Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hoa hậu nói dối có gì lạ...

14/03/2014 09:00 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Vài năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp đã tạo nên không ít lùm xùm. Tuy nhiên vụ việc mới nhất: Hoa hậu Diễm Hương khai man lý lịch, nói dối là chưa kết hôn để dự thi Hoa hậu Hoàn vũ vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Qua sự việc này, một lần nữa việc quản lý các cuộc thi sắc đẹp, việc cử người đi thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế lại được đặt ra.

TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, một người đã có nhiều kinh nghiệm trong các kỳ thi nhan sắc.

* Ông đánh giá thế nào về vụ việc Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương lừa dối cơ quan quản lý nhà nước, khai man là gái chưa chồng để tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

- Tôi làm trưởng ban tổ chức và Trưởng ban giám khảo Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ nhất (hoa hậu lần đó là Ngô Phương Lan) nhưng lần thứ hai tôi chỉ được mời đến dự, không biết quy chế cụ thể của họ như thế nào. Tôi chỉ biết năm đầu, quy định cơ bản của cuộc thi này có ghi, thí sinh dự thi phải chưa lập gia đình và chưa có con.

Sự việc này quả thực rất đáng chê trách cho cá nhân Diễm Hương vì đã là hoa hậu mà nói dối thì không thể chấp nhận. Đây cũng là một việc rất đáng buồn cho Ban tổ chức (BTC) một cuộc thi.

* Theo ông tiêu chuẩn của hoa hậu là gì?

- Có nhiều tiêu chuẩn lắm, ngoài việc phải có vẻ đẹp hình thể tiêu biểu nhất trong số những người dự thi, thí sinh đó còn phải có phẩm chất đạo đức, tri thức. Mà tiêu chuẩn đầu tiên về đạo đức với hoa hậu là phải chân thật. Cái đẹp là cái thật, cái thiện mà.

* So sánh trường hợp thí sinh Vương Thu Phương khai man chưa có chồng để tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 với trường hợp Hoa hậu Diễm Hương, ông đánh giá thế nào về mức độ hai vụ việc này?

- Thu Phương chưa có danh hiệu khi tham dự Hoa hậu Việt Nam, cô ấy đã bị BTC loại vì không trung thực. Còn Diễm Hương đã đoạt danh hiệu Hoa hậu Thế giới người Việt. Cô ấy được cử đi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ, tức là cô ấy đại diện nhan sắc của một quốc gia, nhưng lại nói dối, nên mức độ nặng hơn chứ.

* Qua vụ việc này có thể thấy quy trình thẩm định hồ sơ, cấp phép đưa các người đẹp đi dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế dường như còn nhiều kẽ hở?

- Tôi nghĩ là cần phải làm chặt chẽ hơn vì cử đại diện một quốc gia đi thi quan trọng lắm, cần phải tuyển lựa rất chặt chẽ. Các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức đã từng cử những người đẹp đầu tiên tham dự các cuộc thi thế giới và gặt hái nhiều thành tích cao như: Hoa hậu Hà Kiều Anh đi thi Hoa hậu Sinh viên Thế giới đã đoạt giải cao; Hoa hậu Mai Phương lọt vào Top 17, Nguyễn Thị Huyền Top 15 (đứng thứ 11)... Gần đây tôi không hiểu người ta tuyển thế nào?

Tôi chỉ nói kinh nghiệm tuyển chọn của Hoa hậu Việt Nam, từ hàng ngàn cô gái, khi chọn được ra 100 cô vào vòng sơ tuyển thì Ban thí sinh sẽ lập tức kiểm tra lý lịch như đã kết hôn chưa, có trình độ học vấn thế nào… Vào vòng trong lại kiểm tra lần nữa. Và tới vòng chung kết thì BTC sẽ kiểm tra cấp tốc lý lịch những người có khả năng đoạt ngôi hoa hậu, á hậu. Hồ sơ của các cô gái có khả năng đoạt giải cao phải có 3 dấu đỏ: của công an phường, của chính quyền phường/xã, dấu đỏ ở nơi họ học tập hoặc làm việc. Đầy đủ như vậy rồi mà BTC, Ban giám khảo (BGK) còn phải xem xét rất nhiều thứ nữa…

* Kiểm tra gắt gao thế nhưng thực tế vẫn xảy ra chuyện về bằng cấp của hoa hậu đấy thôi thưa ông?

- Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức nhiều năm rồi, có vấn đề gì lắm đâu, ngoài trường hợp của Hoa hậu Thùy Dung.

* Theo ông, có chuyện vì bây giờ rất hiếm người đẹp đủ sắc và tài để “đem chuông đi đánh xứ người” nên các đơn vị cử người đi thi có sự “chín bỏ làm mười” khi xét hồ sơ của các người đẹp?

- Có thể lắm. Nhưng có ai bắt buộc phải tìm ra người đẹp để dự thi quốc tế đâu, nếu không tìm thấy người đủ tiêu chuẩn thì để năm khác, việc gì phải bằng mọi giá cử người đi thi.


Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương

* Hiện nay Cục NTBD chỉ xử phạt hành chính Hoa hậu Diễm Hương (cấm diễn trên toàn quốc). Theo ông mức phạt này thế nào?

- Tôi nghĩ đó cũng là hình thức cần thiết để cảnh tỉnh và để nhắc nhở những người sau này. Nhưng tôi nghĩ chưa đến mức vi phạm pháp luật, chỉ là vi phạm về đạo đức, hoa hậu đã không trung thực. Còn ảnh hưởng đến xã hội ở mức độ nào cần xem xét kỹ.

* Thưa ông, động cơ nào khiến các cô gái đẹp bất chấp luật lệ các cuộc thi, và cả luật pháp để “vượt rào” tham dự các cuộc thi sắc đẹp?

- Nói một cách công bằng không chỉ người đẹp mới nói dối. Tôi cho rằng nói dối đang là căn bệnh trầm kha của xã hội chúng ta hiện nay. Cả một tập thể bệnh viện còn làm dối bản xét nghiệm, rồi nhiều bằng thạc sĩ, tiến sĩ, bằng lái xe cũng giả... Kinh khủng và nguy hiểm quá. Cho nên, nếu người đẹp có nói dối, thì họ cũng nằm trong những nhóm đó thôi.

Những cô gái trẻ đi thi nhan sắc tuổi đời còn trẻ, chưa nghĩ được thấu đáo, họ nghĩ có thể qua mặt BGK, BTC và khán giả, mà không hiểu câu của ông cha “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

* Chắc hẳn, còn phải có nguyên do nào khác, như hấp lực của “nghề làm hoa hậu” ngày càng kiếm được ra nhiều tiền.

- Cái đó đúng đấy. Những thế hệ đầu tiên của Hoa hậu Việt Nam như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Thu Thủy… họ đến với cuộc thi rất trong sáng, không vụ lợi và họ trưởng thành bằng phấn đấu, bằng thực lực. Còn bây giờ nhiều cô gái coi nhan sắc là phương tiện để tiến thân, nên họ háo danh. Công nhận sắc đẹp là một tài sản, nhưng phải dùng thế nào cho xứng đáng chứ.

* Là giám khảo chấm chọn hoa hậu, người đẹp, hẳn ông rất đau đầu mới tìm được người xứng đáng đội vương miện?

- Quả thực tìm được người đẹp xứng đáng khó lắm. Xã hội bây giờ phức tạp, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng có xu hướng thương mại hóa. Và quan trọng nhất là BTC các cuộc thi có trung thực, khách quan không?! BTC, BGK chính là yếu tố quan trọng nhất của cuộc thi, BTC như thế nào, BGK như thế nào thì kết quả cuộc sẽ như vậy.

Vì sao trước đây cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thường mời những người như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố Giáo sư Nguyễn Quang Quyền, NSND Trà Giang… làm giám khảo vì họ đều những người có tài năng, nhân cách, đạo đức, có kinh nghiệm nhìn nhận con người. Chỉ cần tiếp xúc với các cô gái là họ có thể biết phần nào tính tình của cô ấy, cô ấy có biểu hiện trung thực hay giả dối... Họ có những đánh giá hết sức tinh tế, nên tôi đã mời họ làm giám khảo nhiều năm. Họ thực sự là những người “có con mắt tinh đời”…

Nói chung làm giám khảo rất khó, mà làm giám khảo thi nhan sắc còn khó hơn.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ngày 7/3 Cục NTBD đã chính thức gửi công văn tới các Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng cho phép Hoa hậu Diễm Hương tham gia các hoạt động nghệ thuật, biểu diễn thời trang trên toàn quốc.

Lý do, trong công văn nêu rõ: “Cục NTBD đã thu thập được tài liệu chứng minh bà Lưu Thị Diễm Hương đã đăng ký kết hôn nhưng không trung thực khi kê khai với các cơ quan quản lý nhà nước và làm hồ sơ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2012, việc làm này thể hiện sự cố ý không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm