Giáng sinh 'hãy tặng một khẩu súng Browning!'

27/12/2015 18:21 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Đã thành một thường lệ buồn thảm: dăm bữa nửa tháng lại thấy tin một kẻ tâm thần (?) nào đó bắn người hàng loạt ở siêu thị hay trường học Mỹ, và bao đời tổng thống có thiện ý cải cách luật vũ khí đều chịu thua NRA - lobby buôn súng hùng mạnh trong nước, vốn sinh ra để bảo vệ “truyền thống tự vệ của công dân Hoa Kỳ”.

Kể ra cũng không có gì khó hiểu, nếu ta chịu khó ngắm đống quà dưới chân cây thông Giáng sinh ở đất nước của những cơ hội vô biên…

Sẽ là cơn ác mộng

… ở nơi khác, khi dưới chân cây thông lấp lánh ánh nến, bên cạnh hộp xếp hình Lego và mô hình máy bay cùng chocolate... là một khẩu súng trường hay súng lục. Ai lại đùa một cách vô ý thức vậy? Không, đó chỉ là một trong những mong muốn phổ biến ở đất nước phát triển hạng nhất địa cầu.   

The National Rifle Association Of America (NRA - Hiệp hội Súng quốc gia Hoa Kỳ) ra đời năm 1871, khởi đầu là một tổ chức luyện tập và sử dụng súng thể thao. Hôm nay, nó là một trong những nhóm lợi ích lớn nhất Hoa Kỳ, cấp tài chính và phương tiện quảng bá cho đa số các cuộc bầu bán chính trị.


Từ tuổi 7 đến 17 - khẩu Daisy sẽ khiến lễ Giáng sinh thành dịp lễ không bao giờ bị lãng quên”

Nhiệm vụ thiêng liêng ghi trong điều lệ của NRA là bảo vệ Hiến pháp Mỹ, đặc biệt là điều bổ sung số 2 mà theo đó mỗi công dân Mỹ có quyền hiến định là mua bán, tàng trữ, chuyên chở và sử dụng hợp pháp vũ khí để bất kỳ lúc nào cũng có thể bảo vệ gia đình, cá nhân và tài sản sở hữu cũng như quyền tự do cá nhân của mình.  

Vào lễ Giáng sinh, khi các ngôi nhà lung linh ánh nến và vô số cặp mắt trẻ thơ hồi hộp chờ lúc mở quà, cũng là lúc NRA đạt doanh số cao nhất. “Hãy biến lễ Giáng sinh này thành lễ Giáng sinh Browning!”, dòng chữ uốn lượn trên báo in và Internet quen thuộc với nhiều thế hệ người Mỹ, bởi họ đã đọc nó từ ngày còn chập chững đánh vần.

Dưới dòng chữ là một thằng cu lấm tấm tàn nhang cạnh cây thông, mắt bừng sáng khi cảm ơn Santa Claus, xin lỗi, cảm ơn ông thân sinh nhà nó: “Ôi bố ơi… một khẩu Winchester!”.  

Từ thập niên 1950

… các nhà sản xuất súng đã quảng cáo rầm rộ cho sản phẩm giết người (tiềm năng) của họ. Kiểu quảng cáo ấy phản ánh một phần lịch sử văn hóa Mỹ, cho ta thấu hiểu các truyền thống, giá trị và lý tưởng ở đó.

Hôm nay thì đã ít hơn, từ khi hình ảnh căn hộ treo đầy súng đạn khiến người ta liên tưởng đến khoảng trung bình 4 người Mỹ chết vì súng mỗi tiếng đồng hồ.


Nào, mẹ con ta ra công viên dạo một vòng nào!”

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Bô Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (CDC) thống kê mỗi năm 33.000 vụ chết người vì vũ khí hợp pháp hay phi pháp. Nhưng những đứa trẻ ngày nào hân hoan được bố mẹ tặng súng, hôm nay là lực lượng bảo vệ truyền thống ấy trong thời hiện tại.

Một trong những đơn vị hưởng lợi khủng là Hãng Markham Air Rifle Company, chuyên làm súng hơi có cấu trúc khá đơn giản. Thành công của họ nằm trong nghệ thuật tiếp thị: “Khẩu súng hơi này đem lại cho các cậu bé một hào quang mạnh mẽ và rất đàn ông, khiến chúng tỉnh táo và tự tin, chuẩn bị cho tố chất lãnh đạo sau này trong thế giới kinh doanh”.

Hãng này tồn tại từ 1886 và có một đối thủ cạnh tranh là Plymouth Iron Windmill Company (sau này đổi tên là Daisy Company), từng khôn khéo phát triển tiếp nghệ thuật bán hàng của Markham. Năm 1983, khi bộ phim hài A Christmas Story ra rạp trước thềm Noel, đàn ông Mỹ chợt nhận ra mình trong vai chính - cậu bé Ralphie với nguyện vọng cháy bỏng là được tặng một khẩu Red Ryder. Và Red Ryder lại được gọi theo tên một cowboy khác trong truyện tranh trẻ em, chuyên vác một khẩu Winchester có hình dáng giống súng hơi Daisy. Được bán ra từ năm 1938, hôm nay đã có hơn 10 triệu khẩu Daisy rời xưởng.

Nhân thể nói thêm, 318 triệu người Mỹ già trẻ lớn bé (không kể quân đội) sở hữu 270 đến 310 triệu vũ khí, trong đó súng hơi mới chỉ là bước khởi động bi thảm.


“Ôi bố ơi, một khẩu Winchester!” - niềm vui thánh thiện của một đứa bé, hay bước khởi đầu cho một số phận không mấy may mắn, khi mỗi năm xảy ra khoảng 100 tai nạn súng đạn với trẻ em là nạn nhân?  

Chẳng lẽ các bà mẹ không nói gì

… khi ta biết rằng linh tính của phụ nữ vốn nhạy hơn khi nghĩ đến con cái, ít nhất là khi biết một phần ba nạn nhân các vụ bắn nhau chưa được làm lễ sinh nhật thứ 20? Quả là chu đáo, khi Winchester tận tụy cung cấp đủ luận cứ hữu hiệu cho đám đàn ông kiệm lời: “Giả sử, bạn định tặng đứa con trai 12 tuổi một khẩu Winchester 22, nhưng vợ bạn cho rằng quá nguy hiểm, hãy đợi nó lớn thêm vài tuổi nữa. Bạn sẽ nói gì? Hãy nói là tại sao thằng bé cần sớm học cách sử dụng vũ khí, vì sau này cơ hội đó sẽ qua đi. Hãy nói rằng bản năng muốn được bắn và đi săn của thằng bé là hoàn toàn tự nhiên, là bẩm sinh đã có trong máu thịt nó, và đó là một phần truyền thống Mỹ”.

Từ niềm vui đặt tay vào cò súng hơi Winchester 22 chuyển đến vũ khí chính cống, bước quá độ đôi khi rất ngắn. Nhất là đối với thế hệ cowboy đường nhựa lớn lên hồi thập niên 1950-1960 và ít nhiều hào hứng ghi danh qua Việt Nam chiến đấu.

Ngày ấy quân đội Mỹ phát triển một chương trình mang tên lóng Quick Kill (Giết nhanh) ở trại huấn luyện Fort Benning, Georgia mà Time Magazine 1967 miêu tả như sau: “Tập luyện cho phát đạn mà ta không có thì giờ nhằm trước, khi câu hỏi đặt ra là giết hay bị giết”.

Cũng không lạ, khi trò chơi da trắng và da đỏ có nội dung giống hệt để các cowboy nhí tạo ra một linh tính sát thủ. Lời chỉ dẫn đó được bán kèm với khẩu BB Gun của Daisy, nhà cung cấp giấc mơ máu me cho thế hệ mầm non trong trắng…

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm