16/09/2017 10:54 GMT+7
(lienminhbng.org) - Dư luận trái chiều xung quanh chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc từng bước bỏ biên chế đối với giáo viên cách đây mấy tháng tưởng như đã chìm xuống thì lại mới bị xới lên khi trên mạng xã hội vừa xuất hiện một bức thư của thầy giáo cấp 2 tại Bình Liêu (Quảng Ninh) làm đơn xin ra khỏi biên chế ngành Giáo dục sau 16 năm công tác.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, những người làm giáo dục đã có nhiều ý kiến về quyết định cá nhân của thầy giáo kia. Và, câu chuyện về hai chữ “biên chế” với giáo viên lần nữa lại nhận được sự chia sẻ, tâm tư của nhiều thầy cô giáo. Qua phần lớn các ý kiến từ các chuyên gia trong ngành và trực tiếp là đội ngũ giáo viên, có thể thấy, bỏ biên chế là chủ trương không phải không có lý, nhưng mà chưa phải lúc và không hề dễ dàng thực hiện.
Có thể thấy, mặt bằng giáo dục ở nước ta có sự chênh lệch rất lớn theo vùng, miền, giữa nông thôn, thành thị, đồng bằng, miền núi. Có nhiều nơi, dù chỉ cần cách nhau vài chục kilomet, chất lượng giáo dục đã khác nhau một trời một vực giữa trường của thị trấn với các điểm trường lèo tèo trong các bản, làng. Khác từ cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt đến chất lượng giáo viên, nhận thức học sinh và cả tinh thần... của người học.
Có những nơi, tiếng là giáo viên nhưng công việc chính của các thầy cô nhiều khi không phải là lên lớp, mà là... đi tìm kiếm, thuyết phục gia đình và học sinh, để các em đến trường.
Vậy tại sao các thầy cô giáo lại "bám trụ" được để sống và dạy học trên những vùng "khỉ ho cò gáy", thiếu thốn đủ bề, xa xôi đủ thứ như thế? Nếu chỉ hỏi theo kiểu “ngoại giao”, hầu hết các thầy cô sẽ cho rằng: Vì yêu nghề! Vì say mê với công việc! Vì thấy thương các em quá... Đó cũng là lý do rất đáng trân trọng. Nhưng, chỉ cần tâm sự, khơi gợi thêm, chắc chắn, sau vài phút thôi, chúng ta sẽ được nghe những lời bộc bạch thực lòng, để thấy một lý do thực tế hơn: Họ bám trụ còn vì cái suất "biên chế".
Với nhiều thầy cô, nếu không chấp nhận đến với những nơi xa xôi, hẻo lánh họ sẽ chỉ còn cách bỏ nghề vì khó còn sự lựa chọn nào khác. Các nhà báo vẫn hay kể cho nhau nghe câu chuyện để rồi cười chua chát: Một thầy giáo được tuyên dương vì có thành tích mấy chục năm liên tục bám bản. Có nhà báo của địa phương lặn lội tìm về phỏng vấn. Sau khi nghe câu hỏi của phóng viên về "động lực nào khiến thầy quyết định bám bản suốt hơn chục năm qua", người thầy có lẽ lâu không được giao tiếp kiểu phải đắn đo, vuốt ve từng câu chữ nên đã trả lời thành thật: "Làm gì có tiền chạy, không bám trụ ở đây thì đi được đâu?!?". Câu chuyện vui nhưng có thật. Một sự thật ẩn chứa bao điều trong đó, nói lên nỗi lòng chung của không ít giáo viên!
Từ trước tới nay, nghề "nhà giáo" đã vốn được xếp vào nhòm "nhà nghèo", dù sự danh giá, cao quý thì ít nghề nào so được. Có một thời, người ta không cần nói ra nhưng ai cũng hiểu, những người thi vào sư phạm chủ yếu là con nông dân, người tỉnh lẻ, thuộc diện nghèo. Họ theo nghiệp sư phạm ngoài lý do yêu nghề gõ đầu trẻ ra, còn một lý do đặc biệt quan trọng khác đó là không mất tiền học phí và được sắp xếp công việc khi ra trường.
Giờ đã không còn kiểu "bao cấp toàn bộ" đó, nhưng, dù sao, người học sư phạm khi ra trường vẫn bấu víu vào suất biên chế để đeo đuổi ước mơ, coi đó là khởi đầu cho hành trang cuộc đời của mình. Hiện nay, để có suất biên chế, với các giáo viên là điều không hề đơn giản. Nhiều người phải chọn cách chấp nhận hi sinh tuổi trẻ, gác bỏ mơ mộng, đến với vùng sâu vùng xa, tìm kiếm một con đường mới để đeo đuổi sự nghiệp của mình. Nếu không đi dạy, những người học nghề sư phạm còn biết làm gì khác nữa đây!
Không có con số chính xác, nhưng, ai cũng hiểu, ngay ở nông thôn hiện nay, việc có được một "suất" hợp đồng đối với giáo viên đã rất tốn kém. Sau đó, phải đợi đằng đẵng thời gian, chờ cơ hội, rồi tốn cũng tương tự hoặc thậm chí nhiều hơn số tiền ấy nữa, mới có được một vị trí "chắc chân" trong ngành, để yên tâm giảng dạy, vì đã có cái "sổ hưu" dưỡng già.
Vất vả là thế, nhưng, nhìn vào mức lương ngành giáo dục hiện nay, mới thấy rằng, nó quá thấp so với mặt bằng chung của đời sống xã hội, không tương xứng so với trí tuệ, sức lực mà các thầy cô bỏ ra. Nhưng, các giáo viên vẫn phải kiên trì, cố gắng bám trụ với nghề, nhiều người còn phải kiếm thêm nghề phụ để làm, nuôi sống gia đình, mà không dám dứt bỏ bục giảng, cũng chỉ vì tiếc cái suất “biên chế” kia!
Nói thế để thấy, với hầu hết những giáo viên hiện nay, cái suất "biên chế" vừa như động lực, vừa là điểm "bấu víu" để các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến. Đúng là vẫn còn tình trạng có thầy cô sau khi lo được suất biên chế rồi nên thiếu tâm huyết với nghề, giảng dạy chỉ để cho xong nhiệm vụ. Nhưng, đó là số ít. Và, việc cắt bỏ suất biên chế đi không phải là giải pháp đúng đắn nhất để giải quyết thực trạng đó.
Với thực trạng các trường Sư phạm bị “ghẻ lạnh”, phải dùng đến mức điểm “dưới sàn” để vét sinh viên, đủ thấy, cái mác “giáo viên” đã không còn giàu sức hút như trước nữa. Vậy, nếu bỏ biên chế, thử hỏi, ngành Sư phạm có tuyển nổi được sinh viên nữa hay không? Chưa kể, hiện nay, ở nhiều vùng, vẫn đang thực hiện các chương trình phổ cập giáo dục, công tác “xóa mù” vẫn còn đang ngổn ngang bao việc, nếu bỏ biên chế đi, sẽ lấy nguồn lực nào để thu hút giáo viên đến với các khu vực vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh?
Một câu hỏi nữa khiến nhiều người quan tâm, đó là, khi bỏ biên chế, áp dụng hình thức tổ chức sát hạch để đánh giá, thải loại giáo viên, ai sẽ là người có thẩm quyền đánh giá? Việc đánh giá liệu có đảm bảo công bằng, khách quan không, hay vô hình trung lại tạo cho hiệu trưởng nhà trường quyền sinh quyền sát, có thể tùy hứng cắt hợp đồng với những giáo viên trái ý với mình?.. Còn rất nhiều câu hỏi nữa phát sinh từ việc bỏ biên chế, mà chắc chắn rằng, lãnh đạo ngành Giáo dục không dễ gì tìm ra cách trả lời thỏa đáng, thuyết phục.
Có thể nói, lỗi của thực trạng giáo dục hiện nay không thể chỉ do người giáo viên. Chính đội ngũ giáo viên cũng là những người mà đang thực sự hoang mang nhất về những đợt đổi mới liên tục của ngành Giáo dục suốt những năm gần đây. Vì vậy, nếu có bỏ biên chế, thiết nghĩ, nên thực hiện ngay từ cơ quan quản lý cao nhất. Chính những vị trí ấy mới cần phải tiên phong về "có ra-có vào" hợp lý, khách quan, minh bạch, để thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Theo Chiến Văn - Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất