Dortmund đè bẹp Real Madrid: Cuộc thập tự chinh của “gã nhà nghèo”

26/04/2013 06:43 GMT+7 | Champions League

(lienminhbng.org) - Trong bốn đội bóng lọt vào bán kết Champions League gồm Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich và Borussia Dortmund, đội đứng cuối danh sách là đội nghèo nhất. Nhưng giờ đây, 3/4 chiếc vé đến Wembley đã nằm trong tay họ, sau chiến thắng lịch sử trước Real Madrid tại Signal Iduna Park.

Dortmund, một trong những đội bóng “nghèo khó” nhất châu Âu, vừa đè bẹp CLB giàu nhất để đặt một chân vào chung kết

Đó là thắng lợi giữa đội nghèo nhất ở bán kết trước đội bóng giàu có nhất thế giới. Theo một báo cáo mới đây của  công ty Deloitte, Real Madrid là CLB giàu nhất châu Âu trong chín năm liên tục vừa qua, với doanh thu hàng năm là 521,6 triệu euro, tiếp theo là Barcelona, với 483 triệu, trong khi doanh thu của “hùm xám” nước Đức cũng chỉ là 322,6 triệu euro, chứ chưa nói tới Dortmund, với vỏn vẹn 181,9 triệu euro.

Trên lĩnh vực giá trị đội bóng thì sự khác biệt còn lớn hơn nữa. Forbes cho biết  nếu Real Madrid trị giá trên 2,5 tỷ euro thì Dortmund chỉ là 349 triệu euro. Và nếu so với một số gã nhà giàu khác ở mùa bóng này phải xem Champions League qua TV như Manchester United, Chelsea, Manchester City thì Dortmund vẫn là một “kẻ nghèo kiết xác”.

Gian nan “xóa đói giảm nghèo”

Cách nay 8 năm, Dortmund còn đứng trên bờ vực của sự phá sản, với món nợ chính thức lên tới 170 triệu euro, còn trên thực tế thì lớn hơn rất nhiều, vì riêng khoản lỗ CLB trong thời gian nói trên là 25 triệu euro/một năm. CLB đã phải bán đi cả SVĐ Westfalen, các bản quyền chuyển nhượng cầu thủ, các hợp đồng thương mại với Nike trong 5 năm...

Trong tình thế đó, các nhà lãnh đạo mới của CLB đã phải có những biện pháp khẩn cấp. Với khoản vay 79 triệu euro trong vòng 15 năm từ nhà băng Morgan Stanley của nước Mỹ cùng 50 triệu euro từ tập đoàn đa quốc gia trên lĩnh vực marketing, Sportfive, chủ tịch Reinhard Rauball, người cũng là chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá Đức, và giám đốc thể thao Hans-Joachim Watzke, đã quyết định mua lại SVĐ lớn nhất Bundesliga ( 80.720 chỗ ngồi) và biến nơi này thành sân đấu có số lượng khán giả đến xem đông nhất châu Âu (trung bình 80.500 người/trận), cao hơn cả Camp Nou và Old Trafford.

Sau khi mua lại SVĐ, CLB đã có tiền trả lương cho các cầu thủ, thương lượng lại việc trả tiền với các chủ nợ (hơn 100, trong đó có 8 ngân hàng), một số còn giảm nợ từ 30 đến 50%. Hãng bảo hiểm Signal Iduna lấy tên SVĐ và trả 5 triệu hàng năm. Evorik, công ty hóa chất, hàng năm cung cấp 10 triệu euro để bảo trợ tên áo đấu và hãng Puma, sáu triệu euro/năm, để cung cấp dụng cụ thể thao. Borussia còn thu được 189 triệu euro trong năm 2011-2012: 60 triệu từ bản quyền truyền hình, 97 triệu từ khai thác thương mại và 31 triệu từ bán vé, mặc dù còn kém xa so với doanh thu của Madrid. Barca và Bayern như đã nói ở trên.

Khi Juergen Klopp về với Dortmund, vào tháng 7/2008, chi phí của CLB giảm xuống chỉ còn 30 triệu euro. Thế mà hiện nay, một số cầu thủ như Reus, Gotze và Hummels cũng được hưởng 5 triệu euro trước thuế, còn Klopp là 4 triệu euro.

Trong ba năm trước mùa hè vừa qua, Dortmund chỉ chi hai triệu euro vào mua sắm cầu thủ, ít hơn đối thủ của họ tại tứ kết là Malaga tới 60 triệu euro. Mùa hè vừa qua, họ mua Reus với giá 17 triệu euro nhưng lại thu về 16 triệu euro nhờ bán Shinji Kagawa cho M.U.

Việc đào tạo trẻ đã đem lại kết quả. Ở mùa bóng năm ngoái, Borussia không chỉ giữ ngôi vô địch mà còn có cú đúp đầu tiên trong lịch sử 103 năm của đội bóng: Bundesliga và Cúp quốc gia.

Và trở thành một thế lực của bóng đá của Đức và châu Âu

Từ chỗ là một “kẻ nghèo” chỉ cách nay vài năm, Borussia nay đã trở thành một thế lực không chỉ ở nước Đức mà ở cả châu Âu, với một thứ bóng đá nhanh như điện, trực tiếp và dựa trên sự quyết liệt. Tất cả các cầu thủ đều tham gia tấn công và phòng thủ bằng một nhịp độ thi đấu rất cao và thể lực sung mãn. Họ có thể cướp lại bóng rất nhanh khi mất và tổ chức những đợt phản công vũ bão.

Trung vệ Hummels giống như một lá chắn thép ở tuyến sau; Guendogan nắm vai trò chủ chốt ở tuyến giữa và là cầu nối của hàng tiền vệ ba người với các hộ công Kuba-Goetze-Reus, chơi ngay phía sau Lewandowski. Bên cánh phải, Kuba liên tục đột nhập phần sân đối phương, chơi ăn ý với cầu thủ đồng hương, Lukas Piszczek, trong khi Goetze lừa bóng từ giữa sân và Reus xuất phát tấn công từ cánh trái với tốc độ chóng mặt. Có không ít người nhận định Borussia Dortmund vào thời điểm hiện nay có rất nhiều nét tương đồng với Barcelona, cả về triết lý bóng đá tấn công, lối chơi phối hợp nhuần nhuyễn và chú trọng đào tạo trẻ.

Mặc dù có người còn cho rằng Dortmund quá hồn nhiên khi chơi bóng, nhưng sự hồn nhiên đó cực kỳ nguy hiểm vì sự dũng mãnh và chính xác, có thể biến bất cứ một ông lớn nào trong nền bóng đá châu Âu thành nạn nhân của mình.

Việc đội bóng của Klopp đội bóng duy nhất không thua một trận nào từ đầu Champions League đến nay, dẫn đầu bảng tử thần và vừa tạo ra một cơn địa chấn trước Real Madrid cho thấy sức mạnh khủng khiếp của họ vào lúc này.

Và họ thực sự không chỉ là một thế lực ở Đức, mà ở cả châu Âu.

Khang Chi
Thể thao & Văn hóa

Với 600.000 dân và lớn thứ tám của nước Đức, Dortmund là một trong những thành phố cổ nhất và rất nổi bật ở Thời kỳ Trung cổ cũng như trong cuộc cách mạng công nghiệp của nước Đức, đặc biệt là sự phát triển của ngành mỏ và sản xuất rượu bia. Không mang tính thời trang và cũng không được là thủ phủ của vùng Westfalia, nhưng bóng đá lại là môn thể thao số một của Dortmund.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm