn với Chủ tịch CLB. Sau đó ông chuyển sang Uniao de Leiria, rồi Porto, nơi ông giành chức vô địch BĐN 2 lần, Cúp UEFA và năm 2004, Champions League. Sau đó ông tới Chelsea, nơi ông vô địch Premier League 2 mùa liên tiếp (2004-05, 2005-06), FA Cup và League Cup, cũng 2 lần. Là HLV Inter Milan, ông vô địch Serie A 2 lần và Champions League. Năm 2010, ông chuyển tới Real Madrid, nơi ông giành Cúp Nhà Vua và vô địch La Liga. Năm 2013, ông trở lại Chelsa.

Bạn thân nhất của ông là Rui Faria, trợ lý từ những ngày đầu của ông ở Benfica, người đã theo ông tới mọi đội bóng sau đó. “Rui thường nói trở thành HLV vô địch là cuộc đời đẹp nhất trên thế giới”, Mourinho cười. “Chúng tôi đã thử, và đã làm được. Nhưng ở đây quá nhiều trận đấu nên bạn chẳng có thời gian mà tận hưởng. Tôi vừa thua 3-5, ngày hôm sau tôi lại phải ra sân tập, 2-3 ngày nữa lại là một trận. Tôi thắng 3-0 hay 4-0 thì ngày hôm sau vẫn phải ra sân tập và 2-3 ngày tới là một trận. Tôi phải học cách sống với cả thất bại lẫn thành công”.

“HLV chắc chắn không phải là người quan trọng nhất ở một CLB. Tôi đã luôn nói rằng người quan trọng nhất ở CLB đầu tiên là các CĐV, tiếp đó là ông chủ, rồi tới các cầu thủ, rồi mới tới tôi. Nhưng HLV là người ai cũng nhìn vào. Các cầu thủ sẽ theo dõi, phân tích, đánh giá phản ứng của bạn. Ban lãnh đạo cũng sẽ dõi theo bạn. Họ muốn thấy bạn sẵn sàng đứng lên sau một thất bại và không lạc quan quá trớn sau một chiến thắng. Tôi nghĩ là tôi giỏi trong việc kiểm soát những điều đó, cân bằng giữa những điểm tích cực và tiêu cực”.



Với Mourinho, HLV không phải là người quan trọng nhất ở CLB

Mourinho là một HLV học thức và có văn hóa nền rất tốt. Ông rất ngưỡng mộ các tác phẩm của Fernando Pessoa, nhà thơ được yêu mến nhất ở BĐN. Khi nói chuyện, ông suy nghĩ chín chắn, am hiểu và cởi mở, rất khác với những cau có và chiêu trò trong các phòng họp báo. Khi được hỏi ngoài bóng đá ra, gần đây ông có làm gì thú vị không, Mourinho nói ông nhớ chuyến đi Bờ Biển Ngà với vai trò Đại sứ chống đói nghèo của Chương trình lương thực thế giới (WFP). “Đó là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi, mà tôi đã chia sẻ với vợ và các con”, ông nói. “Chúng ta đều biết có tình trạng đói nghèo, nhưng được tiếp xúc trực tiếp là một trải nghiệm hoàn toàn khác”.

Ông và vợ cũng đóng góp nhiều cho một chương trình phát không thực phẩm của nhà thờ Công giáo tại Setubal. “Chúng tôi có nguyên tắc là chỉ làm với những người chúng tôi biết. Chúng tôi muốn cho con trai và con gái mình thấy chúng may mắn thế nào, và hiểu rằng còn những người khác cần sự giúp đỡ”. Trên phương diện đó, ông là người khá mộ đạo. “Tôi hoàn toàn tín Chúa. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện, mỗi ngày tôi đều nói chuyện với Người. Tôi không đi nhà thờ mỗi ngày hay mỗi tuần, nhưng tôi đi những khi tôi cần. Ở BĐN thì hầu như tuần nào tôi cũng đi”.

Ông cầu nguyện cho điều gì?

“Cho gia đình tôi! Các con tôi, vợ tôi, cha mẹ tôi, cho hạnh phúc của gia đình tôi. Nhưng tôi khẳng định rằng tôi không bao giờ nói gì với Người về bóng đá. Không bao giờ!”

Ông có cho rằng mình là một người tốt?

“Tôi nghĩ vậy. Tôi cố trở thành một người tốt và nghĩ mình là một người tốt. Tôi không gặp vấn đề với gia đình và bạn bè. Tôi là một người đàn ông của gia đình, một người bạn tốt, cố giúp ngay cả những người tôi không biết. Tôi cũng có phạm sai lầm. Nghề nghiệp của tôi không chỉ cạnh tranh gắt gao, mà còn khiến bạn đôi khi trở nên bốc đồng về cảm xúc, nhưng nghề nghiệp chỉ là một phần của một con người”.


Mourinho và con gái

Ông luôn cố gắng tách bạch giữa công việc và gia đình. Ông không bao giờ nói chuyện bóng đá với vợ. “Đó không phải là thế giới của cô ấy. Tôi cứ tới CLB nào tôi muốn, nơi nào tôi thích, làm với ai tôi thấy hợp. Cô ấy chỉ nói thế, vì nhờ điều đó cuộc sống ở nhà cũng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tách bạch được, nhất là nếu tôi vừa thua một trận quan trọng. Tôi vẫn cố về nhà với gương mặt tươi tỉnh, ngày mai là một ngày khác, đây chỉ là một trò chơi, tôi tự an ủi mình kiểu thế. Nhưng khi tôi về nhà, chính vợ con tôi lại cau có”, Mourinho cười. “Họ buồn cho tôi!”.

“Ronaldo và Messi chẳng cứu mạng ai cả”

Một phần khiến Mourinho thích sống ở Anh là bởi tại London, không như Madrid hay Milan, “tôi có thể sống một cuộc đời gần như bình thường”. Ông có thể đi ra phố và “trong vòng 5 phút” gặp một CĐV Chelsea, rồi một CĐV Tottenham, rồi một CĐV Arsenal, “cả CĐV Liverpool và Man United nữa. Và tôi thích điều đó. Ở những nơi khác, tôi chỉ toàn gặp CĐV đội nhà. Ở Milan, 50% Inter, 50% AC. Madrid, có lẽ 70% Real, 30% Atletico. Ở Porto, 100%. Nếu họ chào tôi, tôi sẵn lòng đáp lại, nhưng tất nhiên nếu ai đó định dạy dỗ tôi về bóng đá thì không!

“Nhưng tôi nghĩ người London hiểu thế nào là làm phiền người khác. Họ ý thức rõ ràng về không gian riêng, về sự tôn trọng. Nếu tôi có bị làm phiền, thì luôn là bởi những người không phải người Anh. Người Anh ở trong nhà hàng chẳng hạn, cũng muốn chụp ảnh với tôi, nhưng họ sẽ đợi cho tôi dùng bữa xong. Ở trong cửa tiệm, họ cũng đợi, họ không lao vào khi tôi đang chọn tất. Trên đường phố cũng thế. Ở Madrid và Milan thì điều đó là không thể”.

Mọi CĐV bóng đá đều là một HLV, nhưng nhiều người đã quá coi trọng trò chơi này, theo Mourinho. “Tôi yêu bóng đá, tất nhiên, nhưng với những người chuyên nghiệp chúng tôi, nếu bóng đá là tất cả thì chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Các CĐV cũng nên như thế. Ở BĐN, họ nói bạn có thể thay đổi tất cả, trừ mẹ và CLB mà bạn ủng hộ. Tôi hiểu điều đó vì những ảnh hưởng xã hội, chính trị và văn hóa của bóng đá. Nhưng làm sao một cầu thủ bóng đá có thể lọt vào Top 100 những người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Forbes?”.



Mourinho tin rằng Ronaldo và Messi (trái) không xứng đáng lọt vào Top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới

Thật ra là 2 người. Năm ngoái Cristiano Ronaldo xếp hạng 30 và Lionel Messi hạng 45 trong danh sách của Forbes. “Thật ngớ ngẩn! Chúng tôi chẳng cứu được mạng ai! Tôi biết có người nhảy từ tầng năm xuống vì đội nhà thua trận! Làm sao bạn so sánh được một cầu thủ bóng đá, một HLV với một nhà khoa học, một bác sĩ?”.

“Tôi cũng muốn khen trọng tài lắm chứ”

Mourinho cũng nói ông không có bạn thân nào trong giới bóng đá Anh. “Có vài người tôi thỉnh thoảng nói chuyện cùng, nhưng tôi không cho là chúng tôi thân”. Có một người mà ông đặc biệt ngưỡng mộ: Sir Alex Ferguson. Hai người gặp nhau lần đầu với tư cách HLV năm 2004, khi Porto loại Manchester United khỏi Champions League. “Đó là khi tôi cảm thấy hai mặt của một nhân vật lớn”, Mourinho nói. “Mặt thứ nhất là một người tìm mọi cách để chiến thắng. Nhưng mặt kia là một người rất có nguyên tắc, tôn trọng đối thủ và chơi đẹp. Trong văn hóa BĐN và Latin của chúng tôi, chúng tôi không có mặt thứ hai. Chúng tôi lao vào trận đấu và tìm mọi cách chiến thắng. Nhưng khi chúng tôi đánh bại Man United ở Champions League, tôi biết thêm được mặt kia, mà tôi giờ cũng đang cố gắng xây dựng cho mình”.



Mourinho rất ngưỡng mộ Sir Alex Ferguson (trái)

Nhiều người coi Mourinho là một nhân vật “Machiavellian” (tính từ tiếng Anh bắt nguồn từ tên gọi của Niccolo Machiavelli, tác giả người Italy của cuốn “Quân vương” bàn về thuật trị quốc trong đó đòi hỏi người thành công và chiến thắng phải là kẻ gian hùng).

Ông đã đọc Machiavelli chưa?

“Có, tất nhiên tôi biết Machiavelli. Tôi đồng ý đôi khi có thể ranh mãnh trong một số bình luận, nhưng tất cả chỉ có thế, không hơn”. Nhưng người ta nói Mourinho chỉ tử tế với những ai mà ông không coi là mối đe dọa trên sân bóng? “Không hề! Tôi thích khen ngợi những người xứng đáng, các HLV khác, các cầu thủ. Tôi thích được nói “trọng tài thật tuyệt”, nhất là sau một trận thua”.

Những thứ mà Mourinho thích nhất

+ Xe hơi: Jaguar F

Tôi đã lái nhiều xe hơi đẹp và hiện đại, nhưng không gì bằng Jaguar. Tiếng ồn và tốc độ của Jaguar F-Type… không gì bằng.

+ Đồng hồ: Hublot King Power “Speacial One” (Người đặc biệt)

Tôi tự thiết kế và hãng Hublot chế tác riêng theo yêu cầu của tôi. Đó là màu, chất liệu, cỡ cổ tay và cân nặng mà tôi muốn. Tôi thiết kế cùng với công ty. Đó là đồng hồ của tôi.

+ Điện thoại: BlackBerry

Tôi thích vì nó đơn giản và có mọi thứ mà tôi cần.

+ Nơi nghỉ Hè: Bồ Đào Nha

Luôn thật tuyệt khi được trở về nhà sau một mùa giải bận rộn.

+ Nhà hàng: Nhà tôi

Ở nhà chúng tôi luôn ăn tối cùng nhau và dù chúng tôi thích nhiều nhà hàng ở London, luôn vui hơn khi ăn ở nhà.


Trần Trọng
Theo Telegraph

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm