20/11/2013 08:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Lâu nay lò đào tạo SLNA vẫn được biết đến như là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ có chất lượng nhất trong cả nước. Trong nhiều năm gần đây SLNA đều đóng góp rất nhiều tuyển thủ cho các ĐTQG.
Tuy nhiên, để có được thành công như thế thì phải kể tới công lao dìu dắt, rèn luyện của các HLV. Họ là những người thầy thầm lặng, chuyên đi tìm kiếm và khai thác “những viên ngọc thô” cho SLNA để mài giũa thành “ngọc quý”.
“So bó đũa chọn cột cờ”
Trước đây, khi SLNA còn thuộc quyền quản lý của Sở TDTT Nghệ An, công việc tuyển chọn những cầu thủ nhí để về huấn luyện tập trung tại CLB đều được khoán trắng cho những HLV phụ trách.
Họ phải lăn lộn tìm kiếm ở các giải trẻ, trên những sân bóng chiều tà để tìm những cầu thủ nổi bật theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ”, không giống với cách tuyển chọn bài bản qua nhiều phần thi tài năng của các trung tâm đào tạo trẻ trong cả nước hiện nay như Viettel, PVF hay HA.GL Arsenal JMG…
HLV Đinh Văn Dũng là một HLV rất có kinh nghiệm trong công tác đào tạo trẻ của SLNA. Ảnh: Đại Nghĩa
Vì thế, có một thời gian dài người ta không hề xa lạ với việc những HLV có tên tuổi ở Nghệ An như Hà Thìn, Văn Sỹ Chi, Cao Phi Đại… theo dõi một trận đấu bóng đá thuộc cấp thôn xóm, phường xã, mà ít ai biết rằng khi đó họ đang làm nhiệm vụ tìm kiếm “ngọc thô” cho lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ.
Ngoài ra, những HLV này còn nhận luôn nhiệm vụ làm HLV cho các đội bóng ở cấp thôn xóm, phường xã để tham dự các giải đấu phong trào, nhằm trực tiếp tiếp cận với “nguồn cung” để kiểm chứng sâu sát chất lượng cầu thủ cần tuyển chọn. Chính nhờ sự theo dõi kỹ càng như vậy nên họ mới phát hiện được những tài năng trẻ đang ở dạng “ngọc thô”.
Chẳng hạn, HLV Văn Sỹ Chi (bố đẻ của 3 anh em cầu thủ Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn) là người thầy có công phát hiện ra những VĐV tên tuổi thuộc lứa 1982-1985 như Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn, Minh Đức… cho lò đào tạo SLNA.
Văn Quyến, Công Vinh đã được phát hiện như thế nào?
Lúc bấy giờ, HLV Văn Sỹ Chi nhận nhiệm vụ làm HLV trưởng đội bóng đá phong trào phường Hà Huy Tập tham dự giải bóng đá thành phố Vinh. Chính ở giải đấu này, ông Chi đã phát hiện được một số cầu thủ nhí như Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Lâm Tấn đã thể hiện tài năng vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.
Ngay cả Văn Quyến và Công Vinh cũng được phát hiện theo cách tuyển chọn như trên thông qua các trận đấu phong trào tại huyện Hưng Nguyên và huyện Quỳnh Lưu. Chỉ sau vài năm, những cầu thủ được HLV Văn Sỹ Chi phát hiện đã sớm nổi danh tại VCK vô địch U16 châu Á tại Đà Nẵng năm 2000.Hay trường hợp của HLV Cao Phi Đại lại khác. Khi được giao nhận nhiệm vụ tuyển chọn VĐV để đào tạo trẻ, ông đã lăn lội đi tới các giải phong trào địa phương trong toàn tỉnh để tìm kiếm “ngọc thô”.
May mắn cho ông là ngay tại giải bóng đá Nhi đồng Cúp báo Nghệ An, từ vòng loại khu vực đến VCK, HLV Cao Phi Đại đã “chấm” được lứa cầu thủ sinh năm 1988 như Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Hoàn, Quang Tình… để tạo nên một thế hệ cầu thủ nổi tiếng cho bóng đá SLNA nói riêng và Việt Nam nói chung.
Truyền thống hiện đại cùng kết hợp
Trao đổi với người viết sau gần 10 năm không còn làm công tác đào tạo bóng đá trẻ, HLV Cao Phi Đại cho hay: “Đã nhiều năm tôi không còn làm công việc liên quan đến bóng đá, nhưng tôi vẫn nhớ như in công việc đào tạo cầu thủ trẻ ở SLNA.
Có những lúc chúng tôi mất ăn mất ngủ để tìm mọi cách lôi kéo thuyết phục gia đình đồng ý trao gửi con em họ cho chúng tôi đào tạo. Mỗi khi có một trường hợp cầu thủ nào đó mà chúng tôi đã chấm nhưng không thể thuyết phục được gia đình để đưa các em về SLNA đào tạo thì chúng tôi thất thần như mình vừa đánh mất một tài sản quý giá. Tôi đã đào tạo nên nhiều lứa cầu thủ cho SLNA nhưng tôi thấy thành công và may mắn nhất là những cầu thủ lứa sinh năm 1988 như Trọng Hoàng, Quang Tình, Đình Đồng… mà tôi đã tìm thấy tại một giải phong trào. Đấy là cơ duyên nghề nghiệp may mắn của một HLV đào tạo trẻ.”
Hiện nay ban đào tạo trẻ của SLNA có gần 20 HLV và các trợ lý đứng lớp cho các lứa tuổi từ U11 đến U21. Tuy nhiên, mỗi HLV trong ban này đầu tiên đều được kinh qua công việc tuyển chọn VĐV.
Mặc dù bây giờ mỗi khi tuyển sinh cầu thủ năng khiếu thì CLB đều thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng phương pháp đi “đãi cát tìm vàng” thời trước vẫn được các HLV chú trọng, vì có như thế họ mới không để sót một “thần đồng” bóng đá nào trên địa bàn.
Những công việc tưởng chừng bình lặng của những HLV, những người thầy bóng đá, đã góp công lớn vào thành công của thương hiệu lò đào tạo trẻ SLNA, khi đội bóng xứ Nghệ hàng năm vẫn luôn cung cấp cho các ĐTQG không ít tài năng hứa hẹn.
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất